“Các anh đừng ngại, có thắc mắc gì cứ hỏi, tôi sẽ trả lời hết. Đã từ lâu, tôi mong có cơ hội để chia sẻ, động viên với những người đang tìm cách thoát khỏi vũng lầy ma túy” - ông Cao Văn Tuấn (ngụ thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc) chủ động đề nghị, vì sợ chúng tôi còn e dè khi đề cập về quá khứ của ông.
“Các anh đừng ngại, có thắc mắc gì cứ hỏi, tôi sẽ trả lời hết. Đã từ lâu, tôi mong có cơ hội để chia sẻ, động viên với những người đang tìm cách thoát khỏi vũng lầy ma túy” - ông Cao Văn Tuấn (ngụ thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc) chủ động đề nghị, vì sợ chúng tôi còn e dè khi đề cập về quá khứ của ông.
* 14 lần cai nghiện thất bại
Ông Tuấn kể, năm 1973, khi còn đi lính chế độ cũ, ông đã vướng vào ma túy. Ngày đó, ông chỉ nghĩ hút vài hơi cho đỡ buồn, nào ngờ cái cảm giác thèm thuồng ấy cứ bám riết lấy ông, đến khi muốn dứt bỏ nó thì ông đã nghiện nặng. Từ đó trở đi, có bao nhiêu tiền, ông đều đốt hết vào ma túy. Tiền lương không đủ, ông phải trộm quân trang, quân dụng của đơn vị mang bán lấy tiền để thỏa mãn cơn nghiện.
Ông Cao Văn Tuấn bên mái ấm gia đình thứ 2 của mình. |
Sau năm 1975, ông trở về quê. Hàng ngày, công việc buôn bán than củi của vợ chồng ông chỉ đủ trang trải tiền gạo, muối nuôi 5 đứa con nhỏ. Nhiều hôm buôn bán ế ẩm, nhà không còn gạo ăn, nhưng ông vẫn cố tìm mọi cách “xoay xở”, kể cả lấy đồ đạc trong nhà mang đi bán để lấy tiền mua ma túy. Trong những cơn phê ma túy, ông thấy mấy đứa con đang la khóc vì đói cơm. Khi tỉnh thuốc, ông cảm thấy tủi hổ, vì mình là một người chồng, người cha ích kỷ, bản thân đã không chu toàn trách nhiệm với gia đình, mà lại còn là gánh nặng. Và ông đã quyết tâm từ bỏ ma túy.
Sau nhiều lần tự cai nghiện ở nhà không thành, ông Tuấn bàn với vợ để mình vào trung tâm, nơi có điều kiện cai nghiện tốt hơn. Sau lần thứ 9 quyết tâm cai nghiện, ông trở về nhà như một con người hoàn toàn mới; những thói quen la cà chè chén trước kia ông đều bỏ hết. Hàng ngày, ngoài thời gian buôn bán kiếm tiền, thời gian còn lại ông dành hết cho vợ con.
Thấy gia đình ông Tuấn đã tìm được hơi ấm hạnh phúc, bà con lối xóm mừng cho ông. Nào ngờ, đám bạn nghiện biết tin ông Tuấn cai nghiện trở về đã không chịu buông tha. Ngày nào bọn chúng cũng vật vờ trước ngõ, tìm mọi cách tiếp cận, rủ rê ông hút chích. Ban đầu, ông kiên quyết chối từ, nhưng dần dà quyết tâm của ông lại bị đập tan...
Từ đó về sau, ông tiếp tục đi cai nghiện thêm 5 lần, nhưng đều thất bại. Nhiều hôm giận bản thân quá nhu nhược, ông tự cầm dao rạch tay mình thề thốt. Nhưng mỗi khi cơn nghiện ập đến thì… đâu lại vào đấy.
* Làm lại cuộc đời
Lún sâu vào ma túy, mỗi ngày ông Tuấn phải sử dụng đến 5-6 cữ mới thỏa mãn cơn nghiện. Đến khi không còn khả năng xoay ra tiền, ông tính đến chuyện mua bán ma túy. Để đánh lừa sự chú ý của cơ quan chức năng, hàng ngày ông vẫn đi buôn than củi, nhưng lén lút mua ma túy mang về phân lẻ sử dụng và bán lại cho các bạn nghiện kiếm lời.
Năm 1998, chuyện “làm ăn” bại lộ, ông Tuấn bị kết án 12 năm tù. Ngày ấy, vợ của ông vì quá chán cảnh ông chồng nghiện ngập, lại bị tù tội nên đã rẽ bước sang ngang, đẩy 5 đứa con của ông vào cảnh bơ vơ.
“Rất may, tôi đã kịp dừng lại trước khi quá muộn. Hơn thế nữa, các con tôi đều không vướng vào ma túy như cha nó. Chứ gia đình mấy người bạn “bàn đèn” của tôi trước kia đều rơi vào cảnh tán gia bại sản, con cái nghiện ngập và bản thân họ cũng đã chết vì ma túy và bệnh AIDS” - ông Tuấn tâm sự. |
Bản thân ông Tuấn, ngày mới vào trại giam không còn ma túy sử dụng nên phải đối mặt với những cơn vật vã kéo dài. Lúc tỉnh dậy, lương tâm ông lại bị dằn vặt bởi những gì mình đã gây ra cho gia đình và con cái. Ông hận mình đã đạp đổ đi mái ấm gia đình, đẩy 5 đứa con thơ vào cảnh côi cút. Những lúc đó, ông chỉ muốn tìm đến cái chết để giải thoát, tạ lỗi với vợ con... Tuy nhiên, được sự động viên của cán bộ trại giam, ông có thêm nghị lực để vượt qua suy nghĩ cùng quẫn. Trong suốt thời gian cải tạo, ông luôn tích cực lao động, học tập, rèn luyện ý chí bản thân để tìm lại giá trị đích thực của cuộc sống.
Tháng 4-2008, ông Tuấn ra tù khi tuổi đã xế chiều, cửa nhà tang hoang, vợ con giận hờn không còn nhìn nhận. Trong lúc tuyệt vọng, tưởng như không còn niềm tin hoàn lương, thì bà Điệp xuất hiện. Vẫn biết ông có một quá khứ lỗi lầm, nhưng bà tin tưởng ông sẽ trở thành người tốt.
Năm 2009, họ đến với nhau bằng tình nghĩa tuổi già. Vì đã một lần đánh mất hạnh phúc nên bây giờ ông Tuấn rất trân trọng và ra sức vun đắp cho tổ ấm của gia đình. Hàng ngày, ông thức dậy lúc 4 giờ sáng để lấy thịt heo từ lò mổ mang ra chợ cho vợ bán. Thời gian rảnh rỗi, ông chăm lo việc nhà, cuộc sống không dư dả nhưng rất hạnh phúc.
Bà Điệp tâm sự: “Thời gian mới về chung sống, vì sợ anh tái nghiện nên tôi thường động viên, đồng thời hay rào trước đón sau, nhưng anh bảo sẽ không bao giờ tái nghiện. Bởi vì, ma túy đã cướp đi của anh quá nhiều thứ trong cuộc đời: tuổi xuân, sức khỏe và cả một gia đình hạnh phúc”.
Hải Đình