Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhập khẩu phạm pháp, trả giá bằng án tù

11:03, 01/03/2013

Vì cuộc sống mưu sinh, nhiều kẻ tha phương cầu thực đã đi vào con đường phạm pháp.

Vì cuộc sống mưu sinh, nhiều kẻ tha phương cầu thực đã đi vào con đường phạm pháp.

* Nhập khẩu phạm pháp

Sự việc bắt đầu vào năm 2003, khi ông Phan Chí Thanh (ngụ tại xã Bàu Cạn) nhờ Lê Hữu Quỳnh đem hồ sơ, hộ khẩu gia đình mình đến xã Bàu Cạn (huyện Long Thành) nhập khẩu cho con. Do sơ suất nên nhân viên tiếp nhận hồ sơ Đỗ Thế Huệ đã để hộ khẩu của ông Thanh lẫn vào hồ sơ cá nhân của ông Ninh Đức Thuấn (lúc này đang làm Phó trưởng Công an xã Bàu Cạn). Chưa giải quyết nhập khẩu cho hộ ông Thanh, thì năm 2004, Huệ bị bắt vì tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan chức năng, còn ông Thuấn cũng bị tù vì tội giả mạo trong công tác.

Các bị cáo: Hoàng Thị Vượng, Nguyễn Quốc Hội, Nguyễn Tất Danh và Ninh Đức Thuấn (từ trái qua) tại phiên tòa.
Các bị cáo: Hoàng Thị Vượng, Nguyễn Quốc Hội, Nguyễn Tất Danh và Ninh Đức Thuấn (từ trái qua) tại phiên tòa.

Sau khi đi tù về, ông Thuấn phát hiện trong hồ sơ cá nhân của mình có sổ hộ khẩu của ông Thanh, nên đã giữ lại. Nhận thấy nhiều người có nhu cầu nhập khẩu vào Đồng Nai nên thông qua sự hiểu biết của mình, ông Thuấn đã móc nối với Nguyễn Tất Danh (42 tuổi, ngụ tại huyện Long Thành) thực hiện việc nhập khẩu giả vào hộ ông Thanh.

Năm 2007, khi được Lê Trần Hóa (25 tuổi, quê tỉnh Nghệ An) nhờ nhập khẩu vào Đồng Nai, Danh đã liên lạc với ông Thuấn để nhờ giải quyết chuyện nhập khẩu cho Hóa vào hộ ông Thanh. Khi nộp hồ sơ, biết thủ tục phải có ý kiến chấp nhận của chủ hộ, ông Thuấn nói chủ hộ đã đồng ý, nhưng quên viết giấy bảo lãnh. Do tin tưởng ông Thuấn, ông Nguyễn Công Nhạc (Phó công an xã Bàu Cạn lúc bấy giờ) chấp nhận cho Hóa nhập khẩu.

Thấy “phi vụ” làm ăn quá dễ dàng nên đến năm 2008, Danh lại móc nối với ông Thuấn nhập khẩu cho Nguyễn Văn Toàn với tên giả Nguyễn Trọng Anh (anh vợ của Toàn, ngụ tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Thực tế, Toàn sinh năm 1980, nhưng với ý định làm nhỏ tuổi hơn để đi xuất khẩu lao động, Toàn ghi trong giấy chuyển khẩu sinh năm 1983. Do không kiểm tra kỹ thông tin, Biện Ngọc Cường (Trưởng công an xã Thạch Kim) đã cấp giấy chuyển khẩu cho Toàn. Để có giấy bảo lãnh cho Toàn nhập khẩu vào hộ ông Thanh, ông Thuấn đã tự ghi và ký tên với nội dung: “Tôi, Phan Chí Thanh (ngụ tại ấp 1, xã Bàu Cạn), chấp nhận cho cháu Nguyễn Trọng Anh được nhập khẩu vào hộ khẩu gia đình tôi, xin chịu trách nhiệm trước cơ quan Nhà nước”.

Cũng với phương thức tương tự, ông Thuấn và Danh đã làm giả cho Nam Chấn Thiên (ngụ tỉnh Đắk Lắk) được nhập khẩu vào hộ ông Thanh.

Đến năm 2010, bị cáo Hoàng Thị Vượng (36 tuổi, quê tỉnh Hà Tĩnh), với sự giúp đỡ của bị cáo Nguyễn Quốc Hội (thông gia với gia đình Vượng), đã được nhập khẩu vào hộ ông Thanh với tên giả Nguyễn Thị Hà (tên cháu của bị cáo Hội). Sau khi làm xong thủ tục nhập khẩu, Vượng dùng hộ khẩu đó tiếp tục làm giấy chứng minh và xin cấp hộ chiếu. Tuy nhiên, khi Vượng làm thủ tục xuất nhập cảnh thì bị công an phát hiện và bị bắt.

* Giúp người, hại mình

Theo lời khai của các bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 28-2, do sự quen biết và muốn giúp đỡ lẫn nhau nên họ đã không ngần ngại dùng một chút “thủ thuật” để biến hóa giấy tờ, hòng qua mặt cơ quan Nhà nước. Nhưng các bị cáo không lường trước được hành vi của bản thân là phạm pháp, sẽ phải chịu sự trừng trị của pháp luật.

Từng làm phó trưởng công an xã nhiều năm, hiểu biết pháp luật, nhưng ông Thuấn vẫn phạm pháp. Đáng nói hơn, bị cáo Thuấn không chỉ phạm tội một lần, mà năm 2005 bị cáo đã lãnh án tù 2 năm vì tội giả mạo trong công tác. Tuy bị cáo đã lớn tuổi phải chịu cảnh ngồi tù, nhưng để thấy được sự nghiêm minh của pháp luật, bị cáo phải bị xử phạt nghiêm. Khi tòa vừa tuyên án bị cáo Thuấn 2 năm tù giam cũng là lúc những giọt nước mắt của vợ bị cáo chực trào xuống, rồi bà ôm chầm lấy chồng.

Trong quá trình điều tra, do phải nuôi con nhỏ nên bị cáo Vượng được cho tại ngoại. Tuy thế, khi đứng trước tòa, bị cáo vẫn không nghĩ hành vi của mình phải chịu trách nhiệm hình sự. Bị cáo Vượng nói: “Sống ngoài quê khổ cực nên muốn nhập khẩu vào Đồng Nai, nơi có nhiều khu công nghiệp để có cơ hội làm việc tốt hơn. Không ngờ, hôm nay bị cáo lại phải chịu cảnh hầu tòa”. Vừa có giấy triệu tập của tòa, bị cáo phải bế luôn đứa con nhỏ vào Đồng Nai. Tòa tuyên buộc bị cáo chịu trách nhiệm đóng phạt 20 triệu đồng và miễn trách nhiệm hình sự.

Vụ án này là bài học cho các bị cáo và những ai muốn nhập khẩu theo đường phạm pháp.

Tố Tâm

 

 

 

Tin xem nhiều