Báo Đồng Nai điện tử
En

Thí điểm cai nghiện ma túy tại cộng đồng

11:07, 15/07/2013

Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội (gọi tắt BCĐ phòng chống AIDS, TP và TNXH) tỉnh đã xây dựng kế hoạch thí điểm mô hình cai nghiện ma túy tại cộng đồng ở TP.Biên Hòa. Mô hình thí điểm này thành công sẽ là cơ sở để tiếp tục nhân rộng ra các địa phương khác.

Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội (gọi tắt BCĐ phòng chống AIDS, TP và TNXH) tỉnh đã xây dựng kế hoạch thí điểm mô hình cai nghiện ma túy tại cộng đồng ở TP.Biên Hòa. Mô hình thí điểm này thành công sẽ là cơ sở để tiếp tục nhân rộng ra các địa phương khác.

* Không có sự phân biệt

Ông Nguyễn Như Hải, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - thương binh và xã hội), cho biết Nhà nước đã xác định, nghiện ma túy là bệnh của não bộ, người nghiện ma túy không phải là đối tượng tội phạm. Vì vậy, người nghiện ma túy phải được điều trị kịp thời và được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như người bình thường. Người nghiện cũng cần được đối xử như các công dân bình thường, không có sự phân biệt, kỳ thị.

Trạm y tế phường Tam Hiệp, nơi sẽ tổ chức thí điểm cai nghiện ma túy tại cộng đồng.
Trạm y tế phường Tam Hiệp, nơi sẽ tổ chức thí điểm cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

Về công tác tổ chức cai nghiện, ông Hải cũng cho biết, quan điểm của Chính phủ là giảm dần việc tổ chức cai nghiện tại các trung tâm bắt buộc và mở rộng việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, nhằm tạo mối quan hệ thân thiện giữa người nghiện và xã hội. Để thực hiện chủ trương này, các địa phương phải tính toán thực hiện dựa trên nhu cầu và hoàn cảnh của địa phương mình. Qua khảo sát bước đầu, BCĐ phòng, chống AIDS, TP và TNXH của tỉnh đã quyết định chọn phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa) làm thí điểm mô hình này trong thời gian tới.

Phó chủ tịch UBND phường Tam Hiệp Võ Thị Mỹ Hồng cho biết, lãnh đạo phường đã chỉ đạo công an phường lập danh sách người nghiện, trạm y tế chuẩn bị cơ sở vật chất, các tổ chức đoàn thể tiến hành tuyên truyền, vận động người dân để họ nắm được chủ trương. Theo bà Hồng, bước đầu địa phương đã chủ động các phương án để cùng BCĐ phòng, chống AIDS, TP và TNXH của tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

* Cần sự chung tay của cộng đồng

Ngoài việc chủ động triển khai mô hình của BCĐ phòng, chống AIDS, TP và TNXH của tỉnh từ tỉnh đến xã (phường, thị trấn), để công tác cai nghiện tại cộng đồng đạt hiệu quả, không thể thiếu sự chung tay của các ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội.

Ông Nguyễn Như Hải cho biết, việc tổ chức cắt cơn cho người nghiện trong những ngày đầu là việc không quá khó. Khó khăn nhất là sau khi chữa trị cắt cơn, phải quản lý đối tượng, không để cho họ tiếp xúc với các mối quan hệ dễ phát sinh cơn thèm ma túy. Để làm được việc này, vai trò của gia đình đối tượng rất quan trọng. Bên cạnh đó, các tổ chức, đoàn thể cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý, theo dõi đối tượng sau cai.

Theo kế hoạch, việc thực hiện mô hình thí điểm mô hình cai nghiện tại cộng đồng được triển khai từ ngày 15-6 đến 31-12. Các đối tượng nghiện lần đầu, thuộc diện con em gia đình chính sách, hộ nghèo, gia đình được trợ cấp xã hội, chưa đủ tuổi thành niên, khuyết tật…, nếu tự nguyện tham gia cai nghiện tại cộng đồng sẽ được hỗ trợ tiền thuốc điều trị cắt cơn, tiền ăn 40 ngàn đồng/người/ngày (nhưng không quá 15 ngày). Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng sẽ có khoản hỗ trợ thêm cho các đối tượng cai nghiện tại cộng đồng.

Việc phân biệt đối xử của gia đình, xã hội đối với người nghiện sau cai cũng là một nguy cơ lớn khiến họ tái nghiện. Vì vậy, khi người cai nghiện bắt đầu hòa nhập cộng đồng, phải có ngay phương án tiếp theo là tạo công ăn việc làm, giải quyết nhu cầu học tập cho họ. Có như vậy, nguy cơ tái nghiện mới thực sự giảm.

Để thực hiện mục tiêu đó, ngoài việc vận động người dân, chính quyền địa phương chú trọng công tác vận động các chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hỗ trợ kinh phí, nên mở rộng vòng tay đón nhận những người cai nghiện thành công vào làm việc. Việc làm đó không những giải quyết gánh nặng cho xã hội, mà còn góp phần xóa đi mặc cảm cho những đối tượng đã từng lẫm lỗi hoàn lương.

Đợt cai nghiện tại cộng đồng sắp tới sẽ khắc phục những tồn tại mà các mô hình cai nghiện đã thực hiện nhưng chưa thành công trước đây. Theo ông Hải, các mô hình trước đây thực chất đều có hiệu quả, nhưng do chính sách hỗ trợ cho người nghiện và những người làm công tác cai nghiện còn hạn chế, nên không thể nhân rộng mô hình. Nhân sự cho công tác cai nghiện cũng bị thay đổi nhiều, nên không thể thực hiện mô hình liên tục.

Trần Danh

 

 

 

 

Tin xem nhiều