Tại buổi họp trực tuyến an toàn giao thông (ATGT) toàn quốc ngày 25-6, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành đã đề xuất các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) hiệu quả ở địa phương mình. Các ý kiến này cần được ghi nhận để tìm giải pháp hữu hiệu hơn, nhằm kéo giảm TNGT ở Đồng Nai.
Tại buổi họp trực tuyến an toàn giao thông (ATGT) toàn quốc ngày 25-6, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành đã đề xuất các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) hiệu quả ở địa phương mình. Các ý kiến này cần được ghi nhận để tìm giải pháp hữu hiệu hơn, nhằm kéo giảm TNGT ở Đồng Nai.
* Quy rõ trách nhiệm
Để tăng cường các biện pháp kéo giảm TNGT ở địa phương mình, hầu hết các tỉnh, thành đều nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc để gia tăng TNGT. Theo quy định, Chủ tịch UBND các cấp đồng thời là Trưởng ban ATGT cấp đó. Vì vậy, việc quy trách nhiệm nhằm thúc đẩy các vị lãnh đạo tăng cường chỉ đạo các cấp, ngành trong việc bảo đảm ATGT.
Ý thức chấp hành Luật Giao thông còn kém ở một bộ phận người đi đường là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Trong ảnh: Những vi phạm của người lái xe tải ben, xe ba gác, mặc dù có lực lượng tuần tra, kiểm soát trên đường. (Ảnh chụp ngày 14-5, trên quốc lộ 20, thuộc địa bàn huyện Thống Nhất). |
Cũng quy trách nhiệm, nhưng lãnh đạo Công an tỉnh Tây Ninh làm rõ đến tận những người trực tiếp giữ gìn ATGT. Theo đó, Tây Ninh xác định các tuyến đường trọng điểm thường xảy ra TNGT và phân ra từng đoạn cụ thể. Các đoạn đường này được giao cho từng đơn vị cảnh sát giao thông (CSGT) chịu trách nhiệm tuần tra, kiểm soát (TTKS) kéo giảm TNGT. Nếu để xảy ra TNGT nghiêm trọng trên các tuyến này, CSGT có trách nhiệm TTKS trên tuyến sẽ bị hạ bậc thi đua. Nếu TNGT vẫn xảy ra trên các tuyến đó, Công an Tây Ninh sẽ áp dụng biện pháp mạnh là điều chuyển cán bộ, chiến sĩ ra khỏi ngành CSGT. Ngoài ra, nếu địa phương nào để gia tăng TNGT, lãnh đạo công an ở địa phương đó sẽ bị kiểm điểm, đồng thời CSGT chịu trách nhiệm TTKS trên các tuyến ở địa phương (cả quốc lộ) cũng bị kiểm điểm và áp dụng hình thức kỷ luật như đã nêu.
Biện pháp của Công an tỉnh Tây Ninh đã được Phó thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tại buổi họp.
Trách nhiệm bảo đảm ATGT là của toàn xã hội. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, vai trò giám sát của CSGT trên đường rất quan trọng, nhằm bảo đảm mọi người tham gia giao thông chấp hành luật. Để ai cũng phải nâng cao chấp hành luật khi đi đường, rất cần có sự giám sát hiệu quả của CSGT.
Hiện nay, CSGT đã được trang bị nhiều phương tiện kiểm tra, giám sát hiện đại, Bộ Công an cũng cho phép CSGT hóa trang để tăng cường hiệu quả khi làm nhiệm vụ. Do vậy, lực lượng CSGT có thể áp dụng nhiều biện pháp khi TTKS, để tạo cho người đi đường luôn cảm thấy có sự giám sát của CSGT. Chỉ có sự giám sát chặt chẽ mới góp phần tạo được sự tự giác của người tham gia giao thông, để họ chấp hành nghiêm pháp luật.
* Nâng cao ý thức
Theo thống kê, nguyên nhân dẫn đến TNGT do ý thức của người tham gia giao thông luôn chiếm tỷ lệ trên 90%. Cùng với việc nâng cao trách nhiệm giám sát của CSGT, lãnh đạo Ban ATGT các tỉnh cũng đề ra các giải pháp nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của người đi đường.
Tỉnh Nghệ An chỉ đạo cán bộ, công chức (CBCC) không được can thiệp vào việc xử lý của CSGT. Chỉ đạo này nhằm tránh tình trạng “xin xỏ” khi con em, người thân của CBCC vi phạm Luật Giao thông, tạo ra sự “nhờn luật” của những người đi đường có người thân là CBCC có vị thế.
Qua đóng góp của Đồng Nai, Phó thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Xuân Phúc mong muốn việc bảo đảm ATGT trên địa bàn tỉnh sẽ chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa. |
Lãnh đạo tỉnh An Giang cũng thể hiện quyết tâm trong việc giữ nghiêm kỷ cương chấp hành Luật Giao thông. Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định, tỉnh yêu cầu CBCC, đảng viên chấp hành nghiêm Luật Giao thông để làm gương. Nếu con cán bộ tỉnh, ban, ngành Trung ương (đóng ở địa phương) vi phạm giao thông cũng bị xử lý như mọi công dân khác. Tỉnh An Giang cũng đề ra biện pháp cấm CBCC uống rượu, bia trong giờ hành chính, trong giờ nghỉ trưa (Đồng Nai đã có Chỉ thị 11 của Chủ tịch UBND tỉnh, áp dụng cách nay nhiều năm) để hạn chế tình trạng người say rượu, bia tham gia giao thông. Kết quả của các biện pháp xử lý nghiêm đã giúp tỉnh An Giang thu tiền phạt vi phạm giao thông trong 6 tháng đầu năm 2012 đạt gấp đôi của cả năm 2011. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương các kết quả đạt được của tỉnh An Giang, ông đề nghị các tỉnh, thành trong cả nước thực hiện quy định hạn chế sử dụng rượu, bia như An Giang đã thực hiện.
Tại cuộc họp, đại diện tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Điệp, Giám đốc Sở Giao thông - vận tải, Phó trưởng ban thường trực Ban ATGT tỉnh báo cáo tình hình và đóng góp các giải pháp kéo giảm TNGT. Theo đó, tình hình TNGT ở Đồng Nai diễn biến phức tạp, kết quả xử phạt vi phạm giao thông 6 tháng đầu năm 2012 tăng, nhưng TNGT vẫn tăng. Đồng Nai đề ra các giải pháp, như: thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp kiềm chế TNGT; phân công cụ thể và quy rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, cá nhân, địa phương phụ trách ATGT; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đồng bộ là nâng cao công tác tuyên truyền, tăng cường TTKS, tập trung xử lý các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT; tập trung nguồn lực tài chính để giải quyết các “điểm đen” giao thông; tăng cường thực hiện Nghị quyết 88 của Chính phủ (về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT) ở cấp huyện; trang bị thêm nhiều thiết bị kiểm tra, giám sát cho lực lượng TTKS.
Thanh Toàn