Thời gian qua, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, số người chết và bị thương do tai nạn tăng cao.
Thời gian qua, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, số người chết và bị thương do tai nạn tăng cao.
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, nguyên nhân xảy ra tai nạn đường sắt chủ yếu do người bộ hành đi lại, nằm, ngồi trên đường không an toàn (chiếm 57,1%), người điều khiển phương tiện qua đường sắt không quan sát biển báo, tín hiệu đèn giao thông (28,5%) và nhân viên đường sắt thiếu trách nhiệm (14,2%).
Một đoạn đường dân sinh tự phát tại khu gian Hố Nai (TP.Biên Hòa) vẫn được mở, dù trước đây đã xảy ra tai nạn đường sắt. |
Hầu hết các vụ tai nạn đường sắt đều xảy ra tại các “điểm đen” giao cắt đường bộ với đường sắt, nhưng nhức nhối nhất là ở những đường ngang dân sinh tự phát. Tai nạn đường sắt không chỉ gây thiệt hại lớn về người và tài sản, mà còn làm chậm thời gian chạy tàu gần 1 ngàn phút (trong 6 tháng đầu năm 2013), ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàn hành khách đi tàu.
* Tai nạn tăng cao
Lúc 7 giờ 30 ngày 22-6, tại km 1660 + 750 khu gian Long Thành - Dầu Giây (thuộc xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất), tàu hàng ký hiệu 283T1, do ông Hồ Ngọc Hải (50 tuổi, ngụ TP.Hồ Chí Minh) điều khiển chạy hướng Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh đã va chạm với chị Hoàng Minh Nguyệt (47 tuổi, quê tỉnh Bình Phước) đi bộ từ phải qua trái, làm chị Nguyệt chết tại chỗ.
6 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 8 người (tăng 3 người), bị thương 1 người. Trong đó, địa bàn TP.Biên Hòa có 4 vụ, chết 4 người; huyện Trảng Bom 2 vụ, chết 3 người; huyện Xuân Lộc 1 vụ, 2 người chết và bị thương. |
Trước đó, ngày 5-1, tại km 1630+250 đường sắt Bắc - Nam (đoạn thuộc xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc), tàu chở hàng do ông Đỗ Ngọc Chư điều khiển chạy hướng Nam - Bắc đã đụng ô tô tải do ông Nguyễn Đức Hợp điều khiển chạy ngang qua đường sắt. Hậu quả vụ tai nạn làm anh Nguyễn Văn Quý (đi cùng xe với ông Hợp) tử vong, ông Hợp bị thương, đầu máy tàu hỏa hư hỏng nhẹ còn nhà gác chắn, xe ô tô hư hỏng toàn bộ. Nguyên nhân tai nạn được xác định do nhân viên gác chắn không kéo rào chắn.
Gần đây nhất, chiều 8-7, tại km 1684 + 850 đường sắt Bắc - Nam (đoạn thuộc xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom), đã xảy ra vụ tai nạn liên hoàn giữa tàu hỏa với 3 xe ô tô, 1 xe máy, khiến 2 người bị thương. Vào thời điểm trên, tàu hỏa số hiệu TN02-959 đang lưu thông hướng TP.Hồ Chí Minh - Hà Nội, khi đến khu vực đường dân sinh giao cắt với đường sắt tại km 1684 + 850 đã đâm vào xe tải mang biển số 60N-0727 lưu thông băng qua đường sắt. Cú đâm mạnh khiến xe tải văng khỏi đường sắt và va vào 2 xe ô tô 7 chỗ ngồi. Chưa dừng lại, chiếc xe tải tiếp tục va vào xe máy do chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết điều khiển. Vụ tai nạn khiến chị Tuyết và anh Phạm Văn Anh (ngồi trên xe tải) bị thương.
* Nguy hiểm chực chờ
Tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh có chiều dài 87,5km, đi qua 8 ga: Biên Hòa, Hố Nai, Trảng Bom, Dầu Giây, Long Khánh, Bảo Chánh, Gia Ray và Trảng Táo. Theo Công ty TNHH một thành viên quản lý đường sắt Sài Gòn (gọi tắt Công ty đường sắt Sài Gòn), trên địa bàn tỉnh, tổng số đường ngang hiện có người gác là 32 đường, đường ngang cảnh báo tự động 15 đường, đường ngang có biển báo 10 đường và đường dân sinh tự phát 90 đường. Trong tổng số đường ngang dân sinh mở trái phép đang tồn tại trên địa bàn tỉnh, Xuân Lộc là địa phương có tình trạng vi phạm nhiều nhất với 40 đường, tiếp theo là huyện Trảng Bom với 22 đường.
Đi thực tế hiện trường xảy ra một số vụ tai nạn vừa qua, chúng tôi thấy con số đường ngang dân sinh tự phát còn lớn hơn gấp nhiều lần. Do không có đường giao thông vào khu dân cư, nhiều hộ dân đã tự làm đường ngang qua đường sắt để đi lại hàng ngày.
Hiện trường vụ tai nạn đường sắt ngày 8-7. Ảnh: T. Danh |
Bà Nguyễn Thị Nhạn (ngụ KP.3, phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa), sống gần khu vực có nhiều đường dân sinh giao với đường sắt, cho hay: “Chúng tôi sống trong khu đông dân cư, ai cũng muốn đi tắt cho nhanh nên tự mở nhiều đường nhỏ giao với đường ray. Con đường ngang tự phát nên chẳng có đèn báo gì hết. Biết như vậy là nguy hiểm, nhưng người này đi được thì người khác đi được, lâu dần thành thói quen”.
Hiện nay, việc tháo dỡ các đường ngang dân sinh tự phát đã được ngành đường sắt thực hiện, nhưng chỉ là giải pháp tạm thời, vì vài ngày sau người dân lại tái phạm. Đây chính là hiểm họa luôn rình rập các tổ lái tàu Bắc - Nam mỗi khi qua đây.
Theo ông Nguyễn Minh Kông, Phó phòng Kỹ thuật Công ty đường sắt Sài Gòn, nguyên nhân xảy ra tai nạn trước tiên là do ý thức của người tham gia giao thông đường bộ, người dân sinh sống ở gần đường sắt, hệ thống giao thông đã xuống cấp, thậm chí có một số nhân viên gác chắn thiếu trách nhiệm, chủ quan.
“Dù được giao quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, nhưng khi phát hiện người dân mở đường ngang trái phép, hoặc cố tình xây dựng công trình kết cấu hạ tầng vi phạm hành lang an toàn đường sắt…, chúng tôi lại không thể xử phạt, vì không có thẩm quyền. Chúng tôi chỉ có thể tăng cường tuần tra kiểm soát tại các trạm gác, chốt chặn…” - ông Kông nói.
Để ngăn ngừa vi phạm, kéo giảm TNGT đặc biệt là tai nạn đường sắt, Trung tá Đặng Thế Trung, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh cho biết: “Ngoài việc tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật giao thông, các địa phương có tuyến đường sắt đi qua phải khẩn trương khảo sát địa điểm làm đường gom khu dân cư đấu nối vào đường ngang tập trung đã được ngành đường sắt xây dựng; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình xây dựng công trình kết cấu hạ tầng vi phạm hành lang an toàn đường sắt”.
Thanh Hải