Báo Đồng Nai điện tử
En

Đi bộ còn chưa an toàn

09:05, 13/05/2013

Tuần lễ đi bộ an toàn giao thông (ATGT) toàn cầu được Ủy ban ATGT quốc gia phát động trên toàn quốc từ ngày 6 đến 12-5. Sau tuần lễ cao điểm, việc bảo đảm ATGT cho người đi bộ được tiếp tục thực hiện đến hết năm 2013.

Tuần lễ đi bộ an toàn giao thông (ATGT) toàn cầu được Ủy ban ATGT quốc gia phát động trên toàn quốc từ ngày 6 đến 12-5. Sau tuần lễ cao điểm, việc bảo đảm ATGT cho người đi bộ được tiếp tục thực hiện đến hết năm 2013.

Người đi bộ đi dưới lòng đường (ảnh chụp trên đường Hà Huy Giáp, phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa).
Người đi bộ đi dưới lòng đường (ảnh chụp trên đường Hà Huy Giáp, phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa).

Những hình ảnh phóng viên Báo Đồng Nai ghi nhận trong Tuần lễ đi bộ ATGT quốc gia cho thấy, vẫn còn nhiều người chưa quan tâm để bảo đảm an toàn cho mình và cho mọi người. Một chuyên viên của Ban ATGT tỉnh cho biết, do thời gian tổ chức tuần lễ đi bộ an toàn quá gấp, nên chưa thực hiện được các băng-rôn, áp-phích… cổ động để tuyên truyền rộng khắp ở các nơi công cộng. Sau tuần lễ này, việc tuyên truyền sẽ được tăng cường hơn nữa, các băng-rôn, khẩu hiệu sẽ được treo ở nơi dễ thấy để mọi người hưởng ứng.

Người đi bộ ngang qua quốc lộ 1 (khu vực trước giáo xứ Hà Nội, phường Tân Biên, TP.Biên Hòa). Nơi này không có vạch dành cho người đi bộ qua đường.
Người đi bộ ngang qua quốc lộ 1 (khu vực trước giáo xứ Hà Nội, phường Tân Biên, TP.Biên Hòa). Nơi này không có vạch dành cho người đi bộ qua đường.

Ghi nhận của phóng viên trong hai ngày 11 và 12-5 cho thấy, còn nhiều người đi bộ chưa chấp hành các quy định ATGT. Ở các nơi đã được tạo điều kiện, như: cầu vượt, vạch sơn dành cho bộ hành..., vẫn ít thấy người đi bộ sử dụng. Như ở cầu vượt trên đường Nguyễn Ái Quốc (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa), lực lượng tuần tra kiểm soát hàng ngày ở đây cho biết, rất ít người đi bộ sử dụng cầu vượt, hầu hết người đi bộ đều băng ngang đường. Còn ở cầu vượt phía trước Công ty Pouchen (xã Hóa An, TP.Biên Hòa), còn nhiều tốp công nhân leo qua dải phân cách (dù đã được rào chống leo) để sang đường.

Người đi bộ ở đường Tân Cang, xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) qua đường không an toàn, vì đường hẹp, lưu lượng xe tải cao, lề đường không có, hoặc rất hẹp.
Người đi bộ ở đường Tân Cang, xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) qua đường không an toàn, vì đường hẹp, lưu lượng xe tải cao, lề đường không có, hoặc rất hẹp.

Bên cạnh đó, hiện nhiều nơi chưa bảo đảm điều kiện an toàn cho người đi bộ, nhất là ở những con đường chưa được quy hoạch hoàn chỉnh, chưa có lề đường, hoặc lề đường bị chiếm dụng, khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Đặc biệt, ở đường Tân Cang (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) rất hẹp, lề đường chỉ là nắp mương che rãnh thoát nước, nhưng các loại xe ben, xe tải chen chúc nhau lưu thông, gây ra mất an toàn cho người đi bộ.

Có cầu vượt, nhưng nhiều người vẫn thích vượt rào (ảnh chụp khu vực trước Công ty Pouchen, xã Hóa An, TP.Biên Hòa).
Có cầu vượt, nhưng nhiều người vẫn thích vượt rào (ảnh chụp khu vực trước Công ty Pouchen, xã Hóa An, TP.Biên Hòa).

Theo thông tin từ Ủy ban ATGT quốc gia, tỷ lệ người đi bộ bị tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam khoảng 3,2%. Ở Đồng Nai, tỷ lệ người đi bộ bị TNGT cũng tương đương như vậy. Trong tuần đầu tháng 5-2013, có 2 vụ TNGT chết người do người đi bộ thiếu quan sát (đường bộ) và vi phạm hành lang an toàn đường sắt (trong tổng số 8 vụ, chết 9 người toàn tỉnh). Điều này cho thấy, nguy cơ mất ATGT đối với người đi bộ ở Đồng Nai còn khá cao. Người đi bộ phải tự nâng cao ý thức, ngành giao thông - vận tải phải bảo đảm công trình an toàn cho người đi bộ, là hai điều cốt lõi để người đi bộ được an toàn hơn.

Thanh Toàn

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều