Thời gian qua, hoạt động sản xuất, chế biến của nhiều cơ sở mộc dân dụng trên địa bàn TP.Biên Hòa đã phát tán bụi, tiếng ồn, đặc biệt là mùi hóa chất gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Thời gian qua, hoạt động sản xuất, chế biến của nhiều cơ sở mộc dân dụng trên địa bàn TP.Biên Hòa đã phát tán bụi, tiếng ồn, đặc biệt là mùi hóa chất gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (gọi tắt Cảnh sát môi trường) Công an TP.Biên Hòa, địa bàn thành phố hiện có hơn 600 cơ sở gia công, chế biến gỗ, tập trung tại các phường, xã: Tân Biên, Tân Hòa, Hố Nai, Long Bình, Trảng Dài, Tam Phước và Phước Tân...
* Sản xuất gây ô nhiễm
Qua kiểm tra thực tế của Đội Cảnh sát môi trường, đa số các cơ sở này đều không có cam kết bảo vệ môi trường, không có hệ thống thu gom khí thải, không che chắn, không giấy phép kinh doanh… Do địa điểm sản xuất ngay tại khu dân cư nên khói bụi, tiếng ồn và mùi hôi phát sinh từ quá trình chế biến gỗ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, gây bức xúc kéo dài trong nhân dân.
Việc xịt sơn PU của các cơ sở mộc dân dụng thường phát tán mùi hôi ra khu dân cư, gây khó chịu cho nhiều người. |
Trong số những cơ sở gây ô nhiễm môi trường kéo dài phải kể đến cơ sở sản xuất mộc của ông L.V.K. (ở tổ 15, KP3, phường Long Bình). Theo phản ánh của các hộ dân xung quanh, cơ sở của ông K. hoạt động từ năm 2004, nhưng đến tháng 11-2012 mới xin được giấy phép… buôn bán giường, tủ, bàn ghế, đồ dùng nội thất, vận tải hàng hóa; không có chức năng sản xuất mộc dân dụng. Suốt một thời gian dài, cơ sở này không có các biện pháp bảo vệ môi trường, thường xuyên xả bụi, phát tán mùi hôi, tiếng ồn sang các nhà xung quanh, khiến những người sống tại đây mắc phải các chứng bệnh về hô hấp, đau đầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của các cháu nhỏ.
Tương tự, cơ sở của ông T.T.C. (ở tổ 5, KP8, phường Long Bình) chỉ được phép mua bán tủ, bàn ghế, kệ gỗ…, nhưng vẫn sản xuất, chế biến gỗ. Mới đây, Đội Cảnh sát môi trường đã phát hiện cơ sở đang chế biến gỗ, sử dụng hóa chất để sơn, phát tán bụi, tiếng ồn nhưng không có biện pháp xử lý. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở có đông công nhân làm việc, hàng gỗ để ngổn ngang chắn hết lối đi, không có các trang, thiết bị về phòng cháy chữa cháy.
Phường Tân Biên là địa phương có cơ sở sản xuất, chế biến gỗ thuộc hàng nhiều nhất TP.Biên Hòa. Qua tìm hiểu thực tế của chúng tôi, phần lớn các cơ sở sản xuất ở đây ít quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Đa số hoạt động mang tính tự phát, “mạnh ai nấy làm”; nhiều cơ sở sản xuất quy mô nhưng không có cam kết và thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường.
* Người dân xung quanh bức xúc
Bức xúc trước hoạt động gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở mộc, nhiều hộ dân đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng nhờ xử lý. Nhưng có thể do việc xử lý chưa triệt để của các cơ quan chức năng nên hoạt động gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở mộc vẫn diễn ra, khiến người dân xung quanh càng bức xúc.
Chị Nguyễn Thị Lan, nhà ở cạnh cơ sở sản xuất mộc dân dụng của ông K. cho biết, mỗi lần cơ sở mộc của ông K. xịt sơn PU, gia đình chị đều phải ở trong nhà đóng kín cửa, đeo khẩu trang…, nhưng vẫn ngửi mùi hôi. Do tiếp xúc với mùi hóa chất này nên chị thường xuyên bị đau đầu, nghẹt thở. Chịu không nổi, có lần chị qua gặp chủ cơ sở này nhắc nhở việc chú ý bảo vệ môi trường thì bị phản ứng lại: “Mùi như thế này có gì mà la lối, bên nhà tôi còn sống được…”.
Khu phố và nhiều hộ dân đã đến nhà ông K. vận động chủ cơ sở khắc phục ô nhiễm nhưng vẫn chưa có chuyển biến. Ông Trần Văn Chức, Trưởng KP3, phường Long Bình, bức xúc cho biết: “Cơ sở này gây ô nhiễm, hàng xóm đã phản ảnh và khu phố đã tổ chức hòa giải, nhắc nhở và cơ quan chức năng của phường cũng đã xử lý, nhưng cơ sở vẫn không có biện pháp khắc phục”.
Từ ngày cơ sở ông K. gây ô nhiễm, tình làng nghĩa xóm bị sứt mẻ. Các hộ dân xung quanh đã gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng, nhưng việc giải quyết không được như mong đợi. Không còn cách nào khác, họ phải tự tìm cách để bảo vệ gia đình mình bằng cách đóng kín cửa, đeo khẩu trang... Tuy nhiên, mùi hôi từ sơn PU vẫn bủa vây họ.
Tương tự, chị Vũ Thị Thanh Thúy (ngụ ở tổ 12, KP4, phường Tân Biên) đã nhiều năm phải hứng chịu sự ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất mộc dân dụng xung quanh nhà. Chỉ tay về phía đứa con trai, chị Thúy cho biết, do bị ảnh hưởng ô nhiễm từ các cơ sở mộc xung quanh mà cháu thường xuyên bị đau yếu, phải thuốc thang liên tục; cháu 17 tuổi nhưng nặng chưa tới 40kg. Chị cho biết, thường xuyên phải nghe tiếng máy cưa, xẻ ình ịch và chịu đựng mùi sơn PU từ nhiều năm nay, góp ý không được chị đã làm đơn tố cáo. Bị chủ cơ sở phản ứng, nhưng chị vẫn bỏ ngoài tai, vì chị nghĩ mình làm vậy cũng chỉ vì mong muốn gia đình, hàng xóm, con cái được khỏe mạnh.
Ngoài các cơ sở mộc dân dụng, chế biến lâm sản được cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện vi phạm quy định bảo vệ môi trường, trên thực tế vẫn còn rất nhiều cơ sở sản xuất, gia công chế biến lâm sản nằm xen kẽ trong các khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, gây bất bình trong nhân dân, dẫn đến khiếu kiện phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự chung.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở chế biến lâm sản, mộc dân dụng, Đại úy Nguyễn Tấn Long, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát môi trường Công an TP.Biên Hòa cho biết, sẽ tham mưu cho lãnh đạo Công an TP.Biên Hòa kiến nghị với cấp trên sớm có quy hoạch các khu làng nghề tập trung, có chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở vào đó để hoạt động đúng pháp luật về bảo vệ môi trường; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và thường xuyên kiểm tra xử lý các cơ sở vi phạm.
Trong khi chờ các cơ quan có giải pháp khắc phục thực trạng ô nhiễm môi trường, các chủ cơ sở cần có trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho chính gia đình mình và cộng đồng.
Nhuệ Văn