Báo Đồng Nai điện tử
En

Thực hiện Nghị định 71: Không xử phạt người đi xe mượn

09:11, 13/11/2012

Đó là khẳng định của Thượng tá Dương Thanh Hải, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ và đường sắt khi trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai xung quanh việc áp dụng thực hiện Nghị định 71/CP (sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định 34/CP) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Đó là khẳng định của Thượng tá Dương Thanh Hải, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ và đường sắt khi trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai xung quanh việc áp dụng thực hiện Nghị định 71/CP (sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định 34/CP) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

* Bất chấp quy định vì thủ tục hành chính

Trong những ngày đầu áp dụng Nghị định 71 (NĐ71) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (từ ngày 10-11), đã có nhiều người dân quan tâm về việc tăng mức phạt (so với NĐ34) cho một số lỗi vi phạm giao thông, cũng như việc xử lý trường hợp xe không chính chủ.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa kiểm tra, xử phạt người vi phạm giao thông theo Nghị định 71 trong ngày 12-11.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa kiểm tra, xử phạt người vi phạm giao thông theo Nghị định 71 trong ngày 12-11.

Trên địa bàn Đồng Nai, nhiều người dân tham gia giao thông khi được hỏi về các quy định mới (NĐ71) đều cho biết, họ rất hoan nghênh việc áp dụng NĐ71 trong việc xử phạt để giảm thiểu tình hình vi phạm giao thông, qua đó giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng như hiện nay. Tuy nhiên, cũng có ý kiến tỏ vẻ băn khoăn về việc áp dụng các mức phạt cao sẽ khiến nhiều người dân gặp khó khăn.

Đối với vấn đề xe chưa sang tên khi thay đổi chủ, theo đa số người dân lao động nghèo, việc sang tên chiếc xe mà họ mua là chuyện ít thấy. Anh Nguyễn Văn Phước (ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, tháng trước anh có mua lại chiếc xe máy của một người bạn làm cùng công ty với giá 4,5 triệu đồng, nhưng không làm thủ tục sang tên. Sau khi mua xe, anh giữ giấy đăng ký xe mang tên của người bạn để đi làm. Với quy định mới, nếu có vi phạm gì thì xe anh sẽ bị xử phạt cả triệu đồng, khiến anh rất lo lắng. Không chỉ anh Phước, nhiều người dân tiếp xúc với phóng viên cho biết, việc họ mua xe nhưng không làm thủ tục sang tên khá nhiều. Hầu hết người dân đều cho rằng, việc đóng phí để làm thủ tục sang tên không đáng ngại, nhưng họ ngại phải làm các thủ tục hành chính mất thời gian cho chiếc xe máy có giá trị không cao.

Nói về vấn đề này, Thượng tá Hải cho biết, tình trạng người dân mua bán xe có giá trị thấp không làm thủ tục sang tên rất phổ biến. Hiện tại, khi phát hiện xe có dấu hiệu nghi vấn hoặc vi phạm nghiêm trọng, lực lượng công an làm nhiệm vụ mới tiến hành truy nguyên nguồn gốc xe để xử lý. Lực lượng công an yêu cầu người dân cần chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về việc sang tên khi mua bán xe để không làm mất quyền lợi của mình và làm khó cơ quan chức năng.

* Người dân cần phải hiểu cho đúng

Liên quan đến vấn đề xử phạt trong lĩnh vực giao thông quy định tại NĐ71, Thượng tá Hải cho biết, với những nội dung được quy định tại nghị định này, người dân cần hiểu cho đúng để tránh những hoang mang không đáng có. NĐ71 trên cơ sở sửa đổi, bổ sung điều 33 của NĐ34 có nêu: “Phạt tiền từ 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô tô vi phạm các hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định…”. Tương tự, đối với xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô nếu vi phạm, thì chủ xe sẽ bị phạt từ 6-10 triệu đồng.

Theo Thượng tá Hải, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) sẽ không xử phạt những trường hợp người nhà, bạn bè mượn xe của nhau, khách thuê xe để đi lại, nếu những người điều khiển phương tiện đó không vi phạm các quy định khi tham gia giao thông và xuất trình được giấy tờ đăng ký xe. Việc xác định giấy tờ liên quan đến chủ xe, theo Thượng tá Hải, trước mắt lực lượng CSGT Công an tỉnh sẽ kiểm tra giấy đăng ký để làm cơ sở xác định chủ xe. Tuy nhiên, đối với những trường hợp vi phạm các lỗi giao thông cần phải giữ phương tiện, CSGT sẽ dùng các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra nguồn gốc chiếc xe vi phạm. Trong trường hợp xe chưa sang tên, nếu quá thời hạn quy định thì ngoài việc xử lý về hành vi vi phạm giao thông, chủ xe cũng sẽ bị xử phạt hành chính thêm lỗi này.

Chiều 12-11, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết: Bộ Công an đã có Công điện số 141 hướng dẫn cụ thể các địa phương về việc xử lý đối với các phương tiện "không chính chủ". Trong đó, các trường hợp đã mua, bán xe (mô tô, ô tô) nhưng chưa sang tên, đổi chủ trong thời gian 30 ngày thì lực lượng Cảnh sát giao thông nên nhắc nhở người điều khiển phải đi đăng ký chính chủ, chứ không xử phạt. Để việc thu phí đảm bảo công bằng thì người dân nên sang tên, đổi chủ phương tiện để tránh việc người sử dụng phương tiện thì không phải đóng phí trong khi người đứng tên vẫn phải chịu trách nhiệm đóng phí duy tu bảo trì đường bộ...

Thượng tá Hải cũng cho biết, qua 3 ngày thực hiện NĐ71, lực lượng CSGT Công an tỉnh không lập biên bản trường hợp nào đi xe mượn. Tuy nhiên, khi phát hiện xe đi không đúng chủ, CSGT cũng nhắc nhở người dân cần tuân thủ các quy định của pháp luật về việc mang theo giấy tờ và chấp hành các quy định giao thông.

Việc áp dụng NĐ71 trong những ngày vừa qua, lực lượng CSGT tỉnh chưa gặp khó khăn gì. Tuy nhiên, việc nâng mức phạt lên cao hơn so với NĐ34  khiến nhiều trường hợp vi phạm có mức phạt từ 200 ngàn đồng trở lên đều phải đến trụ sở công an để làm thủ tục. Bởi theo quy định, cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ chỉ được ra quyết định xử phạt từ 200 ngàn đồng trở xuống.

Ghi nhận tại Phòng CSGT Công an tỉnh trong ngày 12-11 cho thấy, số lượng người dân vi phạm giao thông đến đây làm thủ tục đóng phạt đã tăng lên rõ rệt. Trong số đó, hầu hết các trường hợp đều vi phạm các lỗi có mức xử phạt cao.

Trần Danh

 

 

 

Tin xem nhiều