Báo Đồng Nai điện tử
En

Bất an những chuyến đò ngang

10:05, 24/05/2013

Biên Hòa hiện tồn tại nhiều bến đò ngang tại phường Bửu Long và xã Hiệp Hòa. Những chuyến đò ngang này luôn tiềm ẩn các mối nguy hiểm, nhất là thời điểm mùa mưa bão đến. Trên hầu hết các chuyến đò ngang qua sông, ít thấy hành khách thực hiện quy định mặc áo phao. Chủ phương tiện cũng làm ngơ trước quy định này.

Biên Hòa hiện tồn tại nhiều bến đò ngang tại phường Bửu Long và xã Hiệp Hòa. Những chuyến đò ngang này luôn tiềm ẩn các mối nguy hiểm, nhất là thời điểm mùa mưa bão đến. Trên hầu hết các chuyến đò ngang qua sông, ít thấy hành khách thực hiện quy định mặc áo phao. Chủ phương tiện cũng làm ngơ trước quy định này.

* Chủ đò “chiều khách”

Bến đò Kho thuộc xã Hiệp Hòa, bên kia bến là địa phận phường An Bình. Ngày nào cũng vậy, từ 5-21 giờ, những chuyến đò ngang liên tục hoạt động để chở khách và phương tiện (xe máy, xe đạp) qua sông. Giờ cao điểm buổi sáng và chiều, bến đò này có 2 chiếc đò thay nhau chạy hết công suất, mỗi chiếc chở trên 10 khách và phương tiện, hàng hóa. Mỗi lần đò cập bến, tất cả hành khách chen nhau lên bờ, để hành khách và phương tiện khác đợi sẵn trên bờ kịp xuống đò. Thậm chí, nhiều lúc đò đã chật kín, nhưng khách vẫn cố năn nỉ xin được xuống đò qua sông để kịp giờ làm. Các hành khách đều không được chủ đò nhắc nhở mặc áo phao.

Hiếm gặp người qua đò ngang chấp hành quy định mặc áo phao.
Hiếm gặp người qua đò ngang chấp hành quy định mặc áo phao.

Trên một chuyến đò chiều vào lúc trời chập choạng tối (hướng từ phường An Bình sang), bến đò Kho chật kín người và phương tiện, có một hành khách lấy chiếc áo phao mặc vào người một cách bình thường theo đúng quy định. Tuy nhiên, hành động của vị khách này lại bị nhiều người đi cùng trên chuyến đò nhìn chằm chằm, có người còn rỉ tai, đá mắt nhau tỏ ý chê bai người khách này sợ chết, thậm chí là lập dị.

Tại bến đò An Hảo (thuộc xã Hiệp Hòa), vào buổi sáng, có gần 30 hành khách vội vã xuống phà để qua sông, nhưng không một ai tự giác mặc áo phao, nhân viên trên phà cũng không hề nhắc nhở khách, chỉ duy nhất một hành khách cầm chiếc áo phao trên tay, phà gần cập bến thì bỏ vào chỗ cũ như đề phòng tình huống bất trắc.

Anh Dương Ngọc Đông (ngụ ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa) cho hay, anh thường xuyên qua bến đò Kho để sang Khu công nghiệp Biên Hòa 1 làm việc, nhưng anh không có thói quen mặc áo phao. Anh Đông cho rằng, từ bên này qua bên kia sông chỉ mất gần 3 phút nên chẳng mặc áo phao làm gì cho mất thời gian, mặc vào có khi lại vướng víu, nóng bức. Anh còn cho rằng, cả chuyến đò không thấy người mặc áo phao, mình mặc thì cảm thấy hơi “khác người”.

Còn chị Dương Thị Yến (công nhân Công ty Taekwang Vina, Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cho hay, nguyên nhân chị không mặc áo phao là vì có lần qua đò cầm chiếc áo phao trên tay tính mặc, nhưng thấy chiếc áo sờn rách, bạc màu, ướt nhẹp, có mùi hôi nên không dám mặc.

* Quản lý lỏng lẻo

Bến đò Xóm Lá (KP3, phường Bửu Long) nối bên kia bờ là ngã ba Cây Keo, xã Tân Hạnh). Thay vì vận chuyển người và phương tiện bằng những con đò nhỏ như trước đây, hiện bến đò này đã được thay bằng phà. Trên mỗi chuyến phà, thường xuyên chở từ 10-15 khách, kèm theo từ 10-12 xe máy, nhưng chỉ được trang bị 7 áo phao. Những chiếc áo phao thay vì để ở những chỗ dễ thấy và dễ lấy, chủ phà lại xếp rất gọn ở cuối phà, phía sau người lái. Mỗi chuyến phà thường có 1 người điều khiển và 1 người thu tiền vé, kiêm luôn hướng dẫn khách sắp xếp xe sao cho sát vào nhau để chở được nhiều xe, trong khi khách lên phà có mặc áo phao hay không là chuyện của khách.

Hiện toàn tỉnh có 26 bến đò ngang. 6 tháng cuối năm 2012, Sở Giao thông - vận tải tiến hành thanh, kiểm tra và chỉ phát hiện, lập biên bản xử phạt 10 trường hợp hành khách không mặc áo phao, trong đó TP.Biên Hòa có 2 trường hợp.

Trưởng phòng Vận tải phương tiện, Sở Giao thông - vận tải Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, để đảm bảo an toàn giao thông vận tải trong mùa mưa bão năm nay, sẽ có một đợt thanh, kiểm tra được phối hợp giữa sở với Công an tỉnh để chấn chỉnh nghiêm hoạt động vận chuyển khách ngang sông. Những phương tiện nào không chấp hành tốt, không đảm bảo an toàn cho khách qua sông sẽ bị xử phạt nghiêm, thậm chí tịch thu giấy phép hoạt động.

Ngoài bến đò Xóm Lá, trên địa bàn phường Bửu Long còn có 2 bến đò ngang khác là bến đò chợ Bửu Long (đi qua cù lao Thạnh Hội, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) và bến đò Trạm (đi qua xã Tân Ba, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).

Bà Lê Thị Thu Tâm, Chủ tịch UBND phường Bửu Long, cho hay lãnh đạo phường biết chủ các phương tiện chở khách qua sông chấp hành chưa nghiêm quy định về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, đã có kiểm tra, lập biên bản nhắc nhở, nhưng chỉ được một thời gian thì đâu lại vào đó. Cũng phải thông cảm một phần là vì hành khách không chịu mặc áo phao, nên chủ đò cũng không ép họ mặc được.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở Giao thông - vận tải, Thông tư số 15/2012 của Bộ Giao thông - vận tải quy định về trang bị, sử dụng áo phao và dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên các phương tiện vận tải ngang sông có ghi rõ: Chủ phương tiện vận tải ngang sông phải đáp ứng đủ số lượng áo phao, vật nổi cứu sinh cho tất cả mọi người trên phương tiện (bao gồm khách và chủ phương tiện), đồng thời áo phao phải luôn khô ráo, sạch sẽ và để ở nơi dễ thấy và dễ lấy. Chủ phương tiện có quyền từ chối và cương quyết không vận chuyển đối với hành khách không mặc áo phao, không chấp hành quy định về an toàn giao thông đường thủy. Thông tư cũng ghi rõ, chủ phương tiện vận chuyển khách ngang sông phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật khi xảy ra mất an toàn.

Thành Nam

 

 

 

Tin xem nhiều