Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, 2 tháng đầu năm 2013, tai nạn giao thông (TNGT) toàn tỉnh giảm, nhưng hai huyện Trảng Bom và Thống Nhất có số người chết vì TNGT tăng cao.
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, 2 tháng đầu năm 2013, tai nạn giao thông (TNGT) toàn tỉnh giảm, nhưng hai huyện Trảng Bom và Thống Nhất có số người chết vì TNGT tăng cao.
Trong đó, huyện Trảng Bom có 6 người chết vì TNGT, tăng 4 người so với cùng kỳ năm 2012. Điều đáng lưu ý là số người chết vì tai nạn đường sắt cao nhất tỉnh (chiếm 3/5 người chết trong toàn tỉnh).
* Những nguy cơ tăng tai nạn
Huyện Trảng Bom hiện có 2 tuyến đường huyết mạch đi qua, gồm: quốc lộ 1 (dài gần 22km) và tuyến đường sắt Bắc - Nam (dài gần 23km). Tuyến quốc lộ 1 qua địa bàn huyện hiện có lưu lượng khoảng 110 ngàn xe/ngày, trong khi tuyến đường sắt chạy ngang các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn huyện vốn có nhiều nhà trọ công nhân (hàng chục ngàn công nhân) nằm hai bên đường. Ngoài ra, huyện Trảng Bom còn có gần 100km đường tỉnh, huyện, nội thị, liên xã… Các yếu tố đó làm cho phương tiện giao thông hoạt động trên địa bàn Trảng Bom luôn dày đặc, người cư trú ở địa phương tham gia giao thông đông đúc, khiến tình hình giao thông phức tạp, nguy cơ gia tăng TNGT luôn tiềm ẩn.
Xe chở công nhân lưu thông ngược chiều trên quốc lộ 1 để chạy tắt vào Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, gây nguy cơ tăng tai nạn giao thông. |
Theo đánh giá của Ban ATGT huyện Trảng Bom, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của một bộ phận người dân còn thấp. Tình hình vi phạm trật tự ATGT, lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt vẫn diễn ra phức tạp. Hoạt động của Trạm cân xe Dầu Giây cũng dẫn đến tình trạng: Các xe trốn trạm vừa phá hư nhiều tuyến đường trọng điểm của địa phương, vừa làm tăng nguy cơ gây TNGT…
Bên cạnh đó, một số “điểm đen” về giao thông trên các tuyến đường ở Trảng Bom chậm được khắc phục, hoặc khắc phục chưa hoàn toàn… Như đoạn quốc lộ 1 gần thị trấn Trảng Bom (hướng TP.Biên Hòa đến), ở phần đường dành cho xe máy có những đoạn “sống trâu” (mặt đường mô lên đoạn dài, hẹp) dài hàng trăm mét. Các đoạn “sống trâu” này dễ làm người đi xe máy trượt ngã ra phần đường ô tô.
Ông Nguyễn Sơn Hùng, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban ATGT huyện Trảng Bom, cho biết, địa phương đã nhiều lần kiến nghị đơn vị quản lý đoạn quốc lộ này (thuộc Khu Quản lý đường bộ 7) xử lý “sống trâu” để bảo đảm an toàn. Thế nhưng, đã nhiều năm nay, tình trạng này không được khắc phục.
Một nguy cơ gây TNGT ở Trảng Bom hiện nay là tình trạng tài xế xe đưa rước công nhân, công nhân đi xe máy chạy ngược chiều quốc lộ 1 để vào các KCN. Mặc dù lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã xử lý nhiều lần, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra, khi không có CSGT kiểm tra. Trong khi đó, xe tải trốn trạm cân gây hư hỏng đường sá, gây TNGT ở các tuyến đường nội huyện là “chuyện dài nhiều tập”. Quá nhiều đường ngang dân sinh qua đường sắt ở các khu nhà trọ công nhân, khu tiểu thủ công nghiệp cũng là nguy cơ gây tăng TNGT…
* Những giải pháp c ủa huyện
Ban ATGT huyện Trảng Bom đã họp tổng kết công tác ATGT năm 2012 và đề ra các giải pháp bảo đảm ATGT năm 2013. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Sơn Hùng đã yêu cầu các cấp, ngành trong huyện tập trung tuyên truyền pháp luật giao thông. Theo đó, phải xác định đúng đối tượng cần được tuyên truyền, như: tài xế ô tô, thanh niên và công nhân đi xe máy… Hình thức tuyên truyền phải có tác động mạnh bằng hình ảnh gây ấn tượng.
Ông Nguyễn Sơn Hùng cũng yêu cầu công an, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm Thông tư 38 của Bộ Công an về việc thông báo người vi phạm giao thông về địa phương, cơ quan. Nơi được thông báo cần kiểm điểm, hoặc có hình thức xử lý thích hợp để người vi phạm không tái phạm. Trong thẩm quyền xử lý, các lực lượng chức năng có thể nêu hình ảnh những người tái vi phạm giao thông nhiều lần ở nơi công cộng để tăng hiệu quả răn đe, giáo dục… Đồng thời, tích cực đôn đốc, đề nghị các cấp liên quan hỗ trợ thực hiện nâng cấp các tuyến đường bị xe trốn trạm cân gây hư hỏng nặng, mở thêm đường song hành để giảm bớt lưu lượng trên quốc lộ. Ông Hùng cũng yêu cầu các lực lượng tuần tra xử lý nghiêm các trường hợp xe tải trốn trạm cân đậu nối đuôi trên quốc lộ gây ùn ứ, mất ATGT; xử lý nghiêm xe tải trốn trạm cân qua các tuyến đường: Hưng Thịnh, xã Đồi 61, Cây Gáo… Các địa phương có đường sắt đi ngang cần tăng cường phối hợp với ngành đường sắt để bảo đảm an toàn cho người dân qua lại.
Bên cạnh đó, có những giải pháp nhằm tác động vào ý thức người tham gia giao thông được cán bộ cơ sở đề nghị và đã thực hiện có hiệu quả, cần được phát huy. Như ở xã Quảng Tiến, Ban ATGT xã đưa tuyên truyền chấp hành pháp luật giao thông là biện pháp hàng đầu. Các trường học trên địa bàn xã đều phải thực hiện tuyên truyền bảo đảm ATGT. Cán bộ, đảng viên trong xã luôn được nhắc nhở bảo đảm ATGT vào ngày chào cờ đầu tuần. Các cuộc tiếp xúc cử tri đều có tuyên truyền ATGT trước nội dung họp chính. Với đặc điểm 85% dân cư là giáo dân, chính quyền xã vận động linh mục, ban hành giáo nhắc nhở giáo dân bảo đảm ATGT trước khi vào lễ chính… Lực lượng công an xã luôn thực hiện kiểm tra vi phạm giao thông theo thẩm quyền được phép…
Còn ở thị trấn Trảng Bom, ngoài các công tác bảo đảm ATGT theo quy định, Ban ATGT thị trấn còn chú ý tuyên truyền việc chấp hành pháp luật giao thông cho các tài xế ô tô sinh sống trên địa bàn; chú trọng xử lý các đối tượng chạy xe máy “ngổ ngáo”; kiên quyết mời các đối tượng vi phạm giao thông bị thông báo về địa phương để nhắc nhở, giáo dục và làm cam kết không tái phạm…
Thanh Toàn