Báo Đồng Nai điện tử
En

Chỉ bởi lòng tham...

10:10, 25/10/2013

Với lối suy nghĩ “mượn tạm tiền quỹ cơ quan đầu tư kiếm lời”, bị cáo Đỗ Ngọc Sơn (29 tuổi, nguyên kế toán trưởng Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở Tân Hiệp, gọi tắt Quỹ Tín dụng Tân Hiệp) đã phải vào tù vì “ôm” hơn 5,2 tỷ đồng của cơ quan sử dụng cho mục đích riêng.

Với lối suy nghĩ “mượn tạm tiền quỹ cơ quan đầu tư kiếm lời”, bị cáo Đỗ Ngọc Sơn (29 tuổi, nguyên kế toán trưởng Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở Tân Hiệp, gọi tắt Quỹ Tín dụng Tân Hiệp) đã phải vào tù vì “ôm” hơn 5,2 tỷ đồng của cơ quan sử dụng cho mục đích riêng.

Bị cáo Đỗ Ngọc Sơn tại tòa.
Bị cáo Đỗ Ngọc Sơn tại tòa.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, Sơn là đứa con mà cha mẹ đặt hy vọng rất nhiều. Ngày bước chân vào miền Nam lập nghiệp, Sơn tự hứa với bản thân phải “công thành danh toại” để cha mẹ mở mày mở mặt với bà con, xóm giềng. Nhưng không ngờ, chỉ vì lòng tham, Sơn đã đánh mất bản thân, đánh mất niềm tin nơi gia đình, sa vào con đường tù tội.

* Mộng làm giàu bất chính

Học giỏi, nhanh nhẹn, sau khi tốt nghiệp đại học, tháng 3-2009, Sơn được Quỹ Tín dụng Tân Hiệp tuyển dụng vào làm việc. Sau một thời gian ngắn, Sơn đã nhanh chóng khẳng định được chỗ đứng trong cơ quan và được giao chức kế toán trưởng của Quỹ Tín dụng Tân Hiệp.

Với tính siêng năng, chịu khó, Sơn đã tạo được niềm tin của Ban giám đốc cơ quan. Chàng trai trẻ làm việc hăng say, năng động, nhờ đó mọi kế hoạch của Sơn đều nhanh chóng được thông qua mà không ai nghi ngờ. Nhưng rồi cuộc sống xa quê, mộng làm giàu nhanh và tham vọng quá lớn đã khiến Sơn bị hoa mắt với sự lôi kéo của đồng tiền.

Là kế toán trưởng, Sơn được giao nhiệm vụ rút tiền gửi của Quỹ Tín dụng Tân Hiệp mở tại Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Phòng Giao dịch Tân Phong, Chi nhánh Đồng Nai) để về nhập quỹ cho việc giao dịch trong ngày với khách hàng của Quỹ Tín dụng Tân Hiệp.

Thường ngày, số quỹ dư ra của quỹ tín dụng còn rất nhiều, việc giao dịch với khách hàng không bị ngưng trệ, nên Quỹ Tín dụng Tân Hiệp nhập tiền vào chỉ để tích trữ cho lần sau. Bên cạnh đó, được sự tin tưởng của cấp trên, Sơn dễ dàng được ký các bản giao dịch kê khai, nên dần nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của cơ quan “tuồn” về túi mình.

Từ tháng 12-2010 đến 7-2012, sau khi rút tiền từ ngân hàng về, Sơn đã nhiều lần chiếm đoạt tiền của Quỹ Tín dụng Tân Hiệp bỏ túi riêng; khi thì chiếm đoạt hết số tiền rút từ ngân hàng, có khi nộp một số tiền cho quỹ tín dụng đủ giao dịch, số còn lại bỏ túi.

Thấy mọi việc dễ dàng, Sơn cứ thế tiện tay bỏ tiền của cơ quan vào túi mình mỗi khi đi rút tiền quỹ từ ngân hàng về. Chỉ trong vòng 2 năm, Sơn đã 41 lần lấy tiền cơ quan bỏ túi riêng, thu lợi bất chính hơn 5,2 tỷ đồng.

* Trả giá...

Ngày Sơn phải ra tòa đứng trước vành móng ngựa, chỉ lác đác vài người bạn của bị cáo đến dự. Sống xa quê cả ngàn cây số, nên khi bị cáo gây tội lớn, cha mẹ bị cáo cũng không vào thăm con được. Trước tòa, Sơn thành thật khai báo và luôn miệng xin được giảm nhẹ tội. Tuy thế, nhiều người nhìn Sơn mà chẳng thấy tội nghiệp gì cho chàng thanh niên sớm vì tiền phải hầu tòa.

Tại tòa, bị cáo Sơn cho rằng mình còn trẻ, suy nghĩ chưa chín chắn nên nghĩ hành vi của mình không phải chiếm đoạt tiền của cơ quan, mà chỉ mượn tạm. Bị cáo cho rằng việc mình làm là sai, nhưng không ảnh hưởng đến ai. “Bị cáo chỉ tính mượn cho vay lấy lời, sau đó thu hồi vốn trả lại quỹ tín dụng, chứ không hề có ý chiếm đoạt” - Sơn trình bày.

Lối suy nghĩ thiển cận của bị cáo đã bị tòa bác bỏ, và cho rằng bị cáo là kẻ có học thức nên không thể có suy nghĩ và hành động như vậy được. Việc rút tiền cơ quan để đầu tư làm ăn riêng là điều không thể chấp nhận, lại càng sai khi bị cáo nghĩ “chẳng gây thiệt hại đến ai”.

Tòa cũng cho hay, bị cáo đã phạm tội thì phải chịu tội trước pháp luật, nhưng không có nghĩa là Ban giám đốc Quỹ Tín dụng Tân Hiệp khỏi phải chịu trách nhiệm trong vụ án này. Nếu họ quản lý chặt chẽ và rõ ràng từng khoản tiền giao dịch của cơ quan, thì bị cáo Sơn khó có cơ hội chiếm đoạt tiền lên đến cả tỷ đồng.

Phiên tòa kết thúc, bị cáo Sơn bị xử phạt 15 năm tù giam, trong khi những người tham dự phiên tòa thì kháo nhau rằng: “Chẳng lẽ nó định “hy sinh đời bố để củng cố đời con?”. Bởi chẳng ai biết số tiền tỷ mà Sơn chiếm đoạt hiện giờ đã về đâu?

Tố Tâm

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều