Phiên tòa xét xử lưu động tại hội trường UBND xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) ngày 23-4 chật ních người. Phòng xử rộng nhưng vẫn không đủ chỗ. Ở ngoài sân, nhiều người buộc phải chen chúc, ngóng chờ từng chi tiết vụ án.
Phiên tòa xét xử lưu động tại hội trường UBND xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) ngày 23-4 chật ních người. Phòng xử rộng nhưng vẫn không đủ chỗ. Ở ngoài sân, nhiều người buộc phải chen chúc, ngóng chờ từng chi tiết vụ án.
Hy vọng bị cáo Võ Văn Liễu sẽ cải tạo thật tốt để sớm trở về với các con. |
Sau cái chết của vợ, người chồng Võ Văn Liễu (SN 1965, ngụ tại xã Xuân Trường) bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt 17 năm tù về tội giết người. Phiên tòa kết thúc để lại bài học đắt giá cho người trong và ngoài cuộc: Hậu quả do người lớn gây ra đừng để con trẻ phải gánh chịu...
* Cuộc hôn nhân đẫm nước mắt
Trước khi lấy Liễu vào năm 1993, chị Huỳnh Thị Tài đã có một con riêng. Hơn 15 năm nên nghĩa vợ chồng, giữa họ đã có với nhau ba đứa con chung. Những tưởng cuộc sống cứ êm đềm trôi như thế nhưng quá trình chung sống, do Liễu thường xuyên uống rượu, đánh chửi chị Tài nên giữa vợ chồng họ phát sinh mâu thuẫn. Cũng từ đó, những trận cãi nhau tưởng chừng như không bao giờ dứt giữa hai vợ chồng Liễu.
Tháng 6-2011, tòa án giải quyết cho hai bên được ly hôn và giao ba đứa con cho chị Tài nuôi dưỡng. Dù đã đường ai nấy đi nhưng Liễu vẫn không bỏ được tật xấu của mình. Mỗi lần về thăm con là mỗi lần Liễu kiếm cớ gây sự, vơ hết mọi của cải trong nhà đem “nướng” vào cờ bạc, rượu chè.
Chiều 5-9-2011, Liễu lại về nhà thăm con. Chị Tài sợ chồng cũ uống rượu gây sự nên chạy sang nhà anh Ngôn (ấp Trung Nghĩa, xã Xuân Trường) để ngủ nhờ. Khoảng 5 giờ 30 ngày hôm sau, chị Huỳnh Thị Đẩu (chị vợ của Liễu) đến nhà hỏi mượn xe máy của em gái đi công chuyện nhưng Liễu không cho.
Sau khi biết chuyện, chị Tài đã về nhà xua đuổi, định cầm ghế để đánh Liễu thì được anh Ngôn và mẹ của chị Tài giữ lại. Tự ái nổi lên, Liễu vào nhà bếp lấy một con dao chạy lên “nói chuyện” với vợ cũ. Bao tức giận bấy lâu nay, Liễu dồn hết vào một nhát dao oan nghiệt, giáng xuống người vợ cũ. Thấy vậy, anh Ngôn xông vào vật Liễu và giật lấy con dao. Chị Tài nhặt cục đá ở gần đó đánh vào mặt của Liễu rồi bất tỉnh. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng chị Tài đã tử vong không lâu sau đó.
* Nỗi đau con trẻ...
Nhát dao từ bàn tay của người chồng cũ đã vô tình đem đến cho các con chị Tài những mất mát, tổn thương. Trước pháp luật, bị cáo là người có tội, nhưng đám trẻ vẫn nghẹn ngào khi cất tiếng gọi cha. Vì chúng biết trên đời này chẳng có ai yêu thương và dạy dỗ chúng nên người hơn cha mẹ mình.
Từ ngày mẹ mất, cha đi tù, ba đứa con của Liễu về sống với bà ngoại già yếu. Cụ Huỳnh Thị Quy, nay hơn 70 tuổi vẫn phải đi ăn xin để kiếm tiền nuôi cháu. Đôi mắt đã mờ, tai đã lãng nhưng cụ vẫn nhớ cái ngày oan nghiệt ấy. Bây giờ, cụ sợ khơi gợi lại nỗi đau sẽ làm tổn thương đến tâm hồn bọn trẻ. Rồi đây, ai sẽ lo cho chúng từng miếng ăn, giấc ngủ; liệu chúng có được học hành đến nơi đến chốn hay lại gãy gánh giữa chừng. Còn Liễu, bị cáo chỉ biết thở dài khi nghe bà thuật lại chuyện thân già lọm khọm chắt chiu từng đồng bạc lẻ nuôi cháu. Càng thương mẹ già, con dại bao nhiêu, Liễu càng ân hận, day dứt bấy nhiêu.
Giờ nghị án, hai đứa con nhỏ nhất của Liễu cứ ngóng ra ngóng vào xin được vào thăm cha, còn đứa lớn ngồi đó bất động hướng mắt về phía vành móng ngựa. Thương cảnh những đứa trẻ sớm mất mẹ, cha vướng vào vòng lao lý, các anh cảnh sát làm nhiệm vụ dẫn giải phạm nhân đã cho hai đứa nhỏ được gặp cha. Trong phút giây ngắn ngủi, cha con nhìn mặt nhau mừng tủi. Mọi lời nói đều được ghi ra giấy.
Nhìn cảnh ấy, những người dự khán không kìm được nước mắt, khi nghĩ đến hoàn cảnh côi cút tang thương của gia đình nhỏ: Mẹ chết, cha vào tù, lũ trẻ phải sống trong sự thiếu thốn trăm bề.
Võ Nguyên