Là phụ nữ lỡ làng, nhưng chị N.T. (ngụ xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) lại “thích cặp bồ hơn cưới”...
Là phụ nữ lỡ làng, nhưng chị N.T. (ngụ xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) lại “thích cặp bồ hơn cưới”...
* Chồng ở “nhà” vẫn tuyên bố mất tích
Tuy nhỏ hơn chị T. 7 tuổi, nhưng anh Nguyễn V. vẫn hạnh phúc vì “cưới” được vợ đẹp. Năm 1991, sau khi ra UBND xã Xuân Hưng đăng ký kết hôn, anh cùng dọn về chung sống với chị T. ngay tại mảnh đất mà chị cư ngụ trước đó. Vài tháng sau, họ có một con gái. Đến năm 1994, họ có thêm một cô con gái nữa.
Cuộc sống tươi đẹp cứ vậy trôi qua, nhờ tích cóp, họ đã mua được thêm 3 thửa đất, với diện tích gần 4 ngàn m2.
Nhưng đến đầu năm 1997, vợ chồng anh V. bắt đầu khục khặc về chuyện tiền nong và con cái. Do thường đi làm ăn xa, chị T. ở nhà lại hay tiếp xúc với người đàn ông lạ, nên khi vợ sinh bé gái thứ hai, nghe hàng xóm đàm tiếu, anh V. cho rằng bé không phải con mình. Từ đó, vợ chồng anh liên tục xảy ra xung đột. Một lần, do bực tức chuyện cãi nhau, anh V. bỏ nhà lên TP.Hồ Chí Minh làm phụ hồ. Quá trình làm thuê ở TP.Hồ Chí Minh, anh V. không về thăm nhà, không liên lạc với chị T. Mãi đến năm 2000, anh mới về địa phương sinh sống, lui tới thăm con.
Đùng một cái, anh V. nhận được tin, vào năm 2004, chị T. đã làm thủ tục tuyên bố anh mất tích để ra tòa xin ly hôn. Cũng trong thời gian này, chị T. đã hoàn tất thủ tục đứng tên quyền sử dụng một khu đất (1.321/4.000m2 đất là tài sản chung của vợ chồng), rồi bán đi một ít để tiêu xài và lo cho người đàn ông mới quen.
Uất ức vì bị chị T. vô cớ đến cơ quan chức năng làm thủ tục tuyên bố mình mất tích, anh V. than thở với người thân: “Thà cô ấy nói thẳng muốn ly hôn với tui để có chồng khác, tui chẳng trách. Đằng này, trong khi tui còn sống sờ sờ tại địa phương, cô ấy lại tự đặt điều sai trái, rồi tuyên bố tui mất tích thì ác lắm”. Anh càng xót lòng hơn khi nhận được phán quyết của tòa đồng ý cho chị T. ly hôn với anh và tuyên bố anh mất tích, để chị này chiếm dụng tài sản chung do hai người tạo dựng.
Theo đơn trình bày của chị T. với tòa án, chị và anh V. gặp nhau và tự nguyện tiến tới hôn nhân (nhưng không đăng ký kết hôn). Cả hai sống như vợ chồng từ năm 1991 tại nhà của chị tại xã Xuân Hưng. Khi về sống chung với chị, anh V. không có tài sản, không rõ lai lịch ra sao. Năm 1997, anh V. bỏ nhà đi đâu không rõ, dù chị hết mực tìm kiếm nhưng không có tin tức.
* Chỉ mong tòa xem xét lại
Do bị chị T. làm thủ tục tuyên bố mình mất tích vô cớ, anh V. đã yêu cầu Tòa án nhân dân (TAND) huyện Xuân Lộc trả lại danh phận cho anh, đồng thời yêu cầu tòa phân chia tài sản chung của vợ chồng, do chị V. lấy cớ anh mất tích để điếm đoạt. Để chứng minh việc chị T. khai man với tòa khi anh vắng mặt, anh V. đưa ra giấy kết hôn của anh với chị T. do UBND xã Xuân Hưng cấp, giấy mua đất viết tay sang nhượng đất giữa vợ chồng anh với người bán đất... Anh V. chỉ yêu cầu chị T. trả lại cho anh 1 ngàn m2 đất (hơn 25% diện tích đất chung của vợ chồng). Mong muốn của anh V. đã được TAND huyện Xuân Lộc xem xét bằng một bản án dân sự sơ thẩm vào tháng 2-2011.
Không đồng ý với phán quyết của TAND huyện Xuân Lộc, chị T. đã làm đơn kháng cáo gửi lên TAND tỉnh với quan điểm lạ lùng rằng, chị chưa lần nào đến UBND xã Xuân Hưng đăng ký kết hôn. Chị không bao giờ đồng ý kết hôn với anh V., vì anh nhỏ hơn chị tới 7 tuổi. Chị chỉ muốn cặp bồ với anh V. cho vui mà thôi. Chị cũng trình bày, dù anh V. không góp tiền mua đất, nhưng vì đã có con với anh V., anh lại bệnh tật nên chị rủ lòng thương mà chấp nhận cho 500m2 để anh có chỗ nương thân. Lời lẽ của chị T. đã được cấp phúc thẩm ghi nhận, khi tòa bác phần xét xử có lợi cho anh V. của cấp sơ thẩm trước đó.
Được cấp phúc thẩm xử thắng kiện, chị T. vui mừng rời tòa mà chẳng thèm nhìn anh V. một lần. Rồi chị về bán nhà, bán đất và dẫn con lên TP.Hồ Chí Minh sinh sống. Riêng anh V., từ ngày bị vợ bỏ, anh không còn nhà cửa, phải về tỉnh Bình Thuận chăn bò thuê. Anh V. nói trong hy vọng: “Tui sẽ gửi đơn đến TAND tối cao xin xét giám đốc thẩm. Tui chỉ mong TAND tối cao thấu hiểu tấm lòng của tui”.
Thành Nhân