Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động phòng, chống cháy rừng cao điểm mùa khô

07:02, 26/02/2013

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, tình hình khô hạn, nắng nóng năm 2013 sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Vì thế, chủ động phòng, chống cháy rừng trong thời kỳ cao điểm mùa khô có ý nghĩa rất quan trọng.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, tình hình khô hạn, nắng nóng năm 2013 sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Vì thế, chủ động phòng, chống cháy rừng trong thời kỳ cao điểm mùa khô có ý nghĩa rất quan trọng.

Khí hậu trên địa bàn Đồng Nai đang vào thời kỳ cao điểm của mùa khô hạn, thảm thực vật rừng các loại bị mất nước, khô kiệt nhanh, có nguy cơ gây cháy rất cao. Đặc biệt, Đồng Nai là địa phương có nhiều di tích văn hóa, đình chùa, lễ hội cầu lộc, khu vui chơi giải trí nằm trong phạm vi giáp ranh với các loại rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rừng trồng, khu vực cây công nghiệp, nên việc bảo vệ và phòng, chống cháy sẽ gặp khó khăn.

Một khu rừng tràm bốc cháy do người dân đốt rác bất cẩn.
Một khu rừng tràm bốc cháy do người dân đốt rác bất cẩn.

Nguy cơ cháy rừng cao

Đồng Nai là một trong số ít địa phương có tỷ lệ rừng che phủ cao trong cả nước. Những năm gần đây, nhờ có quyết tâm chính trị lớn, rừng ở Đồng Nai được bảo vệ nghiêm ngặt, diện tích rừng tăng đáng kể. Đến nay, rừng ở Đồng Nai chiếm gần 30% diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong đó, có hơn 145 ngàn hécta rừng, gồm: 110 hécta rừng tự nhiên, 35 ngàn hécta rừng trồng và 14 ngàn hécta rừng tái sinh. Riêng rừng đặc dụng chiếm 99 ngàn hécta, rừng phòng hộ 40 ngàn hécta và rừng sản xuất 37 ngàn hécta. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có trên 10 ngàn hécta rừng nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp, do các đơn vị lực lượng vũ trang và các tổ chức, hộ gia đình đang quản lý, khai thác, sử dụng. Đối với rừng tự nhiên, phần lớn nằm ở phía Bắc của tỉnh, thuộc trách nhiệm quản lý của Vườn quốc gia Cát Tiên, giáp ranh tỉnh Bình Thuận; Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai; Công ty lâm nghiệp La Ngà và Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú…

Sau tết, khi nhiều người dân mải chơi xuân, lơ là việc phòng, chống cháy, thì có nhiều người dân đã vào rừng trồng của gia đình cào gom lá khô, đốt lá do sợ bị cháy gây thiệt hại. Tuy nhiên, do nhiều người đốt lá chưa đúng quy cách, đốt vào những thời điểm có nắng và gió to, dễ gây cháy lây lan ra diện rộng và thiếu những biện pháp khống chế hữu hiệu, nên nguy cơ mất an toàn trong phòng, chống cháy rừng rất cao, nhất là các khu vực rừng trồng, vườn cây công nghiệp vườn tiêu, điều, cao su, cacao, rừng tràm… gần nhà dân, gần các khu vực có đình chùa, miếu mạo, nơi thờ tự...

Cần chủ động phòng, chống cháy rừng

Để chủ động phòng cháy rừng, các địa phương, đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như mỗi người dân cần đề cao cảnh giác, tập trung cao độ thực hiện các giải pháp tích cực, nhất là cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về phòng và chữa cháy, kỹ thuật phòng, chống cháy đến mọi người dân trên địa bàn quản lý, nhất là các vùng đệm, các địa phương có nguy cơ cháy cao. Tổ chức đăng ký, cam kết, giao ước với các di tích, chùa, nơi thờ tự, các chủ rừng, các địa phương có sử dụng vàng mã, không để lửa gây cháy lây lan ra diện rộng. Phải chủ động phòng, chống cháy, cảnh giác với “giặc lửa”, tuyệt đối không lơ là mất cảnh giác để “bà hỏa” viếng thăm bất cứ nơi nào trong diện tích rừng, cũng như các khu vực dân cư trong mùa khô năm nay. Nghiêm túc rút kinh nghiệm những vụ cháy rừng, cháy nhà dân, cháy cơ sở sản xuất, nhà xưởng trước đây, chẳng hạn như vụ cháy xưởng gỗ của doanh nghiệp tư nhân Đức Tâm (ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) làm 21 người bị bỏng; hay việc đốt cỏ gây cháy mới đây ở xưởng phế liệu làm cháy nhà, thiệt hại tài sản…

Bảo vệ rừng là bảo vệ tài sản của nhà nước, của nhân dân, cơ quan chức năng và mọi người dân cần sẵn sàng huy động mọi nguồn lực tham gia chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra. Các địa phương cũng cần hướng dẫn người dân cách cào, thu gom lá khô và đốt rác; gia cố hệ thống chòi canh lửa, trang bị hệ thống thông tin nhanh từ các điểm trực chữa cháy, nhất là trực hệ thống loa truyền thanh, các dụng cụ phòng, chữa cháy thô sơ và hiện đại, cũng như máy móc, phương tiện; huy động nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống cháy, nhất là các lực lượng ứng cứu tại chỗ, đảm bảo hạn chế thấp nhất hậu quả do cháy trong mùa khô gây ra.

Có như vậy mới đảm bảo an toàn cho diện tích rừng, diện tích cây trồng cũng như tính mạng, tài sản của mọi người dân trong thời kỳ cao điểm mùa khô hạn hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh.

Nguyễn Minh Đức

 

Tin xem nhiều