Báo Đồng Nai điện tử
En

Thực hiện Năm An toàn giao thông 2012: Tai nạn vẫn không giảm

11:06, 04/06/2012

Sau 5 tháng thực hiện chương trình hành động “Năm An toàn giao thông 2012” ở Đồng Nai, tai nạn giao thông (TNGT) vẫn tăng ở cả 3 mặt: số vụ, số người chết và bị thương. Trong 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, chỉ có 3 địa phương giảm số người chết do TNGT, gồm: TX.Long Khánh và hai huyện Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu.

 

Sau 5 tháng thực hiện chương trình hành động “Năm An toàn giao thông 2012” ở Đồng Nai, tai nạn giao thông (TNGT) vẫn tăng ở cả 3 mặt: số vụ, số người chết và bị thương. Trong 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, chỉ có 3 địa phương giảm số người chết do TNGT, gồm: TX.Long Khánh và hai huyện Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu.

* Tai nạn giao thông tăng đáng sợ

TNGT trong 5 tháng đầu năm ở Đồng Nai tăng cao, khiến UBND tỉnh phải tổ chức họp bất thường mà không đợi đến sơ kết 6 tháng như mọi năm. Tại cuộc họp này, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Đinh Quốc Thái đã đánh giá tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh gia tăng đáng sợ. Chỉ trong 5 tháng đầu năm, Đồng Nai đã xảy ra 496 vụ TNGT, làm chết 226 người, bị thương 611 người. So với cùng kỳ năm 2011, TNGT tăng 109 vụ, tăng 58 người chết, tăng 120 người bị thương. So với bình quân các năm trước có khoảng 300 người chết/năm vì TNGT, đây quả là con số đáng sợ.

Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát là biện pháp hữu hiệu để kéo giảm tai nạn giao thông. Trong ảnh: Cảnh sát giao thông TP.Biên Hòa xử lý một trường hợp đậu xe không an toàn.
Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát là biện pháp hữu hiệu để kéo giảm tai nạn giao thông. Trong ảnh: Cảnh sát giao thông TP.Biên Hòa xử lý một trường hợp đậu xe không an toàn.

Thống kê cũng cho thấy, các địa phương có kết quả xử phạt vi phạm giao thông giảm thì số vụ TNGT và người chết do TNGT gia tăng. Cụ thể, huyện Định Quán giảm xử phạt giao thông 61%, tăng TNGT trên 42%; TP.Biên Hòa giảm xử phạt trên 21%, tăng TNGT gần 88%; huyện Tân Phú giảm xử phạt 21%, tăng TNGT 320%... (những địa bàn này có số người chết tăng cao từ 4-29 người/địa phương).

Huyện Tân Phú xảy ra 45 vụ, làm chết 21 người, tăng 16 người. Thượng tá Lê Xuân Nam, Phó trưởng công an huyện cho biết, TNGT ở huyện gia tăng là do địa bàn có nhiều tuyến đường nông thôn quanh co, nhỏ hẹp. Địa bàn huyện là vùng miền núi nên nhiều người dân tham gia giao thông (trong đó có người dân tộc thiểu số) chưa biết chấp hành Luật Giao thông. Ngoài ra, việc quốc lộ 20 xuống cấp kéo dài, việc tuần tra kiểm soát (TTKS) của lực lượng tỉnh ở đoạn cuối quốc lộ 20 còn thưa thớt nên đã khiến TNGT trên tuyến này chiếm trên 50% số vụ trên toàn huyện.

Ở huyện Trảng Bom, TNGT trong 4 tháng đầu năm tăng cao, xảy ra 54 vụ, làm chết 24 người. Nhờ UBND tỉnh và Ban ATGT tỉnh tập trung hỗ trợ và nỗ lực của UBND và Ban ATGT huyện nên TNGT trong tháng 5-2012 đã kéo giảm đáng kể, chỉ xảy ra 2 vụ, làm 2 người chết. “Tuy nhiên, việc kéo giảm TNGT ở huyện vẫn chưa bền vững, vì tình hình chấp hành Luật Giao thông của người đi đường chưa cao” - Đại tá Lý Quang Dũng, Trưởng công an huyện nhận định. Ngoài ra, cần phải tăng cường tuyên truyền pháp luật giao thông đúng đối tượng, tăng cường TTKS phối hợp của tỉnh và huyện mới mong kiềm chế TNGT trong thời gian tới.

Ở địa bàn TP.Biên Hòa, ông Trịnh Tuấn Liêm - quyền Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, có 90% vụ TNGT do người tham gia giao thông kém ý thức chấp hành Luật Giao thông gây ra. Ngoài ra, các tuyến đường nông thôn ở các xã mới sáp nhập chưa đủ điều kiện an toàn, tuyến quốc lộ 51 đang nâng cấp nhưng còn thiếu biện pháp an toàn (tăng 60% người chết)…, đã góp phần gia tăng TNGT ở thành phố trong 5 tháng qua.

* Những biện pháp kéo giảm tai nạn giao thông

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhận định, TNGT xảy ra chủ yếu do sự chủ quan của người đi đường; công tác tuyên truyền trong thời gian qua chưa đi vào chiều sâu, chưa thật sự tác động đúng các đối tượng thường xuyên cầm lái trên đường. Do đó, cần tăng cường tuyên truyền bằng các hình thức trực quan sinh động; cán bộ, công chức phải làm gương trong việc chấp hành Luật Giao thông. Bên cạnh đó, các lực lượng TTKS cần tăng cường hoạt động vào ban đêm, lúc trời mưa và các giờ cao điểm để nâng cao tác dụng phòng ngừa.

Ban ATGT tỉnh đề nghị các thành viên và Ban ATGT các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục duy trì thực hiện các giải pháp trọng tâm theo Nghị quyết 88 của Chính phủ. Cá nhân từng thành viên phải chịu trách nhiệm trong công tác ATGT ở lĩnh vực mình phụ trách. Các chủ tịch UBND, Trưởng ban ATGT cấp huyện và cán bộ thường trực phải chỉ đạo kiên quyết hơn, quyết liệt hơn với mục tiêu cao nhất là kéo giảm số vụ và số người chết vì TNGT.

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban ATGT tỉnh chỉ đạo phải kiểm tra lại kết cấu hạ tầng giao thông ở các địa phương và có biện pháp hữu hiệu khắc phục các “điểm đen” gây TNGT. Công tác bảo đảm trật tự lòng lề đường, trật tự đô thị phải được tăng cường xử lý quyết liệt hơn nữa. Các đơn vị phải nhanh chóng trang bị đủ máy móc, thiết bị cho các lực lượng TTKS để nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý vi phạm. Việc chiếu sáng các quốc lộ, các tuyến đường địa phương phải bảo đảm phù hợp với thời tiết, thời điểm cần chiếu sáng để bảo đảm ATGT.

Ngoài ra, Ban ATGT tỉnh còn đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường công tác TTKS, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm dễ dẫn đến TNGT; chủ động phòng chống đua xe trái phép. Các lực lượng TTKS cần tập trung cao độ xử lý theo chuyên đề, như: vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ...

Thanh Toàn

Tin xem nhiều