Báo Đồng Nai điện tử
En

Bắt đối tượng truy nã ở địa bàn miền núi

10:05, 21/05/2012

Tổ truy nã của Công an huyện Định Quán đã bắt, vận động đầu thú được gần 50 đối tượng từ năm 2010 đến nay. Riêng tháng cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm bảo vệ Tết Nhâm Thìn 2012, tổ đã bắt, vận động được 8 đối tượng có lệnh truy nã ra đầu thú.

Tổ truy nã của Công an huyện Định Quán đã bắt, vận động đầu thú được gần 50 đối tượng từ năm 2010 đến nay. Riêng tháng cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm bảo vệ Tết Nhâm Thìn 2012, tổ đã bắt, vận động được 8 đối tượng có lệnh truy nã ra đầu thú. Kết quả đó thật không đơn giản đối với địa bàn miền núi, dân cư sống rải rác như huyện Định Quán.

Bắt đối tượng truy nã không dễ

Đại úy Bùi Ngọc Điệp, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, kiêm Tổ trưởng tổ truy nã Công an huyện Định Quán cho biết, việc truy bắt đối tượng truy nã không hề đơn giản. Bởi, đối tượng không chỉ thay tên, đổi họ, mà còn chọn địa bàn vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh, tạo vỏ bọc làm ăn lương thiện, có mối quan hệ thân thiết với dân địa phương hòng qua mắt cơ quan chức năng. Không ít đối tượng truy nã từ địa phương khác đến địa bàn gây án rồi bỏ trốn, thông tin về đối tượng không nhiều, một số đối tượng sẵn sàng dùng hung khí chống trả, nên việc bắt và vận động đối tượng truy nã rất gian nan và nguy hiểm. Một sơ suất nhỏ nhất trong khi bắt đối tượng cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng của người bắt lẫn đối tượng. Do đó, trước khi thực hiện việc bắt đối tượng, Tổ truy nã phải đưa ra nhiều phương án truy bắt một cách tỉ mỉ, chính xác, mang tính bất ngờ và an toàn luôn được đặt lên hàng đầu.

Công an huyện Định Quán đang vận động gia đình đối tượng truy nã đưa con em ra đầu thú.                                                                    Ảnh: V. NHUỆ
Công an huyện Định Quán đang vận động gia đình đối tượng truy nã đưa con em ra đầu thú. Ảnh: V. Nhuệ

Nhiều năm tham gia công tác bắt truy nã, đại úy Bùi Ngọc Điệp không nhớ đã cùng đồng đội bắt và vận động được bao nhiêu đối tượng truy nã, nhưng các đối tượng đặc biệt nguy hiểm thì anh vẫn nhớ như in. Đó là Võ Lộc Phước (SN 1960), bị Công an tỉnh Quảng Nam phát lệnh truy nã từ năm 1990. Khi đó, đang chấp hành án phạt tù về tội cướp tài sản, Phước trốn cải tạo và vào xã Phú Tân (huyện Định Quán) lẩn trốn với tên mới và vỏ bọc làm ăn lương thiện. Nhưng, hơn 20 năm sau, vào cuối tháng 8-2011, Phước đã bị Công an huyện Định Quán bắt giữ trước sự ngỡ ngàng của người dân và chính quyền địa phương.

Để người dân cùng tham gia

Theo lời đại úy Điệp, để công tác bắt, vận động đối tượng truy nã đạt hiệu quả, cán bộ, chiến sĩ trong tổ phải xuống địa bàn nắm tình hình, vận động nhân dân tham gia vào công tác này, đồng thời đến từng hộ gia đình có đối tượng bị truy nã thăm hỏi, vận động gia đình đưa con em ra đầu thú. Tùy từng trường hợp có thể đề nghị tòa án xem xét giảm án khi đưa ra xét xử, tạo điều kiện cho gia đình thăm nuôi hoặc được bảo lãnh tại ngoại…

Qua vận động trực tiếp, nhiều gia đình hiểu ra sự khoan dung của pháp luật, hiểu được chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhìn nhận được cái sai của con em mình nên đã tìm mọi cách vận động con em đến cơ quan công an trình diện.

Ông Nguyễn Văn Thái (ấp 5, xã Gia Canh, huyện Định Quán) có con trai bị bạn bè lôi kéo lấy trộm tài sản của người khác rồi bỏ trốn, cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã. Như nhiều người khác, ông Thái rất đau lòng, không muốn con mình bị pháp luật trừng trị. Nhờ sự động viên, hướng dẫn tận tình của cán bộ làm công tác truy nã, chính quyền xã, ông Thái ý thức được rằng, đã bị truy nã thì không thể trốn ở đâu được, có trốn thì công an cũng tìm ra, tội thêm nặng. Vì vậy, ông quyết tâm vận động con ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng và đích thân ông đã chở con đến công an huyện đầu thú. Ông Đặng Văn Tùng (ấp 8, xã Gia Canh) cũng có chia sẻ tương tự. Con trai ông Tùng cũng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh phát lệnh truy nã. Với trách nhiệm người cha trong gia đình và trách nhiệm với pháp luật, ông đã khuyên đứa con lẩn trốn tận nơi rừng sâu về đầu thú.

Đại úy Điệp chia sẻ, công tác vận động cần sự kiên trì, phải nắm rõ nhân thân đối tượng để có biện pháp tác động tâm lý đối tượng và gia đình, cũng như việc chọn thời điểm vận động đối tượng ra đầu thú. Bởi lẽ, đối tượng cũng là con người, có nhu cầu muốn gặp người thân vào mỗi dịp tết đến. Nắm bắt được tâm lý này, trong dịp trước tết, anh đều tranh thủ đến nhà vận động gia đình để tác động vào đối tượng. Nhờ cách làm này mà nhiều đối tượng lẩn trốn ở nhiều nơi xa xôi, hẻo lánh đã chủ động gọi điện thoại cho anh xin ra đầu thú và mong muốn anh đáp ứng nguyện vọng của họ là được ăn... một bữa cơm gia đình, trước khi chịu sự quản chế của pháp luật.

Còn đối tượng truy nã bên ngoài xã hội là còn tiềm ẩn sự nguy hiểm đối với mọi người, mọi nhà. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Tổ truy nã của Công an huyện Định Quán đã nỗ lực hết mình để bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú đạt được nhiều kết quả, góp phần đem lại sự bình yên cho nhân dân địa phương.

Văn Nhuệ

 

Tin xem nhiều