Để mở công ty (đại lý) kinh doanh gas, chủ cơ sở phải qua nhiều khâu thẩm định mới được cấp phép. Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý đối với các cơ sở này còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm. Liệu các cơ quan chức năng đã làm hết trách nhiệm của mình trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm trong hoạt động kinh doanh gas?
Để mở công ty (đại lý) kinh doanh gas, chủ cơ sở phải qua nhiều khâu thẩm định mới được cấp phép. Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý đối với các cơ sở này còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm. Liệu các cơ quan chức năng đã làm hết trách nhiệm của mình trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm trong hoạt động kinh doanh gas?
* Vi phạm điều kiện kinh doanh: phổ biến
Để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh, xử lý các cơ sở kinh doanh gas vi phạm, Sở Cảnh sát phòng cháy - chữa cháy (PCCC) đã cùng lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh tiến hành kiểm tra đồng loạt các cơ sở kinh doanh gas trên địa bàn tỉnh. Qua đợt kiểm tra, cơ quan chức năng đã hướng dẫn các đại lý gas nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, đồng thời phát hiện và xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm.
Lực lượng chức năng kiểm tra các điều kiện an toàn tại cơ sở kinh doanh gas T.Q. |
Ngày 15-5, khi kiểm tra doanh nghiệp chuyên kinh doanh gas T.Q. (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện một số lỗi vi phạm trong PCCC. Trong đó, hệ thống dây điện, hệ thống báo rò rỉ khí gas và các biển báo, tiêu lệnh PCCC trong các kho và cửa hàng chưa đảm bảo; nhân viên của cơ sở chưa được huấn luyện nghiệp vụ PCCC; cơ sở chưa xây dựng và tiến hành thực tập phương án chữa cháy. Sau khi kiểm tra, nhắc nhở doanh nghiệp sớm khắc phục những thiếu sót, lực lượng chức năng đã lập biên bản đối với chủ cơ sở về các vi phạm trên.
Cảnh sát PCCC khuyến cáo, khi phát hiện có mùi gas trong nhà, người dân không sử dụng bất kỳ vật dụng nào có thể phát ra tia lửa điện, như: bật công tắc điện, tắt cầu dao điện, mở hộp quẹt..., mà nhanh chóng khóa bình gas, mở hết các cửa ra vào, cửa sổ để khí gas thoát ra ngoài cho đến khi hết mùi. |
Theo anh P.T.Q. (chủ doanh nghiệp T.Q.), để được Sở Công thương cấp giấy đủ điểu kiện kinh doanh gas, cơ sở của anh phải qua rất nhiều khâu kiểm duyệt: Từ việc xin giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận về PCCC, đến giấy chứng nhận đảm bảo an ninh trật tự, giấy chứng nhận học nghiệp vụ kinh doanh gas... Dù yêu cầu bắt buộc phải đạt nhiều tiêu chí như thế, nhưng khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp T.Q. vẫn còn nhiều vi phạm. Làm việc với đoàn kiểm tra, anh Q. cho rằng do chưa nắm vững các quy định về điều kiện kinh doanh nên đã để xảy ra những sai phạm! Trong khi đó, chủ doanh nghiệp đã cầm trong tay đầy đủ các hồ sơ liên quan đến việc cấp phép, bao gồm cả giấy chứng nhận đào tạo nghiệp vụ về điều kiện kinh doanh gas(!?)
Tại Công ty kinh doanh gas K.N. (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa), đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện hệ thống báo cháy, bình chữa cháy đã hoen gỉ, hư hỏng và quá hạn sử dụng, hệ thống báo rò rỉ khí gas và nguồn nước chữa cháy vẫn chưa được chủ cơ sở thực hiện. Trong khi, đây là những điều kiện buộc cơ sở cần phải đạt được trước khi đi vào hoạt động.[links(right)]
Trong đợt ra quân kiểm tra lần này, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã phát hiện không ít sai phạm về các điều kiện kinh doanh gas tại nhiều doanh nghiệp khác, dù các cơ sở này đã được cấp phép hoạt động và có đầy đủ các loại giấy tờ liên quan.
* Trách nhiệm của cơ quan chức năng đến đâu?
Với vai trò quản lý hoạt động kinh doanh cũng như các điều kiện đảm bảo việc kinh doanh gas trên thị trường, Chi cục QLTT có chức trách kiểm tra, giám sát việc lưu hành các sản phẩm gas. Sau khi các doanh nghiệp được cấp phép và đi vào hoạt động, Chi cục QLTT phải là đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp, để kịp thời phát hiện những sai phạm và có biện pháp xử lý.
Ông Dương Minh Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp (người phát ngôn của Chi cục QLTT) cho biết, để đảm bảo chất lượng các sản phẩm gas có mặt trên thị trường, Chi cục QLTT thường xuyên tổ chức tuyên truyền các chủ cơ sở kinh doanh gas, nhằm giúp họ những kiến thức cơ bản trong việc phát hiện hàng lậu, hàng giả, biết cách sử dụng các thương hiệu gas có chất lượng. Bên cạnh việc tuyên truyền, nếu phát hiện cơ sở nào có dấu hiệu vi phạm, lực lượng QLTT sẽ có biện pháp xử lý nghiêm.
Theo ông Dũng, nhiệm vụ quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh gas trên thị trường được giao cho các đội nghiệp vụ tại các địa phương phụ trách. Tuy nhiên, khi nói đến việc có nhiều cơ sở kinh doanh gas hoạt động chui thì ông Dũng cho rằng, chỉ một số hộ ở các vùng sâu, vùng xa mua bình gas lớn về sang chiết sang bình gas nhỏ bán kiếm lời. Hành vi này lực lượng chức năng rất khó quản lý, xử lý.
Đối với việc kinh doanh, sang chiết gas, công tác PCCC là một trong những điều kiện hết sức quan trọng. Bởi, việc vi phạm của các chủ kinh doanh về PCCC ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn tính mạng của nhiều người. Theo một cán bộ Sở Cảnh sát PCCC, để doanh nghiệp vi phạm các điều kiện kinh doanh gas, một phần do các đơn vị chức năng ở địa phương chưa làm tốt công tác quản lý, hướng dẫn doanh nghiệp chấp hành các quy định của pháp luật. Theo quy định, các cấp quản lý tại địa phương theo định kỳ phải tiến hành kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở đăng ký kinh doanh mặt hàng gas thực hiện các quy định của Nhà nước về PCCC. Qua những lần kiểm tra, hướng dẫn mà chủ doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm thì phải lập biên bản xử lý.
Theo thống kê của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh có 18 công ty đầu mối đăng ký phân phối gas, 26 tổng đại lý kinh doanh gas. Từ năm 2010-2012, Sở Công thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cho hơn 1 ngàn học viên (chủ các cơ sở kinh doanh gas) trên địa bàn tỉnh tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ kinh doanh khí hóa lỏng (gas). |
Về thủ tục cấp phép hoạt động cho các cơ sở, đại lý kinh doanh gas, bà Nguyễn Thị Ngọc Lệ, Trưởng phòng Thương mại (Sở Công thương) cho biết, sau khi cơ sở kinh doanh có đầy đủ các loại giấy tờ, như: đơn xin cấp phép; giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC; giấy chứng nhận học lớp nghiệp vụ kinh doanh gas; giấy đăng ký kinh doanh và một số thủ tục khác, Sở Công thương sẽ cấp giấy đủ điều kiện kinh doanh (có hiệu lực 5 năm) cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo bà Lệ, các loại giấy tờ đó không chỉ thuộc thẩm quyền của Sở Công thương, mà liên quan đến nhiều sở, ngành khác, như: Sở Cảnh sát PCCC, Sở Lao động thương binh và xã hội, Sở Khoa học - công nghệ, các trường nghiệp vụ...
Như vậy, một doanh nghiệp kinh doanh gas có đủ điều kiện đi vào hoạt động cần đến rất nhiều khâu thẩm định, kiểm tra, giám sát của nhiều ngành liên quan. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đi vào hoạt động thì việc chấp hành các quy định của Nhà nước về điều kiện kinh doanh như thế nào rất cần đến những biện pháp kiểm tra, xử lý và quản lý của các ngành chức năng. “Đây không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý, mà còn là ý thức của những người kinh doanh trong lĩnh vực gas” - một cán bộ tham gia đoàn kiểm tra liên ngành bày tỏ.
Trần Danh