Báo Đồng Nai điện tử
En

Mùa mưa vẫn cảnh giác nguy cơ cháy, nổ

09:06, 12/06/2013

Theo Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC), tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Mặc dù thời tiết ở Đồng Nai đã bước vào mùa mưa, nhưng các nguy cơ về cháy, nổ vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ khó lường.

Theo Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC), tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Mặc dù thời tiết ở Đồng Nai đã bước vào mùa mưa, nhưng các nguy cơ về cháy, nổ vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ khó lường.

* Tích cực kiểm tra an toàn cháy, nổ

Theo báo cáo của Sở Cảnh sát PCCC, trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh xảy ra 39 vụ cháy, gây thiệt hại về tài sản ước tính 29,7 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2012, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế và kéo giảm 9 vụ.

Việc chế biến gỗ để mùn cưa, dăm bào bao phủ mô-tơ điện khi sản xuất rất dễ phát sinh hỏa hoạn.
Việc chế biến gỗ để mùn cưa, dăm bào bao phủ mô-tơ điện khi sản xuất rất dễ phát sinh hỏa hoạn.

Để có được kết quả tích cực đó, từ đầu năm 2013, Sở Cảnh sát PCCC đã xây dựng kế hoạch, tập trung lực lượng kiểm tra việc thực hiện các quy định an toàn PCCC tại các cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao, như: chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các làng nghề, các khu công nghiệp, nhà cao tầng, chung cư, khu dân cư tập trung... Kết quả, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tiến hành kiểm tra trên 1.425 lượt cơ sở, gồm: 358 cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng; 102 chợ và trung tâm thương mại, 51 làng nghề, 126 cơ sở sản xuất chế biến gỗ, 23 cơ sở là nơi sinh hoạt văn hóa, lễ hội, tập trung đông người và 765 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.

Qua kiểm tra, Sở Cảnh sát PCCC đã lập biên bản vi phạm hành chính 190 trường hợp, xử phạt 167 trường hợp, đồng thời hướng dẫn các cơ sở kịp thời khắc phục những thiếu sót, bổ sung các phương án PCCC đúng quy định, từ đó giúp các đơn vị chủ động hơn trong việc xây dựng các phương án PCCC, khắc phục những thiếu sót trong công tác đảm bảo an toàn về PCCC.

Đặc biệt, từ đầu tháng 3-2013 đến nay, trước diễn biến nắng nóng bất thường của thời tiết, Sở Cảnh sát PCCC đã tiếp tục lập các đoàn kiểm tra tập trung thực hiện kiểm tra an toàn PCCC ở 24 đơn vị trong và ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tích cực kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị đảm bảo tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc an toàn về PCCC.

* Nhận diện các mối nguy cơ cháy, nổ

Bước vào mùa mưa, ý thức chủ quan của nhiều người thường cho rằng mùa mưa không xảy ra cháy. Tuy nhiên, qua các đợt kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng nhận thấy những mối nguy cơ về cháy, nổ vào mùa mưa còn nhiều tiềm ẩn trong sản xuất và sinh hoạt xã hội.

Điều đó có thể thấy tại các doanh nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất..., do phải chạy đua với nhu cầu sản xuất đã tăng cường các loại vật tư, nguyên liệu, nên không tuân thủ việc sắp xếp hàng hóa đúng khoảng cách an toàn. Có nơi kê, đặt hàng hóa tràn ra cả lối đi, lối thoát hiểm, hoặc gần nơi phát sinh nguồn nhiệt, các đường dây dẫn điện… Ở các chợ, nhất là các chợ cũ, tình trạng tiểu thương vẫn thường xuyên đốt hương và vàng mã trong thờ cúng, hoặc giăng mắc điện lung tung để thắp sáng…, rất dễ gây ra các vụ hỏa hoạn. Tại các khu dân cư, việc tùy tiện dùng lửa trong sinh hoạt, nấu ăn, giăng mắc điện không tuân thủ các quy định an toàn dẫn đến chập điện cũng là những nguyên nhân dễ gây hỏa hoạn. Ngoài ra, còn có những mối nguy cơ hết sức nguy hiểm khác dẫn đến cháy nổ, như: hoạt động sang chiết gas lậu, kinh doanh xăng dầu tự phát tại các khu dân cư, hộ gia đình…

 Trước thực tế nêu trên, để phòng ngừa và hạn chế những vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, các đơn vị, doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định an toàn PCCC; phải tự kiểm tra các phương án chữa cháy, bổ sung các phương tiện chữa cháy tại chỗ; thường xuyên tổ chức lực lượng ứng trực trong những ngày nghỉ, kể cả ứng trực ban đêm theo quy định.

Ở các chợ, trung tâm thương mại, phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện những mối nguy cơ phát sinh cháy, đặc biệt là hệ thống điện phải đảm bảo an toàn; không được sắp xếp hàng hóa gần nguồn điện, nơi phát sinh nguồn nhiệt và các cửa ra vào lối thoát hiểm, không sử dụng lửa để nấu ăn, hoặc thắp hương, đốt vàng mã trong các chợ. Riêng với các hộ gia đình, cần thận trọng trong việc dùng lửa, củi trong đun nấu, thờ cúng, kịp thời thay đổi những đường dây dẫn điện đã quá cũ…

Tuân thủ tốt những vấn đề nêu trên sẽ góp phần phòng ngừa và hạn chế được những nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn trong mùa mưa.

Đức Việt

 

 

 

 

Tin xem nhiều