Từ những tình huống đơn giản, những mâu thuẫn nhỏ nhặt, nhưng nhiều người đã lựa chọn việc giải quyết sự việc bằng nắm đấm, bằng hung khí thay cho lời nói. Hậu quả của lối hành xử bằng bạo lực thường khiến người bị thương tật (thậm chí tử vong), kẻ phải vào tù.
Từ những tình huống đơn giản, những mâu thuẫn nhỏ nhặt, nhưng nhiều người đã lựa chọn việc giải quyết sự việc bằng nắm đấm, bằng hung khí thay cho lời nói. Hậu quả của lối hành xử bằng bạo lực thường khiến người bị thương tật (thậm chí tử vong), kẻ phải vào tù.
* “Xử” nhau sau cuộc nhậu
Thực tế trong xã hội có nhiều vụ đâm chém, đánh nhau gây thương tích có liên quan đến rượu, bia. Sau những cuộc nhậu, có thể chỉ vì câu nói mất lòng, một hành động không vừa ý, hay một cái nhìn thiếu thiện cảm giữa những người bạn, những kẻ gặp nhau lần đầu, thậm chí giữa những người chưa hề quen biết, đều có thể xảy ra xích mích, dẫn đến ẩu đả, đâm chém nhau.
Chỉ vì cãi nhau lúc đi xe, Trần Văn Trường, nhân viên xe buýt tuyến số 11, đã dùng dao đâm thủng bụng hành khách. |
Như vụ việc xảy ra tại xã Tam Phước (TP.Biên Hòa) làm anh Lê Văn Đen (24 tuổi, quê ở tỉnh Cà Mau) phải nhập viện cấp cứu vào tháng 7-2012. Tối 20-7, sau khi uống rượu, Nguyễn Trạch Tuân (19 tuổi), Chu Văn Giang (18 tuổi), cùng quê ở tỉnh Nghệ An, cùng đối tượng tên Kiên (chưa rõ lai lịch) chở 3 bằng xe máy đi qua khu chợ Tín Nghĩa (xã Tam Phước). Do đường đông người nên xe của nhóm Tuân va quẹt với xe đạp của anh Đen. Chỉ có vậy, nhưng cả 3 hùng hổ xông vào đánh đập anh Đen đến mức mọi người phải đưa đi cấp cứu. Sau khi gây án, cả 3 định bỏ trốn, nhưng người dân địa phương đã kịp thời bắt Tuân và Giang giao công an xử lý.
Rạng sáng 19-9, trước một quán nhậu trên đường Võ Thị Sáu (thuộc địa bàn phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa), do mâu thuẫn trong lúc ăn nhậu, các anh: Hồ Công Viễn (25 tuổi, ngụ phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa), Nguyễn Văn Trận (47 tuổi) và Hồ Văn Mỹ (44 tuổi), đều ngụ ở phường Bửu Long (TP.Biên Hòa), đã bị một nhóm thanh niên dùng vỏ chai bia đập vỡ đâm vào người gây thương tích nặng.
* Giải quyết mâu thuẫn bằng… dao
Để giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống, thay vì dùng lời nói, nhiều đối tượng lại thích lựa chọn nắm đấm, hung khí để giải quyết.
Trong lúc đang ngồi chơi ở KP3, phường An Bình (TP.Biên Hòa), Nguyễn Viết Lãm (17 tuổi, quê ở tỉnh Bạc Liêu) thấy Hồ Văn Chính và Huỳnh Minh Hòa (quê ở tỉnh Khánh Hòa) đi qua nên buột miệng hỏi Chính: “Khuya rồi, sao chưa về ngủ?”. Đang bận nghe điện thoại nên Chính không trả lời. Cho rằng Chính coi thường mình, Lãm đã gây gổ với Chính và Hòa dẫn đến đánh nhau. Trong lúc giằng co, Lãm lấy dao bấm trong người ra đâm 2 nhát vào người Hòa gây thương tích.
Đang cần số điện thoại của người quen, Hoàng Thái Hưng (ngụ tại phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) đã gọi điện cho bạn là Nguyễn Tuấn Anh hỏi xin số. Do sóng điện thoại không nghe rõ nên Tuấn Anh không trả lời Hưng. Gặp nhau ít phút sau đó, Tuấn Anh hỏi Hưng gọi điện có việc gì, thì Hưng gắt gỏng: “Không cho số thì cút mẹ mày đi”, khiến hai bên cãi nhau. Sau đó, Hưng chạy đi lấy mã tấu quay lại chém Tuấn Anh bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu. Một số người bạn của Tuấn Anh có mặt hiện trường cũng bị Hưng chém bị thương.
Năm 2012, trên địa bàn tỉnh xảy ra 317 vụ cố ý gây thương tích (tăng 174 vụ so với năm 2011). Đáng chú ý, tính chất, mức độ phạm tội cố ý gây thương tích ngày càng nghiêm trọng, nhiều vụ dẫn đến chết người, một số vụ có tính chất đâm thuê chém mướn hoặc thanh toán lẫn nhau. Các vụ cố ý gây thương tích có nhiều đối tượng tham gia cũng xảy ra nhiều hơn và có nhiều vụ kẻ gây án ở độ tuổi thanh thiếu niên. |
Thống kê của cơ quan công an cho thấy, tình hình tội phạm cố ý gây thương tích thời gian gần đây đang gia tăng, gây không ít bức xúc cho người dân. Theo một cán bộ điều tra Công an TP.Biên Hòa, phần lớn các vụ đâm chém, thanh toán nhau của các đối tượng đều xảy ra tại các điểm vui chơi, giải trí thiếu lành mạnh. Tại các quán nhậu, quán karaoke và các khu phòng trọ thường tổ chức ăn nhậu cũng rất dễ xảy ra đâm chém nhau. Chỉ riêng tại địa bàn TP.Biên Hòa, trong năm 2012, đã xảy ra 143 vụ cố ý gây thương tích (tăng 58 vụ so với năm 2011).
Để góp phần làm giảm tội phạm cố ý gây thương tích, không chỉ lực lượng công an nỗ lực trong công tác đấu tranh phòng ngừa, mà các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương cũng cần có cơ chế quản lý chặt công tác nhân hộ khẩu, các điểm vui chơi, giải trí thiếu lành mạnh. Gia đình và xã hội cũng phải giáo dục, khuyến khích mọi người hành xử với nhau có văn hóa, bằng tình người. Có như vậy, các loại tội phạm mới có thể được kiềm chế, đặc biệt là tội phạm cố ý gây thương tích.
Trần Danh