Hàng năm, lực lượng công an đều phát hiện người dân ở một số địa phương trong tỉnh lén lút trồng cây cần sa trong vườn rẫy. Để đấu tranh, phòng ngừa tình trạng này, kinh nghiệm ở xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc), một địa bàn không còn tình trạng trồng cây cần sa từ nhiều năm nay, cần được phổ biến để nơi khác học tập.
Hàng năm, lực lượng công an đều phát hiện người dân ở một số địa phương trong tỉnh lén lút trồng cây cần sa trong vườn rẫy. Để đấu tranh, phòng ngừa tình trạng này, kinh nghiệm ở xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc), một địa bàn không còn tình trạng trồng cây cần sa từ nhiều năm nay, cần được phổ biến để nơi khác học tập.
Ông Lê Hữu Dũng nắm thông tin ở địa bàn vùng sâu. |
Ông Lê Hữu Dũng, Phó trưởng Công an xã Xuân Hòa, cho biết địa bàn xã có 4 ấp, nhưng có nơi cách xa trung tâm xã đến 20km. Có vùng đất do các lâm trường quản lý (có dân ở), phải đi đường vòng qua tỉnh Bình Thuận, đi và về gần 70km. Tại những vùng rẫy vườn nằm ở vùng sâu, vùng xa, giáp ranh với tỉnh Bình Thuận, người dân dễ bị kẻ gian dụ dỗ trồng cây cần sa trong rẫy vườn để thu lợi bất chính.
Gần 10 năm trước, Công an xã Xuân Hòa đã từng vào vùng giáp ranh ở lưng chừng núi Mây Tàu để triệt phá vụ trồng hàng ngàn cây cần sa trong rẫy. Từ kinh nghiệm ấy, công an xã đã gầy dựng cơ sở ở vùng sâu, vùng xa. Nếu có thông tin về việc người dân trồng cây cần sa, cơ sở sẽ nhanh chóng báo tin và lực lượng công an lập tức vào tận nơi kiểm tra, xử lý.
Theo ông Dũng, 7 năm trở lại đây, Xuân Hòa không còn tình trạng nông dân lén lút trồng cây cần sa. Thế nhưng, hàng năm công an xã đều thực hiện kế hoạch tuần tra, truy quét cây cần sa trên địa bàn. Để nông dân hiểu biết về loài cây độc hại này, trong các buổi tuần tra, hoặc tuyên truyền phòng, chống tội phạm, công an xã đều trưng hình ảnh và mô tả cặn kẽ về cây cần sa để người dân nhận dạng và biết rõ tác hại của nó. Những lần triệt phá cây cần sa trước đây, công an xã đều mời các nông dân ở khu vực đến nhìn rõ hình dạng cây cần sa và tuyên truyền về mức xử phạt khi trồng cây này để nông dân phòng tránh.
Ngày 11-5, khi kiểm tra vườn nhà ông Bùi Đức Phú (45 tuổi, ngụ ấp 4, xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa), Công an TP.Biên Hòa đã phát hiện và tiến hành nhổ tiêu hủy 213 cây cần sa có chiều cao từ 1-1,5m. Trước đó, ngày 14-4, Công an xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) đã bắt quả tang tại rẫy của ông Nguyễn Minh Điệp (ở tổ 9, ấp 3, xã Sông Trầu) trồng 3 ngàn m2 cây cần sa. |
Với việc tuyên truyền cụ thể, sinh động như thế, nhiều người dân khi biết rõ tác hại của cây cần sa đối với cộng đồng đã tích cực hỗ trợ công an xã trong việc đấu tranh bài trừ cây cần sa trên địa bàn xã.
Ông Nguyễn Thành Ban (79 tuổi), một nông dân ở vùng xa nhất xã Xuân Hòa, cho biết ông tự nguyện tham gia tổ tự quản Láng Cát, làm cơ sở để thông tin cho công an về tình hình an ninh trật tự địa bàn. Là người làm rẫy nên ông Ban thông thuộc nơi mình trồng trọt, cũng như các vườn rẫy xung quanh. Nếu phát hiện trường hợp nông dân trồng cần sa, ông lập tức báo tin cho công an xã xử lý. Tương tự, nông dân Sủ Sí Sáng (60 tuổi) cho biết: “Được công an xã tuyên truyền nên tôi hiểu rõ tác hại của cây cần sa. Vì vậy, khi phát hiện người dân trồng cây cần sa trong vườn rẫy, tôi sẽ thông tin ngay cho công an đến xử lý”.
Nhờ những biện pháp quyết liệt của công an xã và sự hỗ trợ của người dân, cây cần sa hiện đã sạch bóng trên địa bàn xã Xuân Hòa.
Thanh Toàn