Rời vòng tay cha mẹ, xa vùng đất miền Tây hiền hòa với những người nông dân chất phác để bắt đầu “lăn lộn” với xã hội, những thanh niên còn non nớt đã không ngờ trường học đầu đời dạy họ cách sống, cách làm người lại là nơi trại giam.
Rời vòng tay cha mẹ, xa vùng đất miền Tây hiền hòa với những người nông dân chất phác để bắt đầu “lăn lộn” với xã hội, những thanh niên còn non nớt đã không ngờ trường học đầu đời dạy họ cách sống, cách làm người lại là nơi trại giam.
Ngày 4-6, trong lúc đang uống cà phê, Nguyễn Tấn Tạo (17 tuổi, quê ở tỉnh Cà Mau) bỗng nổi hứng rủ Phạm La Ngà (19 tuổi, ngụ ở huyện Định Quán), Phạm Văn Bích (21 tuổi, quê ở tỉnh Bình Thuận), Trần Vũ Em (18 tuổi, quê ở tỉnh Kiên Giang), Lê Vũ Linh (17 tuổi) và Lâm Hoàng Phương (17 tuổi), cùng quê ở tỉnh Cà Mau, đi cướp tài sản để kiếm tiền tiêu xài.
* Đi cướp vì “nghĩa hiệp” với bạn
Cả bọn mang mã tấu đi vào con đường vắng tại xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) để tìm “con mồi” thì bắt gặp anh Loan Tiến Thiệu (ngụ ở huyện Trảng Bom) đang chạy xe máy hướng ra quốc lộ 1 nên đã khống chế, chiếm đoạt của anh Thiệu xe máy, điện thoại di động và 40 ngàn đồng. Hôm sau, Tạo đem chiếc điện thoại đi cầm được 200 ngàn đồng, rồi dùng số tiền này mua sơn về sơn lại chiếc xe cướp được để sử dụng.
Cùng chơi chung trong nhóm, khi nghe Võ Hoàng Ngoạn (20 tuổi, quê ở tỉnh Cà Mau) bảo đang cần tiền giải quyết việc riêng, tối 7-6, Tạo lại rủ Bích, Linh, Em, Ngoạn, Phương, Tý, Lợi (chưa rõ lai lịch) đi cướp tài sản để “giúp” bạn. Cả bọn vác mã tấu đến khu vực gần Công ty Kenda (xã Hố Nai 3) thì phát hiện anh Lê Văn Tú đang ngồi tâm sự với bạn gái, nên đã kề mã tấu khống chế cặp tình nhân chiếm đoạt chiếc xe máy và 900 ngàn đồng. Chiếc xe và số tiền cướp được, Tạo đã giao cho Ngoạn giữ.
Qua điều tra truy xét, Công an huyện Trảng Bom đã ra lệnh bắt khẩn cấp Tạo, Bích, Ngà, Linh, Phương, Em. Riêng Ngoạn trước khi bỏ trốn đã giao chiếc xe máy cho anh trai nhờ giao nộp cho cơ quan công an.
Với những hành vi trên, tại phiên tòa xét xử lưu động ở xã Hố Nai 3 ngày 28-10, Tòa án nhân dân huyện Trảng Bom đã tuyên phạt Tạo 7 năm tù, Ngà 7 năm tù, Bích 8 năm tù, Em 7 năm 6 tháng tù, Linh 6 năm tù, Phương 5 năm tù.
* Hệ lụy của sự thiếu hiểu biết
Ngồi hàng ghế dài phía sau lưng các bị cáo, những người thân của họ lòng như quặn thắt. Mỗi lần vị chủ tọa gọi đến tên cha mẹ của bị cáo nào, họ lại khúm núm đứng dậy, kèm theo những dòng nước mắt lưng tròng thương cho sự “dại dột” của con trẻ. Những người đến dự khán phiên tòa thì lại miên man trong những dòng suy nghĩ, rồi chậc lưỡi bảo: “Tụi nhỏ bây giờ càng lúc càng hư hỏng”.
Cuộc đời bị cáo Tạo từ nay lật sang trang mới khi cái tuổi đang ở độ đẹp nhất của đời người. Phải chăng, vì người cha mải đi làm ăn xa để kiếm tiền trả nợ; chuyện cơm - áo - gạo - tiền hàng ngày đè nặng trên đôi vai của mẹ khiến họ thiếu đi sự quan tâm dạy dỗ đứa con trai lớn. Để rồi, khi ngồi trước tòa, dù có mạnh mẽ đến đâu, cha mẹ Tạo vẫn không khỏi rớt nước mắt vì thương con và vì giận sự bất lực của chính mình.
Nhìn khuôn mặt khắc khổ điểm đầy nếp nhăn với những giọt nước mắt lăn dài trên gò má xương xẩu của mẹ Linh, mọi người lại thấy thương cảm. Lấy lý do “làm cho vui”, Linh theo bạn bè đi cướp. Mới học lớp 3, Linh đã phải nghỉ học để cùng mẹ “mò sông, lần rạch” để bắt từng con tôm, con tép nơi miền Tây sông nước phụ giúp gia đình và lo cho người cha bị bệnh. Khi vừa lớn, chưa kịp cho cha mẹ thấy sự trưởng thành của mình, Linh đã phải vào tù. Bị cáo có xót xa không, khi nghe từng lời nói trong tiếng nấc của mẹ: “Xin hãy tha thứ cho tôi và con tôi…”.
Đập vào mắt người tham dự phiên tòa là hình ảnh cụ bà hơn 80 tuổi, lưng khòm sát đất đi cùng với mẹ của bị cáo Phương. Xách cái giỏ nhựa chứa đầy nước ngọt, bánh trái với hy vọng đứa cháu trai được ăn. Nhưng vì mải thăm hỏi cháu sau thời gian dài không gặp mặt, bà và con gái vẫn còn giữ lại chiếc giỏ đầy khi chiếc xe bít bùng chở phạm nhân đã đưa các bị cáo đi khỏi nơi xét xử...
Bích, Ngà và Em đứng trước vành móng ngựa mà lòng chất chứa đầy nỗi sợ hãi và sự hối hận. Chẳng biết, do không được học hành, hay vì hoàn cảnh gia đình, tác động xã hội đưa đẩy mà những bị cáo còn non nớt này nhanh chóng vào vòng lao lý.
Tố Tâm