Báo Đồng Nai điện tử
En

Lực lượng cảnh sát nào được xử lý vi phạm giao thông

08:03, 07/03/2013

Lâu nay, nhiều người dân thắc mắc về việc có nhiều lực lượng cảnh sát (kể cả công an cấp phường, xã) tham gia xử lý vi phạm giao thông.

Lâu nay, nhiều người dân thắc mắc về việc có nhiều lực lượng cảnh sát (kể cả công an cấp phường, xã) tham gia xử lý vi phạm giao thông.

Để người dân hiểu rõ lực lượng cảnh sát nào được tham gia tuần tra kiểm soát (TTKS), xử lý vi phạm giao thông, vai trò và chức năng cụ thể của từng lực lượng cảnh sát, phóng viên Báo Đồng Nai đã trao đổi với Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Phó giám đốc Công an tỉnh về vấn đề này. Theo Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, ngoài lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), lực lượng cảnh sát khác (gồm: Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, trưởng công an cấp xã) được xử lý vi phạm giao thông theo thẩm quyền. Thẩm quyền này được nêu trong Nghị định 34 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và trong Nghị định 71 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34.

* Cảnh sát khác được kiểm soát giao thông

Cụ thể, các lực lượng cảnh sát khác được xử lý xe ô tô dừng đậu sai quy định, tài xế ô tô không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm…; xử lý người điều khiển xe máy có đèn không chiếu sáng vào ban đêm, đi vào đường cấm, đi không đúng phần đường, người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm, xe chở 3 người, chạy quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, chạy lạng lách, đánh võng… Để xử lý các vi phạm này, lực lượng cảnh sát khác cũng tham gia TTKS trên đường. Lực lượng cảnh sát khác cấp huyện được quyền xử lý vi phạm giao thông trên các tuyến đường tỉnh, huyện, thành phố, thị xã, tuyến do tỉnh giao…; công an phường, xã được quyền xử lý trên các tuyến đường xã, phường, nông thôn…

Tổ Cảnh sát trật tự xử lý xe máy tại khu vực trước cổng Công ty Pouchen vào chiều 1-3.
Tổ Cảnh sát trật tự xử lý xe máy tại khu vực trước cổng Công ty Pouchen vào chiều 1-3.

Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh cho biết thêm, ngoài việc phối hợp với CSGT, lực lượng cảnh sát khác cũng được TTKS độc lập và chỉ được xử lý theo thẩm quyền đã được quy định. Việc TTKS phải được lập kế hoạch và được lãnh đạo công an cấp trên trực tiếp phê duyệt. Cảnh sát khác dừng xe ô tô để kiểm tra, hoặc chỉ có một cán bộ, chiến sĩ thực hiện việc kiểm tra xử lý là sai phạm. “Với tình hình vi phạm giao thông phức tạp, tai nạn giao thông luôn chực chờ gia tăng, tội phạm về trật tự xã hội diễn biến khó lường, thì việc tăng cường các lực lượng cảnh sát khác tham gia TTKS giao thông là điều cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần ngăn ngừa tình trạng lực lượng cảnh sát khác phát sinh tiêu cực khi thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn kém hơn nhiệm vụ kiểm soát giao thông” - Đại tá Mạnh nói thêm.

Đối với quy định CSGT đeo thẻ xanh mới được dừng xe, Đại tá Mạnh cho biết, thời gian qua, đã có việc hiểu chưa chính xác về quy định này. Để hiểu rõ vấn đề này, cần tham khảo nội dung trả lời báo chí của Đại tá Trần Sơn Hà, Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt. Theo Đại tá Hà cho biết: “Việc đưa ra quy định CSGT đeo thẻ xanh mới được TTKS, hay dừng xe nhằm mục đích quản lý tốt hơn, minh bạch hoạt động của CSGT, còn các lực lượng khác vẫn có quyền TTKS, xử lý vi phạm giao thông theo quy định về nhiệm vụ, chức năng của họ”.

* Thích kiểm soát giao thông?

Tại hội nghị tổng kết công tác đảm bảo trật tự ATGT tỉnh năm 2012 (cuối tháng 1-2013), Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đã nhắc nhở tình hình vi phạm trật tự đô thị, trật tự lòng lề đường (TTLLĐ) chưa được xử lý quyết liệt, nhất là ở TP.Biên Hòa.

Ghi nhận thực tế của phóng viên cũng cho thấy, tình hình vi phạm trật tự đô thị, TTLLĐ vẫn xảy ra ở một số nơi, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường lập chợ tự phát hiện đang “nóng” ở các phường: Long Bình, Trảng Dài, xã Hóa An…, trong khi việc xử lý như “ném đá ao bèo”.

Bà Trần Thị Chung, quyền Chủ tịch UBND phường Trảng Dài, cho biết: “Chúng tôi đã đề nghị các ngành của địa phương phối hợp với công an phường vận động, tuyên truyền cho các hộ dân không lấn chiếm lòng lề đường để mua bán. Nếu hộ dân nào không chấp hành, chúng tôi sẽ có hướng xử lý mạnh hơn và đề nghị cơ quan chức năng của thành phố hỗ trợ phường để sớm dứt điểm tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường”.

Cảnh sát trật tự mải xử lý xe máy, trong khi tình trạng lấn chiếm lòng lề đường ở đoạn trước cổng Công ty Pouchen gần đó không có ai xử lý (ảnh chụp chiều 1-3).
Cảnh sát trật tự mải xử lý xe máy, trong khi tình trạng lấn chiếm lòng lề đường ở đoạn trước cổng Công ty Pouchen gần đó không có ai xử lý (ảnh chụp chiều 1-3).

Hiện có tình trạng, khi lực lượng Cảnh sát trật tự (CSTT) tuần tra, tổ chức xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường thì mọi người chấp hành. Nhưng khi CSTT rút đi để xử lý vi phạm giao thông thì tình trạng vi phạm TTLLĐ lại diễn ra như cũ.

Ghi nhận của phóng viên tại khu vực gần cổng ra vào Công ty Pouchen (xã Hóa An, TP.Biên Hòa) lúc 17 giờ ngày 1-3 cho thấy, một tổ CSTT thuộc Công an TP.Biên Hòa đang kiểm tra giao thông ở khu vực gần cổng trái của Công ty Pouchen. Tổ CSTT này chốt chặn kiểm tra xe máy ở đây khoảng 1 tiếng đồng hồ. Trong khi đó, ở phía cổng bên phải của công ty, người đi xe máy đậu tràn lan (chờ rước công nhân) ra lòng đường mà không bị ai nhắc nhở, xử lý. Ở phía lề đường đối diện, người mua, kẻ bán hàng vô tư chiếm hết phần đường của xe hai bánh. Nhiều người đi đường khi được hỏi ý kiến đã tỏ ra bất bình về chuyện lực lượng chức năng mải “lo” xử lý giao thông mà quên giải quyết TTLLĐ. Chúng tôi cũng nhận được phản ánh của người dân về tình trạng con đường này có đến hai lực lượng (CSGT và CSTT) liên tục thay nhau kiểm tra, nhưng tình trạng mất trật tự, đá xây dựng từ xe ben rơi vãi đầy đường, xe vượt đèn đỏ… vẫn thường xuyên xảy ra.

Chủ trương tăng cường lực lượng cảnh sát khác tham gia xử lý vi phạm giao thông nhằm kéo giảm TNGT và tội phạm trên đường rất được người dân ủng hộ. Thế nhưng, tình hình TNGT trong tỉnh vẫn có nguy cơ gia tăng, còn diễn biến phức tạp về trật tự đô thị, TTLLĐ. Tai nạn trên các tuyến đường giao thông nông thôn có chiều hướng gia tăng; đường xóm ấp vẫn còn tình trạng thanh niên ngổ ngáo chạy xe nẹt pô, phóng nhanh, vượt ẩu… Vì vậy, cần có sự kiểm tra, chấn chỉnh công tác TTKS giao thông của lực lượng cảnh sát khác để bảo đảm chủ trương được thực hiện đúng đắn, hợp lòng dân.

Thanh Toàn

 

 

 

 

Tin xem nhiều