Báo Đồng Nai điện tử
En

Để người dân yên tâm lưu thông

10:04, 19/04/2013

“Lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường không chặn xe để xử lý xe không “chính chủ”. Nếu người lái xe vi phạm giao thông, Cảnh sát giao thông (CSGT) cũng tập trung xử lý vi phạm chính mà không truy vấn người vi phạm về việc xe có chính chủ hay không” - Trung tá Đặng Thế Trung, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67) Công an tỉnh, trả lời phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề xử phạt xe không “chính chủ”.

“Lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường không chặn xe để xử lý xe không “chính chủ”. Nếu người lái xe vi phạm giao thông, Cảnh sát giao thông (CSGT) cũng tập trung xử lý vi phạm chính mà không truy vấn người vi phạm về việc xe có chính chủ hay không” - Trung tá Đặng Thế Trung, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67) Công an tỉnh, trả lời phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề xử phạt xe không “chính chủ”.

Trước thông tin từ ngày 15-4, người điều khiển xe không “chính chủ” (chưa chuyển quyền sở hữu sau khi mua bán) sẽ bị CSGT xử phạt nặng, nhiều người dân đã tỏ ra lo lắng.

* Không chặn xử phạt xe “không chính chủ”

Ngày 1-3, Bộ Công an ban hành Thông tư 11/2003/TT-BCA (có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4) hướng dẫn thi hành Nghị định 34/2010/NĐ-CP và Nghị định 71/2012/NĐ-CP (NĐ71) quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Lực lượng CSGT tuần tra kiểm soát trên đường không chặn xe để xử lý xe không chính chủ.
Lực lượng CSGT tuần tra kiểm soát trên đường không chặn xe để xử lý xe không chính chủ.

Thông tư 11 không chỉ quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định (chính chủ), mà còn quy định xử phạt nhiều hành vi khác, như: quay đầu tại giao lộ với đường sắt, điều khiển xe không đủ bánh lốp, hoặc bánh lốp không đúng kích cỡ, tự ý thay đổi thành thùng xe (để chở quá tải)… Trong đó, dư luận chú ý đến việc bị xử phạt về hành vi điều khiển xe không chính chủ. Bởi so với các nghị định trước đây, NĐ71 quy định hành vi không chuyển quyền sở hữu bị phạt tiền khá cao, như: xe máy bị phạt đến 1,2 triệu đồng, ô tô bị phạt đến 10 triệu đồng.

Trong phần quy định về xử phạt xe chưa chuyển quyền sở hữu có ghi rõ: “Xe đang lưu thông trên đường, CSGT không được dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi không chuyển quyền sở hữu theo quy định”. Thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự, nếu phát hiện người mua (hoặc người bán) không làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe theo quy định về đăng ký xe, thì phải xác minh, xác định rõ hành vi vi phạm mua, bán xe không sang tên và xử phạt trường hợp quá thời gian 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán xe nhưng chưa làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe theo quy định.

Một cán bộ CSGT phụ trách tuần tra kiểm soát tuyến quốc lộ 51 cho biết, căn cứ theo Thông tư 11, thì phần xử lý vi phạm xe chưa chuyển quyền sở hữu chủ yếu do bộ phận đăng ký phương tiện thực hiện. Lực lượng tuần tra trên đường tập trung xử lý các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông và xử lý theo các cao điểm, chuyên đề do cấp trên chỉ đạo.

* Thuận lợi cho người dân được “chính chủ”

Để tạo thuận lợi cho người dân trong việc sang tên đổi chủ phương tiện giao thông, thuế trước bạ đã giảm chỉ bằng 1/5 so với trước đây (từ 10% xuống 2%). Cùng với Thông tư 11, Bộ Công an cũng ban hành Thông tư 12 (cùng ngày 1-3-2013, có hiệu lực từ ngày 15-4) quy định về đăng ký xe, với nhiều điểm rất thoáng để người dân dễ dàng thực hiện đăng ký, sang tên đổi chủ phương tiện mình đang sử dụng.

Trước đây, người dân rất lo ngại về việc sở hữu một chiếc xe đã bán sang tay qua nhiều người. Có trường hợp mất cả giấy chứng nhận đăng ký xe. Thông tư 12 đã gỡ được những vướng mắc này và tạo điều kiện cho người dân dễ dàng đăng ký xe mình đang sở hữu.

 Anh Nguyễn Kim Long (ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa), cho biết anh chạy xe ôm bằng chiếc xe Citi mua lại qua nhiều đời chủ. Tuy giá trị chiếc xe không bao nhiêu, nhưng biết được thông tin về thủ tục đăng ký sang tên xe dễ dàng và tiền thuế sang tên cũng ít, nên anh đi đăng ký để chấp hành đúng pháp luật.

Như quy định về xe không có chứng từ chuyển nhượng, Thông tư 12 quy định: “Trường hợp người đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển nhượng xe, hồ sơ đăng ký gồm: giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (theo mẫu ban hành kèm theo thông tư này) có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của công an cấp xã nơi người đang sử dụng xe thường trú…”.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Thanh, Đội trưởng Đội đăng ký phương tiện (thuộc PC67), cho biết: “Đơn vị đã cho phô-tô phóng to Thông tư 12 dán trước phòng đăng ký để người dân đến làm thủ tục có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin”. Thiếu tá Thanh cho biết thêm, có lẽ nhờ thuế trước bạ giảm và thủ tục dễ dàng nên số chủ xe máy, ô tô đến đăng ký chuyển quyền sở hữu tăng gấp nhiều lần trước đây. Trung bình mỗi ngày, có khoảng 200 trường hợp xe máy đăng ký sang tên đổi chủ, khoảng 100 ô tô đăng ký mới và sang tên đổi chủ. Cán bộ, chiến sĩ của đội phải tăng giờ làm mới đáp ứng được yêu cầu công việc.

Với những ghi nhận trên đây, người dân có thể yên tâm lưu thông trên đường và chấp hành tốt pháp luật giao thông để bảo đảm an toàn giao thông hơn nữa.

Thanh Toàn

 

 

 

 

Tin xem nhiều