Báo Đồng Nai điện tử
En

Bao giờ người đi đò, phà tự giác mặc áo phao?

08:06, 18/06/2012

Khi xảy ra sự cố, tai nạn đường thủy, người ta mới thấy sự cần thiết của áo phao. Thế nhưng, khi đi đò (phà), ít người tự giác mặc áo phao, vì chủ quan hoặc ngại mất thời gian “mặc vào, cởi ra”.

 

Khi xảy ra sự cố, tai nạn đường thủy, người ta mới thấy sự cần thiết của áo phao. Thế nhưng, khi đi đò (phà), ít người tự giác mặc áo phao, vì chủ quan hoặc ngại mất thời gian “mặc vào, cởi ra”.

Để tăng cường ý thức của người qua sông, Bộ Giao thông - vận tải đã có Thông tư 15 quy định chủ đò, phà (hoặc người điều khiển đò, phà) có quyền từ chối chở hành khách không chịu mặc áo phao.

* Khách còn ngại mặc áo phao

Quy định buộc mặc áo phao có hiệu lực từ ngày 15-7. Ngay từ đầu tháng 6, Thanh tra giao thông (TTGT) tỉnh đã tổ chức tuyên truyền và ký cam kết thực hiện Thông tư 15 cho các chủ bến, chủ phương tiện chở khách sang sông ở Đồng Nai. Đây là bước chuẩn bị cần thiết để khi thông tư có hiệu lực, mọi người sẽ không bỡ ngỡ với quy định đảm bảo an toàn khi qua sông.

Người đi ghe gia dụng không mặc áo phao, không bảo đảm an toàn.  Ảnh: T. TOÀN
Người đi ghe gia dụng không mặc áo phao, không bảo đảm an toàn. Ảnh: T. TOÀN

Mặc dù, quy định hành khách phải mặc áo phao khi đi đò, phà đã được đề ra từ lâu, nhưng do trước đây quy định này chưa được thể chế hóa và có biện pháp chế tài cụ thể với người không chấp hành nên việc mặc áo phao vẫn còn dừng ở mức hô hào. Nhiều người đi đò, phà viện lý lẽ: qua sông mất vài phút mà lo gì; không ai mặc (áo phao) mà tôi mặc thì ngại quá; tôi biết bơi mà; áo phao trông có vẻ lem luốc quá… Vậy là, việc mặc áo phao khi đi đò, phà chỉ có lèo tèo vài người thực hiện, còn cơ quan chức năng vẫn mãi kêu gào.

Anh Trần Đức Quới, lái đò ở xã Long Hưng (TP.Biên Hòa) cho biết, trước đây anh cũng thường xuyên yêu cầu người đi đò mặc áo phao. Nay có quy định của Nhà nước (không chở hành khách không mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi), anh càng mạnh miệng đề nghị bà con mặc áo phao. Anh Lê Văn Giàu (ngụ ở quận 9, TP.Hồ Chí Minh), người thường đi đò sang thăm bà con ở Bến Gỗ (xã An Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết, anh luôn mặc áo phao khi đi đò. Dù áo phao có vẻ hơi bẩn, mặc áo mất công một chút, nhưng bảo đảm an toàn tính mạng cho anh khi lỡ xảy ra sự cố.

Để tạo thuận lợi cho người đi đò ngại mặc áo phao, nhiều chủ đò còn trang bị dụng cụ nổi (các cục phao có quai) để hành khách đeo vào tay hoặc cầm sẵn trên tay khi đi đò.

Ngoài ra, để người đi đò, phà chấp hành việc mặc áo phao khi đi đò, Thông tư 15 còn quy định thẩm quyền của TTGT và chính quyền cấp xã được đình chỉ hoạt động đối với trường hợp phương tiện không trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ nổi cá nhân theo quy định. Thông tư còn quy định, chủ phương tiện, người lái phương tiện, thuyền viên có quyền từ chối chuyên chở đối với những hành khách không tuân thủ việc mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cá nhân theo hướng dẫn.

* Cần mở rộng quy định mặc áo phao

Thông tư 15 quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện thủy nội địa vận tải hành khách ngang sông. Còn đối tượng ghe gia dụng, các phương tiện thủy nội địa khác chưa được quy định cụ thể về việc mặc áo phao của người đi trên các phương tiện này.

Hàng ngày, các ghe gia dụng, phương tiện thủy nội địa vận chuyển hàng hóa qua lại trên các tuyến sông rất nhiều nhưng hiếm khi thấy được người đi trên đó mặc áo phao. Có những chiếc ghe chở trẻ em, nhưng người lớn chẳng quan tâm mặc áo phao cho các em. Trong các tai nạn đường thủy chết người đã xảy ra, đa số các trường hợp phương tiện bị chìm đắm quá nhanh, người đi trên các phương tiện, ghe gia dụng không kịp mặc áo phao nên đã bị chết đuối.

Thông tư 15 quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân. Từ ngày 15-7, mọi hành khách, thuyền viên, người lái trên phương tiện vận tải hành khách sang sông đều phải mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình từ lúc rời bến đến khi cập bến an toàn. Phương tiện vận tải hành khách sang sông phải trang bị đủ số lượng áo phao, dụng cụ nổi cá nhân cho mọi người.

Chủ phương tiện, người lái phải từ chối chuyên chở những hành khách không mặc áo phao hoặc không sử dụng công cụ nổi cá nhân theo hướng dẫn và chịu trách nhiệm liên quan đến sự cố hoặc tai nạn xảy ra trong quá trình vận tải khi hành khách không mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi. Thanh tra giao thông và chính quyền địa phương phải thường xuyên kiểm tra và đình chỉ phương tiện không trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ nổi cá nhân.

Ngày 13-6, chúng tôi đi một vòng trên sông Đồng Nai, đoạn từ cầu Hóa An đến khúc sông ngang xã Long Hưng (đối diện bờ sông quận 9, TP.Hồ Chí Minh và huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương). Lúc này, trên sông tấp nập ghe, xuồng gia dụng của người dân đi lưới cá và các phương tiện thủy nội địa ra vào các bến cảng ở Đồng Nai và hai tỉnh, thành bạn. Trên các phương tiện này, người ta đi lại hoặc ngồi cheo leo ở be xuồng, mũi ghe nhưng chẳng có ai mặc áo phao. Nếu chẳng may gặp sự cố rớt xuống sông, những người này khó xoay xở an toàn (dù biết bơi nhưng gặp sóng dập của tàu lớn hoặc sông quá rộng, quá sâu người bị nạn cũng ít cơ may sống sót).

Trao đổi với chúng tôi, một ngư dân có đem theo con nhỏ còn tự tin cho biết, lỡ có sự cố xảy ra, anh sẽ ở ngay bên cạnh để cứu con nên không cần mặc áo phao cho trẻ. Hay trường hợp, một chiếc ghe chở 6 người khách băng băng vượt sóng bên một tàu lớn mà khách không hề được trang bị áo phao. Khi được hỏi có áo phao gì không thì người này lắc tay ra dấu không có. Một cán bộ TTGT đường thủy cho biết, gặp các trường hợp này, TTGT chỉ nhắc nhở, vì không có quy định chế tài nào về trường hợp người đi ghe gia dụng không mặc áo phao. Đối với đa số ghe làm nghề cá ở địa phương khác đến, họ cũng không khai báo với chính quyền, nên chính quyền cấp xã cũng không xử lý được (vì không có quy định).

Do vậy, cần mở rộng thêm quy định mặc áo phao đối với những người đi trên phương tiện thủy gia dụng, nội địa để tăng cường bảo đảm an toàn đường thủy hơn nữa.

Thanh Toàn

 

 

 

Tin xem nhiều