Cùng thời điểm Công an TP.Biên Hòa phối hợp với PC45 Công an tỉnh, Cục Cảnh sát hình sự (C45, Bộ Công an) và công an các tỉnh, thành đấu tranh triệt phá băng nhóm trộm két sắt đường sông gốc ở Long Hưng thì Công an huyện Nhơn Trạch cũng phối hợp với C45 lập chuyên án đấu tranh, triệt phá băng trộm két sắt đội lốt bảo vệ do Trần Đình Trường (SN 1985, quê ở tỉnh Tuyên Quang) cầm đầu.
Cùng thời điểm Công an TP.Biên Hòa phối hợp với PC45 Công an tỉnh, Cục Cảnh sát hình sự (C45, Bộ Công an) và công an các tỉnh, thành đấu tranh triệt phá băng nhóm trộm két sắt đường sông gốc ở Long Hưng thì Công an huyện Nhơn Trạch cũng phối hợp với C45 lập chuyên án đấu tranh, triệt phá băng trộm két sắt đội lốt bảo vệ do Trần Đình Trường (SN 1985, quê ở tỉnh Tuyên Quang) cầm đầu.
Dùng hồ sơ giả xin làm bảo vệ để tạo điều kiện cho đồng bọn đột nhập vào công ty lấy trộm tài sản, băng nhóm của Trần Đình Trường đã gây ra hàng loạt vụ đột nhập các công ty ở nhiều địa phương để trộm cắp.
* “Phi vụ” bạc tỷ
Ngày 3-9-2011, Công an huyện Nhơn Trạch nhận được tin báo mất cắp tài sản tại Công ty sản xuất bao bì Việt Long (ở khu công nghiệp (KCN) Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch). Chỉ trong một đêm (2-9), kẻ gian đã đột nhập vào nhà xưởng của công ty lấy trộm 24 máy biến tần (cùng 31 phụ kiện) điều khiển tự động các dây chuyền sản xuất. Hành vi của bọn trộm không chỉ làm thiệt hại tài sản khoảng 1,2 tỷ đồng, mà còn làm ngưng trệ hoạt động sản xuất của Công ty Việt Long.
Tang vật vụ trộm ở Công ty Việt Long. |
Nhận được tin báo về vụ trộm, Đại tá Nguyễn Văn Kim - Phó giám đốc Công tỉnh, lúc bấy giờ là Trưởng công an huyện Nhơn Trạch, đã chỉ đạo Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an huyện Nhơn Trạch nhanh chóng khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai các nhân chứng để truy tìm dấu vết của bọn trộm. Trên cơ sở tài liệu thu thập được, kết hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, đối tượng khả nghi được cơ quan điều tra nhắm đến là một nhân viên bảo vệ mới vào làm nhiệm vụ tại Công ty Việt Long được một ngày. Bởi sau khi vụ trộm xảy ra, nhân viên bảo vệ này đã bỏ việc và vứt bộ đồng phục bảo vệ tại bãi đất trống của công ty.
Với quyết tâm phá án và được sự hỗ trợ của C45, lực lượng đánh án đã lần ra manh mối của kẻ trộm sau nhiều ngày đêm truy lùng nhiều địa điểm ở Đồng Nai, Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh. Đêm 8-9-2011, Công an huyện Nhơn Trạch đã bắt giữ 3 tên trộm: Trần Đình Trường, Trần Văn Đức (SN 1986, quê ở tỉnh Hà Nam) và Đinh Văn Thường (SN 1983, quê ở tỉnh Thái Bình) tại một nhà trọ ở huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Sau đó, lực lượng đánh án tiếp tục đến TP.Hồ Chí Minh bắt giữ các đối tượng Trần Quang Tấn (SN 1979, quê ở tỉnh Hà Nam, tài xế taxi), Phan Kỳ Thạnh (SN 1963, ngụ ở TP.Hồ Chí Minh), Nguyễn Triệu Hùng (SN 1962, ngụ ở TP.Hồ Chí Minh) là những đối tượng vận chuyển, tiêu thụ tài sản trộm cắp.
* Thủ đoạn tinh vi
Thường, Trường và Đức vốn không nghề nghiệp, sống lang thang tại các nhà trọ ở tỉnh Bình Dương, nhưng rất ham mê cờ bạc. Bản thân Thường từng có tiền án về tội trộm cắp, mới được ra tù vào tháng 8-2011, nhưng lại tiếp tục rủ Trường và Đức đi trộm cắp để kiếm tiền ăn chơi, tiêu xài.
Thời gian đi trộm cắp, Trường nảy sinh ý định mở tiệm Internet để kinh doanh. Do đó, khi đột nhập vào các công ty, ngoài việc chú ý cạy phá két sắt, Trường và đồng bọn còn trộm cả máy vi tính. Như vụ trộm tại Công ty J.I.F, sau khi cạy két sắt lấy trộm hơn 100 triệu đồng, Trường và đồng bọn còn gom 14 máy vi tính, 1 laptop, 2 USB 3G... Tại Công ty YGS, Trường cũng gom 6 bộ máy tính, 6 USB, 1 laptop, 1 server... Khi khám xét nơi ở của Trường và đồng bọn, công an thu giữ rất nhiều máy tính và các phụ kiện liên quan. Ngoài ra, công an còn thu giữ 7-8 bộ đồng phục bảo vệ của các công ty bảo vệ khác nhau mà các đối tượng này đã xin làm việc và bị cho nghỉ việc vì “thiếu trách nhiệm để xảy ra trộm cắp”... |
Khác với băng trộm đường sông ở vùng Long Hưng - Long Bình Tân chuyên sử dụng ghe máy tiếp cận các công ty nằm dọc bờ sông để đột nhập, cũng chẳng giống băng nhóm trộm két sắt Trần Văn Quế - Trần Văn Ngự (gốc ở tỉnh Thái Bình, ngụ ở quận 12, TP.Hồ Chí Minh) chuyên leo tường rào, cạy cửa vào nhà dân, công ty để trộm tài sản trong két sắt, băng nhóm do Trần Đình Trường cầm đầu đã nghĩ ra một thủ đoạn mới, đó là cho đồng bọn làm giả hồ sơ xin làm bảo vệ công ty để tìm cơ hội trộm cắp tài sản.
Trước khi gây án, Trường và đồng bọn thường tìm đến các công ty trong KCN ở các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An... để điều nghiên. Khi thấy công ty nào dễ đột nhập, mang tài sản trộm cắp tẩu thoát an toàn, cả bọn sẽ lên kế hoạch “ăn hàng”. Theo đó, Trường và đồng bọn mua hồ sơ xin việc giả (ở tỉnh Bình Dương) rồi dán ảnh của mình vào để xin làm bảo vệ tại một công ty mà chúng muốn trộm tài sản. Do cần lao động, nhiều công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ đã không kiểm tra, tổ chức huấn luyện, sàng lọc kỹ mà dễ dàng tuyển dụng, bố trí các đối tượng sử dụng hồ sơ giả này làm nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu theo hợp đồng. Khi đã được nhận vào làm việc, những kẻ trộm đội lốt “bảo vệ” sẽ nghiên cứu đường đi nước bước trong công ty rồi báo cho đồng bọn biết địa điểm, thời gian đột nhập, rồi cùng nhau “nội công, ngoại kích” đập phá két sắt của công ty lấy tài sản. Sau đó, kẻ trộm đội lốt bảo vệ sẽ bỏ việc tại công ty, gây khó khăn cho cơ quan điều tra vì chúng xài hồ sơ giả.
* Gây án ở nhiều tỉnh, thành
Trước khi thực hiện “phi vụ” bạc tỷ ở Công ty Việt Long, Trường và đồng bọn đã đến điều nghiên tại một số công ty nằm trên địa bàn các tỉnh Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau khi nghiên cứu tình hình, cả bọn thấy KCN ở các địa phương này bố trí các công ty quá gần nhau, gây khó khăn trong việc tẩu thoát nên đã bàn nhau về KCN Nhơn Trạch “ăn hàng”.
Cuối tháng 8-2011, sau khi đảo xe máy vòng quanh các KCN trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, Trường và đồng bọn “chấm” Công ty Việt Long nên đã cử Thường nộp hồ sơ giả (mang tên Lê Doãn Yên, quê ở tỉnh Thanh Hóa) xin làm bảo vệ tại công ty này. Đêm 2-9-2011, ngay ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ, Thường đã quan sát mọi ngóc ngách trong công ty rồi gọi điện chỉ điểm cho Trường, Đức leo tường đột nhập vào nhà xưởng Công ty Việt Long. Tại đây, Trường thấy có nhiều máy biến tần có giá trị cao nên đã dùng dụng cụ chuẩn bị sẵn cắt dây điện, tháo các thiết bị rồi chuyển ra tường rào công ty. Sau đó, Thường gọi tài xế taxi Trần Quang Tấn chở hàng về cất giấu ở Bình Dương. Đến ngày 4-9, cả bọn mang hàng trộm cắp đến TP.Hồ Chí Minh bán được 72 triệu đồng. Tuy nhiên, khi cả bọn chưa kịp tiêu xài hết số tiền bất chính kiếm được thì đã bị công an bắt.[links(right)]
Trước khi bị bắt, ngày 22-7-2011, với cái tên Khương Văn Diện (quê ở tỉnh Vĩnh Phúc), Trường xin vào làm bảo vệ tại Công ty Yongwiri (huyện Nhơn Trạch) để trộm cắp. Tuy nhiên, thấy khó tẩu thoát khi trộm tài sản ở công ty này, trong khi Công ty Jang In Furniter (Công ty J.I.F.) ở phía đối diện dễ đột nhập và tẩu thoát nên Trường rủ đồng bọn “ăn hàng” ở Công ty J.I.F. Đêm 24-7, Trường cùng Đức, Nguyễn Văn Thực (anh bà con của Trường) đột nhập vào văn phòng Công ty J.I.F cạy phá két sắt lấy trộm hơn 100 triệu đồng và một số tài sản khác.
Tương tự, ngày 28-7, Đức dùng hồ sơ giả mang tên Phạm Văn Hiền (quê ở tỉnh Thanh Hóa) xin làm bảo vệ tại Công ty YGS (ở huyện Nhơn Trạch) để tìm cơ hội trộm cắp. Đêm 29-7, Đức và Trường đã dùng xà beng đục tường đột nhập vào văn phòng Công ty YGS để cạy phá két sắt lấy trộm tài sản (công ty trình báo bị mất 280 triệu đồng), rồi tẩu thoát về Bình Dương.
Quá trình điều tra cho thấy, ngoài các vụ trộm công ty ở Nhơn Trạch, băng nhóm “trộm - bảo vệ” của Trường đã thực hiện hàng loạt vụ đột nhập nhà dân, công ty ở TP.Biên Hòa và các tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Long An... để trộm cắp két sắt và các tài sản có giá trị.
Phạm Mai