Báo Đồng Nai điện tử
En

Vỡ hụi hàng tỷ đồng, hơn 90 người dân kêu cứu

10:03, 03/03/2013

Lập ra hàng chục dây hụi, sau khi thu tiền tỷ của hơn 90 người, chủ hụi đã tìm cách né tránh trả tiền cho những người hốt hụi. Nhiều người tìm đến nhà chủ hụi đòi tiền thì nghe chủ hụi tuyên bố vỡ hụi.

Lập ra hàng chục dây hụi, sau khi thu tiền tỷ của hơn 90 người, chủ hụi đã tìm cách né tránh trả tiền cho những người hốt hụi. Nhiều người tìm đến nhà chủ hụi đòi tiền thì nghe chủ hụi tuyên bố vỡ hụi.

Vụ việc đã gây bức xúc cho hơn 90 người dân xã Tam An (huyện Long Thành) trong những ngày qua.

* Gần trăm người dân kêu cứu

Hơn một năm trở lại đây, nhiều người dân ấp 1, 2, 3 (xã Tam An) đã tham gia nhiều dây hụi do vợ chồng bà Huỳnh Thị Ánh Hồng (43 tuổi, ngụ ấp 2, xã Tam An) làm chủ. Lúc mới chơi hụi, những ai được hốt hụi đều được bà Hồng trả tiền đầy đủ. Nhiều người đã tin tưởng tham gia nhiều dây hụi do bà Hồng làm chủ.

Bà Huỳnh Thị Ánh Hồng (người đứng thứ 2, từ trái qua) cố giải thích sự việc trước hàng chục người dân vây quanh.
Bà Huỳnh Thị Ánh Hồng (người đứng thứ 2, từ trái qua) cố giải thích sự việc trước hàng chục người dân vây quanh.

Khi đã tạo dựng uy tín, bà Hồng đã lập thêm nhiều dây hụi, mỗi tháng thu rất nhiều tiền từ người chơi hụi. Thế nhưng, sau khi thu tiền hụi, bà Hồng không trả tiền cho người hốt hụi, mà khất lần và chiếm dụng luôn số tiền này. Trong số hàng chục người dân bị bà Hồng chiếm giữ tiền hụi, có người bị nợ hàng trăm triệu đồng, người ít nhất cũng hàng chục triệu đồng.

Chị Đ.T.Đ. cho biết, mẹ con chị rời quê Quảng Ngãi vào thuê nhà trọ ở xã Tam An để làm công nhân. Gần đây, chị tham gia đường dây hụi do bà Hồng làm chủ. Số tiền lương công nhân hàng tháng chị đều dành dụm chơi hụi để kiếm thêm tiền lời gửi về quê. Tuy nhiên, trước Tết Nguyên đán, chị và nhiều công nhân khác nhận được tin các đường dây hụi do bà Hồng làm chủ bị vỡ, số tiền từ trước đến nay họ đóng cho bà Hồng đã bị chiếm đoạt. Nhận được tin dữ vào những ngày cuối năm, chị Đ. chỉ biết kêu trời, vì số tiền dành dụm cả năm để về thăm quê đã gom hết vào các dây hụi.

Trong số hơn 90 người bị thiếu tiền hụi, ngoài những người dân địa phương, còn rất nhiều công nhân từ nơi khác đến đây làm ăn cũng tham gia các dây hụi của bà Hồng. Số tiền gom góp hàng tháng để cuối năm tính chuyện về quê của hàng chục công nhân đã bị bà Hồng chiếm đoạt.

Bức xúc trước việc bà Hồng chiếm đoạt tiền hụi, nhiều người dân đã tìm đến trụ sở UBND xã Tam An phản ảnh sự việc để mong đòi được nợ. Theo những người chơi hụi, để chiếm đoạt tiền của những người hốt hụi, vào những ngày khui hụi hàng tháng, sau khi báo số tiền phải đóng, bà Hồng thu tiền mà không tính đến chuyện trả tiền cho người hốt. Khi người hốt hụi hỏi tiền, bà Hồng bảo nhiều người chưa đóng nên hẹn lại.

* Người dân mong cơ quan chức năng giải quyết

Được biết, trước Tết Nguyên đán, nhận được đơn phản ảnh của nhiều người dân, chính quyền địa phương đã hẹn các hộ dân ra tết giải quyết. Ngày 2-3, gần 100 người dân cùng với vợ chồng bà Hồng đã được mời lên UBND xã Tam An để giải quyết vụ việc. Tại đây, mọi người thống kê số tiền bị bà Hồng chiếm giữ gần 3 tỷ đồng.

Theo nhiều người dân phản ảnh, sau khi trình bày sự việc lên chính quyền xã, họ được đại diện chính quyền hòa giải. Tuy nhiên, với tình hình giải quyết của xã, nhiều khả năng tài sản của họ không thể thu hồi. Bởi theo người dân, số tiền bà Hồng nợ họ đã lên đến hàng tỷ đồng, nhưng số tài sản bà Hồng đưa ra thế chấp và hứa sẽ đem trả nợ lại rất ít.

Ông Võ Văn Luật, Chủ tịch UBND xã Tam An, cho biết, để trấn an người dân và đảm bảo tình hình trật tự tại địa phương, xã đã mời các hộ dân chơi hụi của bà Hồng lên làm việc. Tại đây, trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương, vợ chồng bà Hồng đã thương lượng và thống nhất số tiền nợ giữa hai bên. Bà Hồng cũng xác nhận, hiện gia đình bà còn nợ ngân hàng 800 triệu đồng và số tiền nợ bên ngoài do cầm cố đất đai hơn 2 tỷ đồng. Để giải quyết vụ việc, trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương, gia đình bà Hồng đã hứa, trong vòng 3 tháng tới sẽ bán hết tài sản của gia đình để trả nợ.

Trước việc trả nợ quá mong manh của gia đình bà Hồng, nhiều người dân muốn đưa vụ việc lên cấp trên để giải quyết. Tuy nhiên, theo nhiều người, xã chỉ muốn thương lượng và hòa giải tại địa phương.

Xác nhận điều này, ông Luật cho rằng, trước tiên, xã sẽ tổ chức hòa giải. Nếu đồng thuận thì hai bên giải quyết, còn không thì người dân có quyền đưa sự việc lên cấp cao hơn. Nếu làm theo thỏa thuận tại xã, sau 3 tháng, gia đình bà Hồng không trả hết nợ cho người dân, vụ việc sẽ được đưa ra pháp luật để giải quyết theo quy định. Ông Luật cũng cho biết, bà Hồng đang tham gia công tác Hội Liên hiệp phụ nữ xã và cũng có vay 30 triệu đồng của Hội để làm ăn, nhưng vẫn chưa trả hết.

Trần Danh

 

 

 

 

Tin xem nhiều