Họ là chị em ruột thịt, sống yêu thương, san sẻ những lúc khó khăn. Nhưng khi đất đai có giá, tài sản cha mẹ để lại chưa phân chia rạch ròi, hai bên đã kiện tụng tranh giành quyền lợi, khiến chị em xem nhau như người dưng, thậm chí căm ghét nhau…
Họ là chị em ruột thịt, sống yêu thương, san sẻ những lúc khó khăn. Nhưng khi đất đai có giá, tài sản cha mẹ để lại chưa phân chia rạch ròi, hai bên đã kiện tụng tranh giành quyền lợi, khiến chị em xem nhau như người dưng, thậm chí căm ghét nhau…
* Đất đai hơn tình cảm ruột thịt
Theo đơn khởi kiện của bà N., lúc còn sống, cha mẹ bà đã tập hợp các con lại, làm giấy họp gia tộc để phân chia tài sản và thống nhất như sau: căn hộ có diện tích 240m2 tại TP.Biên Hòa sẽ nhường lại cho người em trai sử dụng và làm nơi thờ tự. Hơn 2 ngàn m2 đất còn lại sẽ giao cho bà C. toàn quyền sử dụng. Theo đó, bà C. được san lấp mặt bằng, làm đường và phân lô bán. Chi phí bà C. chịu, tiền thu về phải có nghĩa vụ thanh toán cho các anh chị em còn lại (trong đó có bà N.). Mức thanh toán cho mỗi người là 40 lượng vàng SJC. Thời gian thanh toán từ ngày ký giấy họp gia tộc đến Tết Nguyên đán 2004.
Sau khi ký vào giấy, giữa bà N. và bà C. đã thỏa thuận lại nội dung: bà N. sẽ không nhận vàng, mà nhận 200m2 đất do bà C. giao. Từ thỏa thuận này, bà N. đã rao bán đất, nhưng không bán được (do không có sổ đỏ).
Năm 2007, do cần tiền nên bà N. đã thỏa thuận với bà C. thực hiện lại việc phân chia tài sản giống như nội dung họp gia tộc, tức là bà N. sẽ nhận 40 lượng vàng SJC. Mọi thỏa thuận đều bằng lời nói, không làm thành văn bản.
Như vậy, giữa hai bên đã có nhiều lần “chuyển nhượng” đất qua lại với hình thức chuyển như nhau, không thể hiện bằng giấy tờ, mà chỉ thể hiện bằng việc giao nhận tài sản.
Cụ thể, trong lần giao dịch đầu tiên, bà C. đã đồng ý giao đất cho bà N. để bà N. cắm bảng bán đất. Khi không bán được đất, bà N. đã chuyển nhượng phần đất đó lại cho bà C. Bà N. đã ký tên vào văn bản phân chia di sản thừa kế để bà C. tiến hành thủ tục sang tên đối với phần đất bà C. đã chuyển trước đây cho bà N., nhưng lại không có giấy tờ chứng minh bà N. đã nhận tiền. Từ thỏa thuận này, bà C. đã làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất sang tên mình, trong đó có phần đất của bà N. Tuy nhiên, từ đó đến nay, bà C. chưa thanh toán cho bà N. số vàng theo biên bản họp gia tộc.
Ở cấp sơ thẩm, bà N. yêu cầu bà C. phải chia cho bà di sản thừa kế, gồm: 200m2 đất và số tiền mặt 300 triệu đồng (bù trượt giá). Ngày 29-2-2012, bà N. làm đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện với nội dung: không yêu cầu phân chia di sản thừa kế, mà yêu cầu bà C. phải giao trả cho bà 200m2 đất.
Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa xử sơ thẩm đã bác yêu cầu của bà N. về việc yêu cầu bà C. giao lại diện tích đất trên. Do đó, bà N. đã làm đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh để đòi quyền lợi cho mình.
* Thâm tình chứ nước lã gì cho cam!
Tại phiên tòa phúc thẩm mới đây, bà N. trình bày: “Mọi việc chuyển nhượng đều xuất phát trên cơ sở tín nhiệm nhau, vì là chị em ruột. Thâm tình chứ nước lã gì cho cam! Cũng vì chuyện này mà chị em ruột trở nên ghét bỏ, đoạn tuyệt tình thâm”.
Bà C. thì cho rằng, bà đã đưa bà N. 40 lượng vàng và trước đó có giấy tờ thể hiện rõ ràng. Tuy nhiên, khi tòa yêu cầu bà C. xuất trình giấy tờ chứng minh, bà C. lại trả lời chưa có.
“Bà giải thích như thế nào khi đã giao vàng cho chị gái mình lại không đi sang tên. Chưa hết, khi bà N. cắm bảng bán đất, bà không có ý kiến gì, trong khi bà nói 200m2 đất đó của mình?” - tòa chất vấn.
Đuối lý, bà C. không nói gì thêm, rồi hướng mắt về phía luật sư biện hộ cho mình. Một thành viên trong Hội đồng xét xử (HĐXX) lên tiếng nhắn nhủ: “Tình cảm là thứ quan trọng, quý giá nhất, mỗi bên nên suy nghĩ thật kỹ rồi đưa ra quyết định của mình”.
Giờ nghị án, họ trở về hai phía của hàng ghế dự khán, người nào cũng im lặng. Phòng xử như ngột ngạt hơn bởi sự lạnh lẽo của tình thâm.
Phiên tòa khép lại, HĐXX chấp nhận kháng cáo của bà N., yêu cầu người em giao trả diện tích đất từng tranh chấp trước đó.
Dù cả nguyên đơn và bị đơn kéo nhau ra về, nhưng dư vị của phiên tòa tranh chấp di sản thừa kế vẫn còn đó. Mỗi người một hoàn cảnh, một quan niệm sống và đều có nhận thức khác nhau về vật chất lẫn quyền thụ hưởng tài sản cha mẹ để lại. Thế nhưng, đừng để thâm tình nguội lạnh, đắng ngắt chỉ vì một mảnh đất.
Võ Nguyên