Báo Đồng Nai điện tử
En

Vẫn lúng túng với “hộp đen”

09:09, 16/09/2013

Quy định xử phạt vi phạm không gắn thiết bị giám sát hành trình (hộp đen), hoặc “hộp đen” không hoạt động đã có hiệu lực từ ngày 1-7. Nhưng đến nay, lực lượng chức năng cũng như nhà xe, tài xế vẫn còn lúng túng đối với “hộp đen”.

Quy định xử phạt vi phạm không gắn thiết bị giám sát hành trình (hộp đen), hoặc “hộp đen” không hoạt động đã có hiệu lực từ ngày 1-7. Nhưng đến nay, lực lượng chức năng cũng như nhà xe, tài xế vẫn còn lúng túng đối với “hộp đen”.

“Hộp đen” thường được gắn trong kẹt và tài xế không biết gì về hoạt động của thiết bị này.
“Hộp đen” thường được gắn trong kẹt và tài xế không biết gì về hoạt động của thiết bị này.

Theo quy định của Bộ Giao thông - vận tải (GTVT), các loại xe khách đường dài, xe chạy hợp đồng, xe container... phải gắn “hộp đen” để phục vụ công tác quản lý và đảm bảo an toàn giao thông.

* Nhiều lợi ích từ hộp đen

Chánh thanh tra Sở GTVT Dương Mạnh Hưng cho biết, “hộp đen” hoạt động phải trích xuất được các dữ liệu, như: hành trình của xe, số lần đóng mở cửa hoặc dừng đỗ xe, thời gian cầm lái của tài xế, tốc độ lưu thông của xe… Qua đó chủ xe, đơn vị quản lý có thể nắm được hoạt động xe ngay trên hành trình (qua mạng internet) để có thể can thiệp, nhắc nhở tài xế hoạt động đúng nội quy, đúng pháp luật.

“Hộp đen” còn cung cấp cho cơ quan quản lý các thông tin nhận dạng mặc định, bao gồm: tên đơn vị kinh doanh vận tải; tên sở GTVT (nơi trực tiếp quản lý đơn vị kinh doanh vận tải); biển kiểm soát xe; trọng tải xe (số hành khách, hoặc tấn tải trọng cho phép); loại hình kinh doanh; họ tên lái xe; số giấy phép lái xe. Các thông tin mặc định này phải được gắn kết với các thông tin cập nhật liên tục về hoạt động của từng tài xế. Các thông tin cập nhật liên tục về hoạt động của xe và lái xe, bao gồm: thông tin về hành trình của xe; tốc độ vận hành của xe, số lần và thời gian xe dừng đỗ; số lần và thời gian đóng, mở cửa xe; thời gian lái xe liên tục; thời gian làm việc của tài xế trong ngày.

Ngoài ra, dữ liệu từ “hộp đen” còn đáp ứng các yêu cầu khác, như: phục vụ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động vận tải trong phạm vi địa phương và trên toàn quốc; theo dõi, chấn chỉnh, xử lý vi phạm của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn địa phương và của các sở GTVT; phục vụ công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu; phục vụ công tác xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục, đào tạo đội ngũ lái xe; phục vụ công tác đánh giá, xếp hạng các đơn vị kinh doanh vận tải và các sở GTVT trong việc chấp hành các quy định về quản lý vận tải trong phạm vi toàn quốc...

Đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng “hộp đen” để phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của đơn vị; quản lý và cảnh báo lái xe khi vi phạm; theo dõi, chấn chỉnh hoạt động của lái xe; phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo lái xe tại đơn vị; phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của lái xe tại đơn vị; cung cấp các thông tin phục vụ công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của cơ quan chức năng khi có yêu cầu.

* Còn lúng túng khi xử lý

Quy định gắn “hộp đen” đã có từ năm 2009, nhưng để thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh vận tải, Bộ GTVT đã nhiều lần dời thời hạn xử phạt các đơn vị, nhà xe chưa gắn đến ngày 1-7-2013. Đến hạn xử lý, lực lượng chức năng cũng chưa dứt khoát xử phạt vì nhiều nguyên do. Chẳng hạn, có đến 53 công ty, đơn vị sản xuất, lắp ráp “hộp đen” được Bộ GTVT chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn để đáp ứng nhu cầu cho toàn quốc. Thời gian qua, một số đơn vị đã lắp “hộp đen” cho nhiều khách hàng, nhưng bị Bộ GTVT rút giấy phép, nên không bảo đảm thiết bị này hoạt động xuyên suốt ở nhiều đầu xe (đã lỡ thực hiện hợp đồng với nơi bị rút giấy phép).

Ở một số địa phương (trong đó có Đồng Nai), lực lượng thanh tra giao thông (TTGT) chậm được trang bị máy in cầm tay để trích xuất tại chỗ dữ liệu từ “hộp đen”. Do vậy, lực lượng TTGT một số nơi hiện chỉ nhắc nhở các trường hợp “hộp đen” có biểu hiện không hoạt động, mà chưa xử phạt theo quy định.

Qua thực tế kiểm tra nhiều phương tiện gắn “hộp đen” thời gian qua, lực lượng TTGT gặp một số trở ngại. Cụ thể khi bị kiểm tra, tài xế không biết gì về “hộp đen”, phải gọi điện thoại hỏi chủ xe nơi lắp đặt, rồi thông báo lại cho TTGT.

Ngày 12-9, theo chân tổ kiểm tra của Đội TTGT số 10 hoạt động trên quốc lộ 1, chúng tôi đã ghi nhận nhiều trường hợp như vậy. Như trường hợp xe khách 51B-087.60, tài xế cho biết, có biết quy định gắn “hộp đen”, nhưng không biết “nó” hoạt động ra sao. TTGT phải chui vào kẹt “táp lô” soi đèn pin để lôi thiết bị này ra. Nhưng xe này có thiết bị, lại không có cổng kết nối máy in, nên TTGT không trích xuất được dữ liệu. TTGT đành phải ghi nhận xe có trang bị “hộp đen” và “hộp đen” có hoạt động qua tín hiệu đèn chớp (theo quy định “hộp đen” phải có cổng kết nối máy in cầm tay và trích xuất được dữ liệu). Hay như xe khách giường nằm 37B-00027, tài xế chỉ biết quy định phải gắn “hộp đen”, còn cơ chế hoạt động ra sao thì không biết. Lực lượng TTGT gắn được máy in cầm tay vào “hộp đen” của xe này, nhưng chờ mãi mà không in ra được dữ liệu. TTGT cũng đành nhắc nhở và cho xe tiếp tục lưu thông để không gây phiền hà cho hành khách.

Chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải Vĩnh Cửu Nguyễn Tiến Thắng cho biết, đơn vị có 140 đầu xe vận tải các loại. Đã có 100% xe của đơn vị được lắp “hộp đen”, nhưng vẫn có một số đầu xe có “hộp đen” hoạt động chập chờn. Nguyên do là đơn vị lắp “hộp đen” của nhiều đơn vị cung cấp khác nhau, nên đôi lúc gặp khó khăn trong điều hành. Còn bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty Triệu Vy (xe hợp đồng chở khách), cho biết các đầu xe của công ty đều được gắn “hộp đen”, nhưng hoạt động của các thiết bị này hiện chưa ổn định.

Ông Dương Mạnh Hưng cho biết, sắp tới đoàn công tác của Bộ GTVT sẽ kiểm tra ở Đồng Nai và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về thiết bị giám sát hành trình. Thế nhưng quan trọng là các đơn vị, nhà xe phải thấy lợi ích thiết thực của “hộp đen”, như: giúp kiểm soát được tài xế có chạy đúng hành trình hay không, có chạy quá tốc độ thường xuyên không, có bảo đảm sức khỏe khi cầm lái không (thời gian ôm vô lăng)... Theo quy định, qua kiểm tra dữ liệu từ “hộp đen”, nếu phát hiện đơn vị nào có nhiều đầu xe vi phạm thì lực lượng chức năng, Sở GTVT các địa phương sẽ rút giấy phép hoạt động của đơn vị đó.

Thanh Toàn

 

Tin xem nhiều