Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng trách nhiệm, giảm tai nạn giao thông

09:01, 06/01/2013

“Nâng cao trách nhiệm người thực thi công vụ và ý thức của người tham gia giao thông” là chủ đề của “Năm An toàn giao thông 2013”, vừa được Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đề ra tại buổi họp trực tuyến tổng kết “Năm ATGT 2012” vào ngày 3-1.

“Nâng cao trách nhiệm người thực thi công vụ và ý thức của người tham gia giao thông” là chủ đề của “Năm An toàn giao thông 2013”, vừa được Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đề ra tại buổi họp trực tuyến tổng kết “Năm ATGT 2012” vào ngày 3-1.

Qua triển khai thực hiện “Năm ATGT 2012”, các bộ, ngành và địa phương trong cả nước đã có nhiều nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) theo tinh thần chỉ đạo tại các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Kết quả, hầu hết các địa phương đều kéo giảm được TNGT ở cả 3 mặt, về số vụ, số người chết và số người bị thương. Kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn ở toàn quốc, cũng như ở Đồng Nai cho thấy, việc nâng cao trách nhiệm của lực lượng tuần tra kiểm soát (TTKS) và nâng cao ý thức của người đi đường có ý nghĩa quyết định trong việc kéo giảm TNGT.

* Giảm tai nạn, nhưng còn nhiều người chết

Trong năm 2012, cả nước đã kéo giảm được gần 17% số vụ, trên 14% số người chết và trên 20% người bị thương do TNGT. Tuy giảm, nhưng đã có 9.838 người chết, hơn 38 ngàn người bị thương trong 36.376 vụ TNGT xảy ra khắp cả nước.

Người thi hành công vụ nâng cao tinh thần trách nhiệm bằng tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý người vi phạm để nâng cao ý thức người tham gia giao thông.
Người thi hành công vụ nâng cao tinh thần trách nhiệm bằng tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý người vi phạm để nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Ở Đồng Nai, từ ngày 1-1 đến ngày 31-12-2012, đã giảm được 4,4% số vụ, giảm 2,2% số người chết và 9,4% người bị thương do TNGT (so với năm 2011). Dù TNGT giảm, nhưng cũng có đến 354 người chết, 928 người bị thương trong 771 vụ TNGT xảy ra trên toàn tỉnh. Điều này cho thấy, vẫn còn hàng trăm, hàng ngàn người ra đi vĩnh viễn vì TNGT ở Đồng Nai, cũng như trong cả nước. Hậu quả đau lòng từ TNGT kéo theo hàng chục ngàn gia đình lâm vào cảnh đau thương, ly tán…, dù đang sống trong thời bình.

Ở góc nhìn quốc gia, có những TNGT thảm khốc do ý thức người đi đường (chủ yếu là người điều khiển phương tiện) quá kém. Như vụ tai nạn xe khách rơi khỏi cầu Sêrêpôk (tỉnh Đắk Lắk) vào tháng 5-2012 đã làm chết 37 người. Phát biểu trên VTCnews, ông Lê Xuân Biểu, Giám đốc Sở Giao thông - vận tải (GTVT) tỉnh Đắk Lắk cho biết, xe khách bị nạn chỉ được chở 47 người, nhưng lại nhồi nhét đến 57 hành khách. Theo dữ liệu lưu trữ trong “hộp đen” lúc xảy ra tai nạn, xe khách chạy tốc độ khoảng 74 km/h. Trong khi nơi xảy ra tai nạn là khu đông dân cư, tốc độ ô tô chỉ được phép chạy khoảng 40-50 km/h.

Trong hàng chục vụ TNGT thảm khốc khác xảy ra trong năm 2012 trên toàn quốc, hầu hết đều do các tài xế xe khách, xe tải phóng nhanh, vượt ẩu. Ở Đồng Nai, trong năm 2012, tuy không còn xảy ra TNGT chết hàng chục người/vụ, nhưng vào tháng 4 đã có một vụ TNGT thảm khốc xảy ra ở huyện Xuân Lộc, làm chết 3 người. Nguyên nhân do tài xế chạy từ tỉnh Đồng Tháp đến đây ngủ gục, để xe lao sang trái gây tai nạn, làm chết chính mình và hai hành khách. Đến tháng 10-2012, trên địa bàn huyện Xuân Lộc lại xảy ra tai nạn thảm khốc làm chết 1 phụ nữ và 2 trẻ em. Nguyên nhân do tài xế xe tải chạy từ tỉnh Bình Dương về đến đây ngủ gục và gây tai nạn. Điều đó cho thấy ý thức người đi đường, nhất là người điều khiển phương tiện góp phần rất lớn trong việc để xảy ra, hoặc không xảy ra TNGT.

5 tháng đầu năm 2012, TNGT ở Đồng Nai gia tăng cao khiến UBND tỉnh phải tổ chức họp bất thường, chứ không đợi đến sơ kết 6 tháng như hàng năm. Tại cuộc họp này, Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng ban ATGT tỉnh Đinh Quốc Thái đã đánh giá tình hình TNGT gia tăng đáng sợ. Chỉ trong 5 tháng đã xảy ra 496 vụ, làm chết 226 người, bị thương 611 người. So với cùng kỳ năm 2011, tăng 109 vụ, tăng 58 người chết, tăng 120 người bị thương. So với bình quân của năm 2011 chỉ có hơn 300 người chết/năm do TNGT, thì đây quả là con số đáng sợ.

Thống kê cũng cho thấy, các địa phương nào có kết quả xử phạt vi phạm Luật Giao thông giảm thì TNGT và người chết gia tăng. Như ở huyện Định Quán, giảm xử phạt 61% thì TNGT tăng trên 42%; TP.Biên Hòa tăng gần 88%; Tân Phú giảm xử phạt 21%, tăng 320%... (những địa bàn này có số người chết tăng cao từ 4-29 người/huyện). Điều này cho thấy, trách nhiệm của người thực thi công vụ có ý nghĩa rất lớn trong việc kéo giảm TNGT. Thực tế sau đó, UBND tỉnh và Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác TTKS thì tai nạn được kéo giảm dần cho đến cuối năm. Và tình hình TNGT cả năm 2012 ở Đồng Nai đã giảm ở 3 mặt như đã nêu.

* Để đảm bảo an toàn giao thông trong năm 2013

Có thể nói, nhiệm vụ kéo giảm TNGT là trách nhiệm của toàn xã hội. Tháng 9-2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Chỉ thị số 18-CT/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT. Trước đó, Quốc hội và Chính phủ cũng có nghị quyết về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT…

Để kéo giảm TNGT trong năm mới 2013, tại hội nghị trực tuyến ATGT toàn quốc, Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các Bộ: GT-VT, Công an, Giáo dục - đào tạo và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục tuyên truyền, triển khai những giải pháp, mô hình đem lại hiệu quả cao bảo đảm ATGT. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, gương mẫu của lực lượng thi hành công vụ. Nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng. Các tỉnh, thành phải phấn đấu tiếp tục kéo giảm từ 5-10% TNGT ở cả 3 mặt số vụ, số người chết, số người bị thương.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, kéo giảm hàng ngàn người chết vì TNGT có nghĩa là đem lại hạnh phúc cho nhiều ngàn gia đình, nhiều ngàn người khác trong xã hội. Nếu trong dịp lễ, tết sắp tới, các ngành, các cấp kéo giảm được nhiều người chết, bị thương vì TNGT là giảm được nhiều tang thương trong xã hội. Phó thủ tướng nhắc nhở, chỉ trong 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch mà cả nước có đến 164 vụ TNGT, làm chết 131 người là điều quá đau lòng. Ông cho rằng, nguy cơ tiềm ẩn của TNGT còn rất lớn. Nếu mọi người, các ngành, các cấp lơ là, mất cảnh giác với việc bảo đảm ATGT sẽ phải trả giá cao. Qua đó, Phó thủ tướng chỉ đạo, Bộ Thông tin - truyền thông cần chỉ đạo tăng cường thời lượng thông tin tuyên truyền về ATGT, đổi mới phương pháp tuyên truyền. Ủy ban MTTQ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Tổng liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ... chỉ đạo thực hiện phong trào toàn dân bảo đảm ATGT, thực hiện đến tận các khu dân cư…

Đối với tỉnh Đồng Nai, trong hội nghị này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cũng đã nêu lên các giải pháp để kéo giảm TNGT. Cụ thể như, để nâng cao trách nhiệm người thi hành công vụ, trong đánh giá thi đua của năm 2012, tỉnh không đưa vào khen thưởng các địa phương, ngành có vi phạm trong công tác bảo đảm ATGT. UBND tỉnh luôn chỉ đạo thực hiện công tác TTKS chú trọng vào các đoạn, tuyến đường, thời điểm có tỷ lệ xảy ra TNGT cao; chú trọng kiểm tra, xử lý xe khách, xe tải, là đối tượng dễ gây ra TNGT thảm khốc. Năm 2013, tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện chỉ thị cấm lạm dụng rượu, bia trong cán bộ, công chức và tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn trên các tuyến đường giao thông…

Thanh Toàn

 

 

 

Tin xem nhiều