Trước thời tiết nắng nóng diễn ra gay gắt, hàng chục ngàn hécta rừng trên địa bàn huyện Xuân Lộc đang nằm trong tình trạng báo động cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ cháy rừng xảy ra bất cứ lúc nào.
Trước thời tiết nắng nóng diễn ra gay gắt, hàng chục ngàn hécta rừng trên địa bàn huyện Xuân Lộc đang nằm trong tình trạng báo động cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ cháy rừng xảy ra bất cứ lúc nào.
Hơn 2 tháng qua, bất kể ngày đêm, Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Xuân Lộc, đơn vị được giao quản lý trên 10 ngàn hécta rừng, chiếm khoảng 2/3 diện tích rừng trên địa bàn huyện, đã tiến hành công tác tuần tra, kiểm soát và triển khai quyết liệt các phương án phòng, chống cháy rừng (PCCR) với quyết tâm cao nhất.
* Chủ động phòng,chống cháy rừng
Hầu hết diện tích rừng do BQLRPH Xuân Lộc quản lý là rừng phòng hộ đầu nguồn sông La Ngà, nên rừng ở đây giữ vai trò rất quan trọng trong việc chống xói mòn, ổn định mạch nước ngầm và đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đáng chú ý, rừng do đơn vị quản lý chủ yếu gồm các loại cây: sao, dầu, xà cừ… được trồng xen canh với cây keo lai, nên giá trị kinh tế rất cao.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc triển khai phương án phòng, chống cháy rừng. |
Trước tình hình thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, nên các phương án PCCR được BQLRPH Xuân Lộc triển khai khá sớm, thông qua công tác tuyên truyền 100% các chủ rừng; hộ nhận giao khoán đất trồng rừng ký cam kết tự nguyện và tích cực thực hiện các phương án PCCR.
Theo đó, các khu rừng keo lai có lượng thực bì cao đều được các hộ dân tiến hành phát quang, cày xới để dập thực bì, làm đường băng cản lửa; đồng thời xây dựng lịch phân công nhau thường xuyên đi tuần tra vào các giờ cao điểm có nguy cơ cháy cao, nhằm phát hiện và ứng phó kịp thời khi có tình huống cháy xảy ra theo phương châm “Phòng cháy hơn chữa cháy”.
Ông Phạm Văn Khoa, hộ dân được giao bảo vệ rừng tại Phân trường Gia Huynh (ấp Trảng Táo, xã Xuân Thành) cho biết: “Đối với việc PCCR, người dân chúng tôi đều được tập huấn và nắm bắt được, nên có trách nhiệm cao trong PCCR. Chúng tôi làm rẫy ở đây đã nhiều năm, nhưng chưa để xảy ra sự cố cháy nào”.
* Trực phòng, chống cháy 24/24 giờ
Thực hiện phương án PCCR theo phương châm 4 tại chỗ, BQLRPH Xuân Lộc đã chủ động thực hiện hàng trăm cây số đường băng cản lửa để dập thực bì và chia nhỏ những lô rừng, nhằm tạo thuận lợi cho công tác tuần tra, vừa có thể cơ động đưa phương tiện máy móc, cơ giới ứng phó kịp thời nếu xảy ra cháy. Đặc biệt, 6/6 phân khu trong lâm phận do đơn vị quản lý, gồm các phân trường: Đầm Voi, Núi Le, Gia Huynh, Gia Phu, Láng Cát và Trảng Táo đã thành lập được 29 tổ lâm nghiệp cộng đồng, 7 tổ chữa cháy túc trực 24/24 giờ, đồng thời tuần tra kiểm soát và thay phiên trực gác trên các chòi canh.
Các phương tiện, thiết bị chữa cháy, như: máy bơm cao áp, bình xịt tay, máy định vị, thùng đựng nước, cuốc, xẻng… đều được trang bị đầy đủ tại 6 phân khu và các chốt canh trọng yếu, nhằm phát hiện và ứng cứu kịp thời khi có sự cố cháy rừng xảy ra. Kết quả, đơn vị đã kịp thời dập tắt 4 điểm phát lửa do người dân bất cẩn trong xử lý thực bì cây điều và người dân đi bắt ong rừng gây ra.
Ông Đặng Khánh Tài, Phó giám đốc BQLRPH Xuân Lộc cho biết, thiết bị hỗ trợ phòng, chống cháy đã được trang bị đầy đủ, đáp ứng tốt trong công tác PCCR. Đơn vị cũng đã xử lý tốt các vật thể trong lô rừng trồng, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát để phát hiện và kịp thời huy động lực lượng ứng cứu khi có sự cố cháy. Đơn vị còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền công tác PCCR đến với những người dân sinh sống, canh tác nông nghiệp trong lâm phận để họ cùng có trách nhiệm trong công tác PCCR; đồng thời theo dõi những hoạt động có thể gây cháy rừng, như: đốt lá để bắt ong, rắn… “Trên phần diện tích rừng do đơn vị quản lý có tuyến đường sắt dài trên 30km đi qua, chỉ cần một tàn thuốc nhỏ do hành khách trên tàu vứt xuống thảm cỏ cũng có thể gây ra hiểm họa cháy rừng. Do đó, đơn vị luôn đề cao cảnh giác PCCR” - ông Tài cho biết thêm.
Cùng với việc thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, trong những năm qua, BQLRPH huyện Xuân Lộc đã tạo điều kiện và khuyến khích các chủ rừng chuyển đổi dần việc trồng duy nhất loại cây keo gai, sang mô hình trồng rừng hỗn giao giữa cây keo lai xen canh với cây dầu. Sau khoảng 5 năm, người trồng có thể khai thác keo gai theo kỹ thuật rong hàng. Cách làm này vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa có khả năng phòng, chống cháy rất tốt, được nhiều hộ dân và chủ rừng ở đây áp dụng.
Thanh Cường - Hải Đình