Được sự tín nhiệm của người dân trong ấp, bà Nguyễn Thị Dinh (50 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ kiêm Tổ trưởng Tổ vay vốn ngân hàng ấp Quảng Phát, xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) đã chiếm đoạt cả trăm triệu đồng tiền trả nợ ngân hàng của nhiều hộ dân vay vốn. Vụ việc chỉ vỡ lở khi một số hộ dân bị ngân hàng đòi nợ, dù họ đã nhiều năm còng lưng gom tiền trả nợ ngân hàng.
Được sự tín nhiệm của người dân trong ấp, bà Nguyễn Thị Dinh (50 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ kiêm Tổ trưởng Tổ vay vốn ngân hàng ấp Quảng Phát, xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) đã chiếm đoạt cả trăm triệu đồng tiền trả nợ ngân hàng của nhiều hộ dân vay vốn. Vụ việc chỉ vỡ lở khi một số hộ dân bị ngân hàng đòi nợ, dù họ đã nhiều năm còng lưng gom tiền trả nợ ngân hàng.
* Lợi dụng lòng tin của dân nghèo
Là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp nên bà Nguyễn Thị Dinh được nhiều người dân trong ấp tin tưởng. Khi Ngân hàng Chính sách xã hội huyện có chương trình cho các hộ nghèo vay vốn, bà Dinh được chọn làm Tổ trưởng Tổ vay vốn. Theo đó, hàng tháng bà Dinh có nhiệm vụ thu tiền trả lãi từ các hộ vay trong ấp để mang nộp cho ngân hàng. Ngoài tiền lãi, nhiều hộ dân không có điều kiện trả gốc một lần cũng được phía ngân hàng tạo điều kiện cho góp dần theo kiểu “tiết kiệm” và bà Dinh kiêm luôn người thu số tiền này.
Chị Nguyễn Thị Thủy với cuốn sổ “nhật ký” trả nợ. |
Khi nhận tiền trả lãi lẫn nợ gốc “tiết kiệm” từ các hộ dân, bà Dinh đều ghi vào một cuốn sổ. Hàng tháng, hộ nào đóng tiền thì bà Dinh đánh dấu, ghi ngày tháng và ký tên vào cuối phần ghi đó. Như vậy, việc trả lãi và nợ gốc cho ngân hàng, các hộ dân trả trực tiếp cho bà Dinh, còn làm việc với phía ngân hàng là nhiệm vụ của bà Dinh. Thế nhưng, sau khi thu tiền từ các hộ dân, bà Dinh chỉ đóng một phần tiền lãi cho ngân hàng, còn khoản trả góp nợ gốc bà này âm thầm chiếm đoạt để tiêu xài cá nhân.
* Đẩy người nghèo vào bước đường cùng
Thuộc diện xóa đói, giảm nghèo nên năm 2006, gia đình chị Nguyễn Thị Thủy được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 10 triệu đồng để phát triển kinh tế. Biết hoàn cảnh mình khó có thể trả nợ gốc một lần nên mỗi tháng, ngoài tiền lãi (65 ngàn đồng/tháng), chị Thủy còn gom góp tiền để trả bớt khoản nợ gốc bằng hình thức “trả tiết kiệm”. Có bao nhiêu góp bấy nhiêu, mỗi tháng chị Thủy lại đều đặn mang tiền đến nhà bà Dinh để trả lãi và góp tiền gốc. Lần hồi nuôi 4 con ăn học bằng nghề lượm ve chai và làm thuê, vợ chồng chị Thủy cố dành dụm thêm chút đỉnh để trả bớt khoản nợ gốc cho ngân hàng. Thế nhưng, khi vợ chồng chị Thủy tưởng khoản nợ ngân hàng dần nhẹ trên đôi vai thì chị tá hỏa phát hiện khoản tiền góp bấy lâu của mình đã bị bà Dinh chiếm đoạt mà không đóng cho ngân hàng. Khoản nợ 10 triệu đồng mà chị Thủy vay đã hơn 3 năm vẫn còn nguyên đó, khi ngân hàng thông báo thanh toán để đáo hạn vay.
Tương tự, năm 2006, anh Nguyễn Văn Hòa (ngụ ấp Quảng Phát) lấy tên chủ hộ Nguyễn Thị Vi (83 tuổi, mẹ ruột anh Hòa) lập hồ sơ vay 10 triệu đồng. Do cuộc sống khó khăn nên anh cũng chọn cách trả tiết kiệm để giải quyết dần khoản nợ gốc ngân hàng. Hàng tháng, ngoài tiền lãi, anh Hòa góp thêm tiền trả nợ gốc ngân hàng thông qua bà Dinh. Sau hơn 3 năm góp, anh Hòa đã đóng được 6,5 triệu đồng tiền gốc. Thế nhưng, khi vụ việc vỡ lở, gia đình anh mới biết số tiền gom góp bấy lâu đều bị bà Dinh chiếm đoạt, khoản nợ ngân hàng 10 triệu đồng tưởng đã nhẹ gánh, giờ vẫn còn nguyên.
Bi đát hơn là hoàn cảnh của bà Trần Thị Chiến, ngụ ở xóm 9, ấp Quảng Phát. Cách đây 5 năm, gia đình bà Chiến vay 20 triệu đồng đồng tiền xóa đói giảm nghèo. Hàng tháng, bà vẫn đều đặn đóng tiền lãi cho ngân hàng thông qua bà Dinh. Gần đây, nghe bà Dinh gợi ý, nếu muốn vay tiền nhiều hơn (khoảng 30 triệu đồng) thì phải trả hết nợ, nên bà Chiến đã cố vay mượn tiền để trả nợ gốc. Sau khi đưa cho bà Dinh 20 triệu đồng trả nợ ngân hàng để đáo hạn, bà Chiến chờ mãi không thấy hồi âm. Đến khi làm việc với ngân hàng, bà Chiến mới biết khoản nợ 20 triệu đồng của mình vẫn chưa được thanh toán.
Ngoài hộ chị Thủy, anh Hòa, bà Chiến, còn có hàng chục hộ dân ở ấp Quảng Phát đã trả lãi, gốc cho ngân hàng thông qua bà Dinh, nhưng bị bà này chiếm đoạt. Bức xúc trước việc làm của bà Dinh, nhiều người đã làm đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng nhờ sớm làm rõ vụ việc để họ có thể lấy lại khoản tiền đã góp cho bà Dinh.
Liên quan đến vụ việc này, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Trảng Bom đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Trảng Bom đối với bà Nguyễn Thị Dinh để điều tra về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
T.Danh - T.Trà