Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự thảo Luật Giám định tư pháp: Còn nhiều vấn đề cần được hoàn thiện

08:04, 24/04/2012

Thay cụm từ tổ chức giám định tư pháp (GĐTP) “ngoài quốc doanh” bằng “tư nhân”; quyền yêu cầu giám định của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính; giám định pháp y quy về một đầu mối; vấn đề xã hội hóa hoạt động GĐTP..., là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật GĐTP được tổ chức tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh ngày 20-4 vừa qua.

Thay cụm từ tổ chức giám định tư pháp (GĐTP) “ngoài quốc doanh” bằng “tư nhân”; quyền yêu cầu giám định của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính; giám định pháp y quy về một đầu mối; vấn đề xã hội hóa hoạt động GĐTP..., là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật GĐTP được tổ chức tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh ngày 20-4 vừa qua.

Các đại biểu góp ý dự thảo luật tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Giám định tư pháp.                                                                              Ảnh: Đ. Phú
Các đại biểu góp ý dự thảo luật tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Giám định tư pháp. Ảnh: Đ. Phú

Dự thảo Luật GĐTP có 8 chương, 47 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh của luật, giải thích thuật ngữ; về giám định viên tư pháp; tổ chức giám định tư pháp công lập và ngoài công lập; người và tổ chức GĐTP theo vụ việc; trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với tổ chức, hoạt động GĐTP...

* Nhiều vấn đề cần lấy ý kiến đóng góp

Theo ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại tổ và hội trường, Luật GĐTP cần bổ sung quy định nguyên tắc nhằm phân định rạch ròi giữa phạm vi điều chỉnh của luật này với các luật khác và đổi tên luật thành Luật Giám định để phạm vi điều chỉnh của luật được mở rộng hơn; quyền của đương sự được tự mình trực tiếp yêu cầu thực hiện giám định tư pháp; giám định viên tư pháp và hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp; tổ chức giám định tư pháp công (như: giám định pháp y, giám định tâm thần do cơ quan nào quản lý); tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập luật quy định hay giao Chính phủ quy định; giá trị pháp lý về giám định bổ sung, giám định lại và việc giải quyết trường hợp kết luận giám định lần đầu khác với kết luận giám định lại như thế nào; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với tổ chức, hoạt động giám định tư pháp...

Những ý kiến trên đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý và nay tiếp tục đem ra lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện trình Quốc hội.

* Giám định pháp y vào một đầu mốI: lấn cấn

Tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo luật, đại diện Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, Trung tâm Pháp y tỉnh đề nghị, trong quy định về tổ chức GĐTP công lập, luật nên quy định giám định pháp y vào một đầu mối là tổ chức giám định pháp y trực thuộc ngành y tế quản lý (xóa bỏ quy định về giám định viên pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh). Bởi, công tác giám định pháp y phải là một bộ phận độc lập, hỗ trợ cơ quan tố tụng trong công tác chuyên môn, chứ không phải là cơ quan giúp việc. Ngoài ra, dự thảo luật cũng không cần quy định cụ thể những lĩnh vực GĐTP ngoài công lập, như: tài chính, kế toán, xây dựng, cổ vật, di vật..., mà cần giao cho Chính phủ quy định để phù hợp với nhu cầu xã hội, không phải sửa luật sau này.

Trong khi đó, đại diện Công an tỉnh có ý kiến phản biện, trước mắt nên để tồn tại 2 đơn vị giám định pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh) và Trung tâm Pháp y (Sở Y tế quản lý) theo dự thảo luật. Bởi vì, công tác pháp y (nhất là khám nghiệm tử thi) thuộc bộ phận kỹ thuật hình sự có những đặc thù, như: am hiểu về kỹ thuật hình sự, nghiệp vụ điều tra..., mà ngành y tế không thể đào tạo, điều phối, quản lý được. Hơn nữa, khi vụ án xảy ra, lực lượng pháp y của công an luôn có mặt kịp thời cùng cơ quan điều tra trong việc khám nghiệm tử thi để phá án.

Về vấn đề “quyền của đương sự được trực tiếp yêu cầu thực hiện GĐTP”, tất cả các đại biểu tham dự hội nghị đều tán thành quan điểm của dự thảo luật là: chỉ có đương sự trong vụ việc dân sự; vụ án hành chính; nguyên đơn, bị đơn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong các vụ tranh chấp dân sự; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự thì mới có quyền này. Riêng bị can, bị cáo trong vụ án hình sự, quyền này thuộc trách nhiệm của cơ quan tố tụng (theo đúng nguyên tắc tố tụng hình sự đã được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định cụ thể). “Việc mở rộng quyền của đương sự được tự mình yêu cầu GĐTP để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong hoạt động tố tụng, bảo đảm quyền cung cấp chứng cứ của đương sự trong các vụ việc dân sự và vụ án hành chính là phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp”- đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nói.

Về các vấn đề thời gian công bố các kết luận GĐTP của tổ chức GĐTP; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác GĐTP; điều kiện thành lập các tổ chức GĐTP..., đại biểu Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp, các huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa cho rằng, luật cần quy định thêm phần chế tài khi tổ chức, cá nhân không tuân thủ luật, kéo dài thời gian công bố kết quả giám định, thiếu khách quan, lợi dụng nghề nghiệp trong thực thi nhiệm vụ. Luật cũng nên quy định rõ giá trị pháp lý của lần giám định sau cao hơn kết quả giám định trước đó, Trung ương cao hơn địa phương để các cơ quan tiến hành tố tụng có cơ sở, căn cứ để giải quyết.

Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều