Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài học cuối phiên tòa

10:02, 04/02/2013

Với mọi người con, mẹ không phải người xấu. Thế nhưng, hành vi vi phạm pháp luật của bà mẹ Nguyễn Thị Hải (49 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) đã vô tình đem đến cho con những tổn thương. Những hình ảnh ấy sẽ mãi là một mảng tối ám ảnh tâm hồn trong sáng của con trẻ.

Với mọi người con, mẹ không phải người xấu. Thế nhưng, hành vi vi phạm pháp luật của bà mẹ Nguyễn Thị Hải (49 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) đã vô tình đem đến cho con những tổn thương. Những hình ảnh ấy sẽ mãi là một mảng tối ám ảnh tâm hồn trong sáng của con trẻ.

* Dùng ma túy để chữa bệnh?

Bị cáo Hải nghiện ma túy nên đã nhiều lần đi TP.Hồ Chí Minh mua ma túy của một người phụ nữ không rõ lai lịch, mỗi lần mua 1 bịch giá 7 triệu đồng. Sau đó, bị cáo mang về nhà trọ (thuộc KP2, phường Long Bình, TP.Biên Hòa) chia thành nhiều bịch nhỏ để vừa sử dụng, vừa bán cho các con nghiện kiếm lời. Khoảng 20 giờ 20 ngày 15-11-2012, trong khi đang bán “hàng” cho một con nghiện, Hải bị công an bắt quả tang.

Trước tòa, bị cáo Hải trình bày, do bệnh gai cột sống lâu năm hành hạ nên khi nghe nhiều người mách chữa bệnh bằng ma túy có thể khỏi, bị cáo đã mua ma túy về sử dụng. Thử một vài lần, bị cáo trở thành con nghiện khi nào không hay. Thế rồi, chi phí cho “thuốc chữa bệnh” mỗi lúc một nhiều, muốn có tiền bị cáo Hải phải mua “hàng” mang về bán lại. Và giờ đây, bị cáo phải ra tòa trả giá cho hành vi tội lỗi của mình.

Khi Hội đồng xét xử (HĐXX) chất vấn vì sao trong hồ sơ vụ án không có giấy tờ chứng minh bị cáo Hải mang bệnh, thì bị cáo nói mình không khai vào. Tuy nhiên, bệnh tật không phải là lý do khiến người phụ nữ luống tuổi ấy tìm đến ma túy.

“Những người chỉ cách cho bị cáo là ai?”  - vị chủ tọa chất vấn. “Dạ, mấy người từng sử dụng hàng trắng” - Hải lý nhí trả lời. Từ cách trả lời này, HĐXX đã phân tích để bị cáo hiểu rằng, người đứng đắn không bao giờ kết bạn với những kẻ xấu đi xúi bậy người khác. Ngoài ra, sau khi có ma túy, bị cáo Hải đã đem bán lại cho họ để vừa kiếm lời, vừa sử dụng. Biết bao người phải trả giá vì cái vòng luẩn quẩn từ không biết đến khi lạm dụng, trở thành nô lệ cho thứ “thuốc” chết người, rồi phải chịu tội trước pháp luật. Vậy mà bị cáo vẫn không lấy đó làm bài học, khiến con “ma thuốc” đã xóa mất đường về của Hải.

* Hãy nghĩ đến con

Được nói lời nói sau cùng trước khi tòa nghị án, bị cáo Hải nói trong nghẹn ngào: “Bị cáo ngu muội, không đủ tỉnh táo để biết hậu quả của việc mình làm. Bị cáo chỉ còn biết xin lỗi chồng con, những người đã quá khổ tâm, chịu điều tiếng xấu của người đời vì việc làm của bị cáo. Bị cáo xin hứa sẽ cải tạo tốt, sau này không tái phạm nữa”. Lời bị cáo Hải cất lên câu được câu mất, lẫn lộn giữa tiếng xì xầm của những người tham dự phiên tòa.

Giờ nghị án, vợ chồng đứa con lớn của bị cáo Hải lao nhanh về phía mẹ. Được chạm vào con, người mẹ ấy không quên xoa đầu, nắn chân tay con, dù chúng đã lớn và có gia đình. Không nói được gì ngoài hai tiếng “con ơi”, rồi bị cáo bật khóc, mắt dáo dác tìm kiếm ai đó. Những giọt nước mắt nóng rát lăn dài xuống má thể hiện sự ân hận tột cùng của bị cáo.

“Biết vậy sao không sống đàng hoàng để khỏi chịu cảnh chia ly. Ai cũng như bị cáo thì xã hội loạn hết. Đã là mẹ, bà không nên làm vậy để con cháu cảm thấy xấu hổ” - một người dự khán lên tiếng trách bị cáo.

Tại phiên xử ngày hôm ấy, đứa con út của bị cáo đứng nép mình ở cuối phòng xét xử, không dám tiến gần phía mẹ mình, chỉ khi người chị nắm tay kéo, em mới bước đến. Rồi hai mẹ con ôm chầm lấy nhau, không nói được lời nào. Bị cáo đâu có biết, chính vì mình, nhiều lần em đã cự cãi với bạn học, khi đám bạn nhắc đến mẹ em như một người xấu, cần tránh xa. Với em, vì mẹ bị bệnh muốn dứt cơn đau mới làm điều sai trái như vậy. Nhưng mỗi lần HĐXX phê phán hành vi của mẹ gây nguy hiểm cho xã hội, em mới giật mình.

Quay sang đám con cháu, bị cáo Hải dặn dò trong tiếng nấc: “Đừng bao giờ làm điều dại dột như mẹ nhé…!”.

Tòa tuyên án bị cáo Hải 7 năm tù, đứa con út của bị cáo ngồi thụp xuống hành lang phòng xử. Vậy là phải rất lâu nữa, mẹ con họ mới được dịp đoàn tụ. Không biết em có kịp nguôi ngoai, thông cảm cho mẹ, hay những gì em chứng kiến tại phiên tòa sẽ in hằn trong ký ức trong sáng của em đến suốt cuộc đời. Mẹ em không phải người xấu, nhưng đã vô tình đem đến cho con những mất mát, tổn thương.

Hãy nghĩ đến người thân, những hậu quả đau lòng bởi việc làm trái pháp luật của mình, đó là bài học nhận ra cuối phiên tòa.

Võ Nguyên

 

 

Tin xem nhiều