Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử lý nghiêm tình trạng “bảo kê” tội phạm

09:07, 30/07/2013

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến sơ kết về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm 6 tháng đầu năm 2013 vào ngày 29-7. Tham dự hội nghị, tại Đồng Nai có Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái và lãnh đạo một số ngành liên quan.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến sơ kết về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm 6 tháng đầu năm 2013 vào ngày 29-7. Tham dự hội nghị, tại Đồng Nai có Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái và lãnh đạo một số ngành liên quan.

* Tội phạm còn diễn biến phức tạp

Báo cáo tại hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết tình hình hoạt động của các loại tội phạm trong 6 tháng đầu năm 2013 còn diễn biến phức tạp, đặc biệt nổi lên là các băng nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu xã hội đen tập trung tại các trung tâm tỉnh, thành phố lớn và địa bàn giáp ranh, như: TP.Hà Nội, TP.Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai…

Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Trong các loại tội phạm, nổi lên là các vụ phạm pháp hình sự (trong 6 tháng đã phát hiện 28.428 vụ, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm 2012). Đặc biệt là tội phạm xâm phạm sở hữu tăng cao, như: cướp giật tài sản, cưỡng đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích…

Các loại tội phạm xâm phạm nhân thân cũng diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chưa được kiềm chế, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê, giết người do nguyên nhân xã hội chiếm 93,6% trong tổng số án giết người, số vụ án giết người nhằm mục đích cướp tài sản chiếm 6,4%... Đáng chú ý, tại một số địa phương (như: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…) đã xuất hiện những vụ án giết người dã man, tàn bạo, như: chặt xác, đốt xác…

Ngoài ra, các loại tội phạm về kinh tế đã xảy ra trong một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm gây thiệt hại lớn về tài sản (trong đó, có nhiều vụ liên quan đến những người có chức vụ, tham ô, môi giới, nhận hối lộ, cố ý làm trái). Lĩnh vực tài chính, ngân hàng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ bị tội phạm lợi dụng gây tác động, ảnh hưởng xấu đến việc phát triển kinh tế - xã hội. Tội phạm ma túy, công nghệ cao cũng diễn biến phức tạp…

Lãnh đạo Bộ Công an cũng xác định, một số nơi hoạt động của các băng nhóm tội phạm có dấu hiệu “bảo kê” của cán bộ chính quyền cơ sở.

* Xử lý trường hợp “bảo kê” tội phạm

Liên quan đến việc “bảo kê” hoạt động tội phạm của cán bộ chính quyền cơ sở một số nơi, Phó chủ tịch UBMTTQ Hà Thị Liên cho là rất nguy hiểm. Để giải quyết tình trạng này, ngành công an phải kiên quyết điều tra làm rõ và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ chính quyền, công an bao che cho các băng nhóm tội phạm hoạt động. “Ngành công an làm tốt việc này mới đem lại lòng tin cho dân. Còn nếu trường hợp cán bộ không vi phạm thì cũng kịp thời lấy lại uy tín cho họ” - bà Liên nhấn mạnh.

Cũng theo bà Liên, việc làm tốt công tác đấu tranh, xử lý các loại tội phạm, đặc biệt là việc xử lý các trường hợp công an, cán bộ chính quyền cơ sở bao che tội phạm không chỉ củng cố lòng tin trong dân, mà còn phát huy tinh thần tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc trong nhân dân.

 6 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1.004 vụ vi phạm pháp luật, giảm 19 vụ so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, phạm pháp hình sự xảy ra 852 vụ (giảm 96 vụ), làm chết 37 người, bị thương 166 người, tài sản bị thiệt hại khoảng 13 tỷ đồng. Bên cạnh số vụ phạm pháp có chiều hướng giảm, một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng lại gia tăng, chủ yếu là tội phạm giết người (57%), cướp tài sản (tăng 4,1%), xâm phạm tình dục trẻ em (tăng 12,5%).

Đồng tình với quan điểm này, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành công an cần đặc biệt xử lý nghiêm các trường hợp “bảo kê” cho tội phạm hoạt động. Ông nhấn mạnh, địa phương nào để tội phạm lộng hành thì cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Để góp phần giải quyết tình hình tội phạm hoạt động, lãnh đạo các địa phương phải phối hợp các ngành chức năng thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc phòng, chống tội phạm.

Trước những diễn biến về tình hình tội phạm trong thời gian vừa qua, Phó thủ tướng đã chỉ đạo ngành công an phải tiếp tục mở các đợt cao điểm trấn áp tội phạm, nhất là các băng nhóm tội phạm hoạt động tội phạm có tổ chức, xã hội đen...; đồng thời, phối hợp với viện kiểm sát, tòa án nâng cao công tác đấu tranh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, đặc biệt là các vụ trọng án. Các ngành chức năng, các địa phương cũng phải làm tốt công tác quản lý các loại hình kinh doanh có điều kiện; tăng cường công tác quản lý các trò chơi (game) bạo lực; xây dựng, củng cố lực lượng phòng chống tội phạm ở cơ sở; quản lý tiền chất ma túy…

Trần Danh

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều