Báo Đồng Nai điện tử
En

Vướng mắc trong thực thi Bộ luật Hình sự

08:11, 15/11/2012

Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến đời sống xã hội. Tuy nhiên, quá trình thực thi các điều khoản trong BLHS cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, gây vướng mắc cho các cơ quan tố tụng trong việc áp dụng, giải quyết các vụ việc liên quan đến nội dung bộ luật ban hành.

Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến đời sống xã hội. Tuy nhiên, quá trình thực thi các điều khoản trong BLHS cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, gây vướng mắc cho các cơ quan tố tụng trong việc áp dụng, giải quyết các vụ việc liên quan đến nội dung bộ luật ban hành.

* Nhiều quy định dễ bỏ lọt tội phạm

Mới đây, đoàn khảo sát của Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với các cơ quan tư pháp tỉnh Đồng Nai về tình hình thực hiện BLHS trong thời gian qua. Qua khảo sát cho thấy, một số điều khoản quy định trong BLHS còn nhiều sơ hở, rất dễ để lọt tội phạm trong quá trình điều tra, xử lý các vụ án.

Đối với hành vi cố ý gây thương tích được quy định tại điều 104 (BLHS) là một ví dụ. Tại khoản 1, điều 104 quy định: “Người nào cố ý gây thương tích, hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%, hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”… Như vậy, theo quy định trên, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cố ý gây thương tích, cơ quan điều tra phải chờ kết quả giám định thương tật của cơ quan pháp y mới có cơ sở pháp lý.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó giám đốc Công an tỉnh, để có kết quả giám định thương tật của bị hại, cơ quan điều tra phải mất một khoảng thời gian dài. Trong thời gian này, tội phạm có thể bỏ trốn, hoặc tìm cách đối phó trước khi cơ quan công an ra quyết định bắt giữ. Cũng theo Đại tá Kim, để khởi tố đối với loại tội phạm này, phải có yêu cầu của phía bị hại, trên cơ sở đó cơ quan điều tra mới ra quyết định. Trên thực tế, nhiều vụ cố ý gây thương tích (ở khoản 1, gây thương tích nhẹ) giữa nạn nhân và người gây án đã có sự thương lượng, dàn xếp (thậm chí có sự ép buộc) để phía bị hại không yêu cầu khởi tố. Chính vì những bất cập này mà nhiều trường hợp, mặc dù hành vi đã rõ ràng, đã đủ cơ sở cấu thành tội phạm, nhưng những ràng buộc bởi các chế định đó đã “cản đường”, dẫn đến khó xử lý cho cơ quan điều tra.

Ngoài ra, theo đại diện của một số cơ quan pháp luật, đã có nhiều hành vi gây nguy hiểm cho xã hội ở các lĩnh vực khác nhau, nhưng BLHS vẫn chưa có những quy định cụ thể để xử lý đối với các loại tội phạm này. Trong đó, các hành vi, như: cung cấp thông tin không có thật cho cơ quan có thẩm quyền; các hành vi về sở hữu trí tuệ; hành vi buôn người với mục đích bóc lột sức lao động; lạm dụng lao động trẻ em; hành vi đe dọa đặt bom, mìn; bảo kê; đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen,… đang có chiều hướng gia tăng trong xã hội hiện nay. Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm về các hoạt động trong việc đầu tư tài chính, chuyển tiền, thanh toán, bảo lãnh hoặc các hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội,… chưa được BLHS điều chỉnh. Đây chính là những lỗ hổng lớn cần phải được hoàn thiện, bổ sung thêm các quy định để không bỏ lọt tội phạm.

* Những vướng mắc do các quy định của luật

Theo ông Phan Văn Thắng, Trưởng phòng Kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án kinh tế chức vụ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, trong các quy định về các loại tội danh được nêu trong BLHS có nhiều điều khoản nhắc đến các khái niệm mà khi được áp dụng vào thực tế, người thực thi đã gặp khó khăn, bởi các từ ngữ còn mang tính khái quát. Cụ thể, tại khoản 3, điều 8 của BLHS quy định về khái niệm tội phạm, như: “Tội phạm ít nghiêm trọng”, “Tội phạm nghiêm trọng”, “Tội phạm rất nghiêm trọng” và “Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Đi kèm với những loại tội phạm đó là các mức hình phạt từ 3 năm tù đến cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, ông Thắng cũng phân tích, trong những điều khoản cụ thể của từng tội danh, việc xác định các mức độ như thế nào là ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng,… thì BLHS lại chưa chỉ ra cụ thể. Chính vì vậy, trong quá trình thực thi các nội dung của BLHS, người thi hành rất khó khăn trong việc xác định tính chất của sự việc khi gặp phải các khái niệm trên.

Đối với một số tội danh có quy định về định lượng tài sản, như: tội trộm cắp tài sản nếu giá trị tài sản chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng thì không bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, đối với tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được quy định tại điều 250 BLHS lại không có quy định về định lượng tài sản, nên người nào tiêu thụ tài sản trộm cắp dù chỉ vài trăm ngàn đồng cũng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây chính là những bất cập khiến các cơ quan áp dụng luật cũng cảm thấy lúng túng trong việc xử lý.

Ngoài ra, trường hợp quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điều 46 BLHS cũng khiến nhiều người băn khoăn, bởi trong điều luật này không đưa ra khái niệm, mà chỉ liệt kê các tình tiết giảm nhẹ. Điều này khiến việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ có thể thực hiện một cách tùy tiện, dẫn đến không có sự bình đẳng giữa những người phạm tội.

Trần Danh

 

 

Tin xem nhiều