Báo Đồng Nai điện tử
En

Lập dự án lừa đảo, vợ chồng chủ doanh nghiệp lãnh án nặng

08:11, 12/11/2012

Sau nhiều lần hoãn phiên tòa (tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung và vì tình trạng sức khỏe của bị cáo), ngày 9-11, Tòa án nhân dân tỉnh tiếp tục đưa vợ chồng bị cáo Nguyễn Văn Tình (50 tuổi), Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Cây Cảnh - Nguyễn Thị Chí Sương (45 tuổi), Phó tổng giám đốc công ty ra xét xử hình sự sơ thẩm về các tội lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Sau nhiều lần hoãn phiên tòa (tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung và vì tình trạng sức khỏe của bị cáo), ngày 9-11, Tòa án nhân dân tỉnh tiếp tục đưa vợ chồng bị cáo Nguyễn Văn Tình (50 tuổi), Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Cây Cảnh - Nguyễn Thị Chí Sương (45 tuổi), Phó tổng giám đốc công ty ra xét xử hình sự sơ thẩm về các tội lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

* Nâng khống vốn điều lệ Công ty hàng trăm tỷ

Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2002-2010, Công ty Sài Gòn Cây Cảnh (trụ sở ở quận 2, TP.Hồ Chí Minh) đã 7 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tên gọi, các thành viên góp vốn để nâng vốn điều lệ ảo của công ty từ 4 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng.

Hai bị cáo Nguyễn Thị Chí Sương - Nguyễn Văn Tình tại phiên tòa xét xử ngày 9-11.
Hai bị cáo Nguyễn Thị Chí Sương - Nguyễn Văn Tình tại phiên tòa xét xử ngày 9-11.

Sau khi công ty được thành lập, Nguyễn Văn Tình lấy tư cách Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc công ty ký bổ nhiệm vợ mình làm phó giám đốc, kiêm kế toán trưởng, thủ quỹ. Năm 2004, vợ chồng Nguyễn Văn Tình mua 3 hécta đất tại ấp Long Đức 2, xã Tam Phước (huyện Long Thành) để lập vườn ươm, kinh doanh cây cảnh với số vốn thực có khoảng 2 tỷ đồng.

Quá trình kinh doanh vườn ươm, cây cảnh, vợ chồng ông Tình đã lập dự án đầu tư xây dựng khu dân cư tại xã Tam Phước và chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Cụ thể, dựa vào công văn chấp nhận thỏa thuận địa điểm của UBND tỉnh cho phép Công ty Sài Gòn Cây Cảnh được lập thủ tục đầu tư khu dân cư theo quy hoạch tại xã Tam Phước với diện tích 156,8 hécta, vợ chồng ông Tình đã lợi dụng tư cách pháp nhân của công ty để chiếm đoạt của ông L.Đ.T. và bà T.T.H.Y. (ngụ ở TP.Biên Hòa) trên 61 tỷ đồng. Ngoài ra, cả hai còn dùng thủ đoạn sử dụng người nước ngoài (với tư cách chuyên gia hàng đầu về đầu tư bất động sản) tổ chức nhiều hội thảo tại TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai, đồng thời quảng cáo dự án trên các phương tiện truyền thông để rao bán nền dự án.

* Hành vi lừa đảo

Sau khi có Quyết định số 4621/2009/QĐ-UBND tỉnh về việc “Phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án dân cư Tam Phước…”, ngày 20-2-2008, vợ chồng ông Tình đã ký hợp đồng với Công ty phát triển bất động sản Hoàng Linh (ở TP.Hồ Chí Minh, do ông Đinh Quốc Lực làm giám đốc) và giao cho công ty này làm “môi giới đại lý phân phối độc quyền” bán 350 nền đất thuộc dự án khu dân cư Tam Phước (trị giá 35 tỷ đồng). Đồng thời, lợi dụng Quyết định số 4027 của UBND tỉnh phê duyệt chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu dân cư Tam Phước, ông Tình chỉ đạo Đặng Đức Trung (thuộc cấp của Tình) ký hợp đồng với Công ty kinh doanh lĩnh vực bất động sản Nam Tiến (ở TP.Hồ Chí Minh) với thỏa thuận “Giao cho Công ty kinh doanh bất động sản Nam Tiến làm môi giới đại lý độc quyền bán nền đất thuộc dự án khu dân cư Tam Phước” để thu tiền khách hàng.

Với hành vi đó, vợ chồng Sương - Tình đã lừa 5 người với số tiền gần 10 tỷ đồng (dưới hình thức góp vốn cho dự án, nhưng thực chất là phân lô bán nền). Theo kết luận của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, trong số 157 hécta đất xây dựng khu dân cư Tam Phước được UBND tỉnh chấp thuận địa điểm đầu tư, có 10,2 hécta do vợ chồng Sương - Tình đứng tên quyền sử dụng đất.

Trong quá trình xét xử, vợ chồng bị cáo Tình vẫn không thừa nhận các hành vi lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như cáo trạng quy kết. Hai bị cáo cho rằng, họ là nhà đầu tư chân chính, là nạn nhân của ông T. (người tư vấn cho vợ chồng Tình lập dự án). Cả hai khẳng định việc họ phân lô bán nền là đúng quy định pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng đã hình sự hóa sự việc nên truy tố oan cho hai bị cáo.

Mặc dù vợ chồng bị cáo Tình không thừa nhận hành vi lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của nhiều người với tổng số tiền trên 66 tỷ đồng, nhưng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh vẫn đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Tình tổng mức hình phạt từ 28-30 năm tù, bị cáo Sương từ 18-20 năm tù về hai tội lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Sau khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và các chứng cứ có tại hồ sơ, diễn biến tại phiên tòa và lời bào chữa của luật sư, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Tình 27 năm tù, bị cáo Sương 15 năm tù giam.

Thành Nhân

 

 

Tin xem nhiều