Báo Đồng Nai điện tử
En

Hạnh phúc nào cho con?

09:02, 12/02/2012

Trước Hội đồng xét xử, chị P. (bị đơn) nước mắt ngắn dài thuật lại chi tiết những lần bị ngược đãi theo lối sống gia trưởng của chồng. Riêng anh Đ. (nguyên đơn) thì điềm tĩnh cho biết, anh thừa điều kiện về kinh tế để thuê người làm chăm sóc con tốt hơn vợ và đề nghị Tòa giao con cho anh nuôi là hợp lý nhất.

Trước Hội đồng xét xử, chị P. (bị đơn) nước mắt ngắn dài thuật lại chi tiết những lần bị ngược đãi theo lối sống gia trưởng của chồng. Riêng anh Đ. (nguyên đơn) thì điềm tĩnh cho biết, anh thừa điều kiện về kinh tế để thuê người làm chăm sóc con tốt hơn vợ và đề nghị Tòa giao con cho anh nuôi là hợp lý nhất.

* Tranh chấp con

Tháng 6-2011, Tòa án nhân dân quận 9 (TP.Hồ Chí Minh) đã ra phán quyết chấp nhận đơn yêu cầu ly hôn giữa chị Lê Thị P. và anh Trần Văn Đ. (ngụ tại quận 9, TP.Hồ Chí Minh). Theo thỏa thuận giữa các đương sự, chị P. được quyền nuôi con (hơn 2 tháng tuổi), không được chia tài sản. Riêng anh Đ. có trách nhiệm phụ cấp mỗi tháng 500 ngàn đồng để giúp chị P. nuôi dưỡng con đến khi đủ 18 tuổi. Đồng thời, tòa cũng công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự, khi tuyên cho anh Đ. được quyền đến thăm con vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần.

Sau khi ly hôn, chị P. dắt con về xã An Hòa (TP.Biên Hòa) tá túc tại nhà cha mẹ ruột. Một tháng sau, anh Đ. có đơn gửi Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa (nơi chị P. cư ngụ) yêu cầu thay đổi quyền nuôi con với lý do: Bé K. (con chung của họ) bị chị P. ngược đãi, như: bỏ bê không chăm sóc, đánh đập; cháu K. học tại xã An Hòa với điều kiện rất thấp kém so với nơi anh sinh sống và công tác tại TP.Hồ Chí Minh nên không đảm bảo cho sự phát triển về trí tuệ, thể chất về sau. Ngoài ra, sau khi ly hôn, chị P. không tạo điều kiện cho anh thăm hỏi và chăm sóc con như đã thỏa thuận trước đó.

Trước khi khởi kiện thay đổi vị trí người nuôi con, anh Đ. còn có đơn gửi cơ quan Thi hành án TP.Biên Hòa can thiệp, đôn đốc chị P. phải chấp hành đúng cam kết: Tạo điều kiện để anh thực hiện quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con chung sau khi ly hôn. Không thể nhẫn nhịn mãi thái độ xem thường mình sau khi ly hôn, chị P. đã cùng gia đình thu thập chứng cứ chứng minh những lần anh Đ. đến nơi ở của chị gây rối, đến trường học đòi bắt con… “Anh Đ. là người rất ích kỷ, con uống hết sữa lại nói tôi đem bán lấy tiền tiêu xài. Con bệnh anh cũng đòi ẵm đi chơi cho bằng được. Ngay cả chuyện tôi xin cắt hộ khẩu, xin giấy khai sinh cho con đi học, anh cũng không tạo điều kiện, mà cản ngăn”- chị P. trình bày.

* Kém lý, thua tình

Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa vừa đưa vụ tranh chấp quyền nuôi con giữa anh Đ. và chị P. ra xét xử dân sự sơ thẩm. Tại tòa, anh Đ. trình bày, do chị P. thường xuyên ngược đãi con, không có điều kiện nuôi dưỡng, điều kiện sống ở xã An Hòa thua kém rất nhiều so với nơi anh cư trú nên đề nghị tòa giao con cho anh chăm sóc. “Tôi muốn con tôi được thụ hưởng điều kiện giáo dục và cuộc sống ưu việt nhất. Ngoài ra, với điều kiện kinh tế của tôi, tôi dư khả năng thuê người làm để chăm sóc con tốt hơn P.”- anh Đ. thẳng thừng tuyên bố.

“Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, Tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên”- điều 93, Luật Hôn nhân và gia đình quy định.

Còn chị P. trình bày, hiện chị đang có công ăn việc làm và nơi ở ổn định, lương tháng trên 4 triệu đồng, con chung của chị và anh Đ. đang được học ở một trường công tại xã. “Anh Đ. rất kỳ, mỗi lần đến thăm con không đi một mình mà đi cả đoàn người. Con bệnh, đang ngủ hoặc đang học cũng yêu cầu được dẫn về nhà bằng được. Khi tôi không đồng ý thì anh quậy, mời chính quyền can thiệp, gửi đơn kiện…, gây ảnh hưởng rất nhiều đến công việc của tôi và việc học của cháu”- chị P. tranh luận lại và nộp cho Hội đồng xét xử các chứng cứ chứng minh việc anh Đ. đã nhiều lần đến nơi ở của chị gây sự với sự xác nhận của chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ xã và nơi bé đang theo học.

Sau lời trình bày, tranh luận của chị P. và anh Đ., Hội đồng xét xử nhận xét: Việc anh Đ. yêu cầu thay đổi quyền nuôi con là không có cơ sở xem xét. Bởi lẽ, anh Đ. không có cơ sở để chứng minh chị P. ngược đãi con. Việc anh cho rằng, điều kiện học tập, sinh hoạt ở xã An Hòa không đảm bảo cho việc phát triển bình thường về trí tuệ, nhân cách của bé K. là võ đoán. Theo Hội đồng xét xử, tuy anh Đ. có điều kiện rất tốt về vật chất nhưng điều đó không thể thay thế tình mẫu tử giữa bé K. và chị P. Chính vì vậy, Hội đồng xét xử quyết định giao cháu K. cho chị P. nuôi dưỡng (như phán quyết của Tòa án nhân dân quận 9 đã giải quyết trước đó).

Rời phiên tòa, chị P. tủi phận nói với chúng tôi, anh Đ. đối xử với chị như một người ở, chi li tiền sinh hoạt hàng ngày, nhưng anh lại luôn hết mình với bạn bè. “Khi hai bên chuẩn bị ra tòa ly hôn, tôi và con về nhà cha mẹ ruột ở, anh lại ra cơ quan công an tố cáo tôi lấy trộm tài sản trong nhà và bỏ đi; đồng thời không cho tôi tách hộ khẩu về lại nhà cha mẹ ruột sau khi ly hôn. Tôi không ngờ anh ích kỷ và nhỏ nhen đến như vậy”- chị P. nói. Riêng anh Đ. thì bày tỏ nỗi tức giận vì không giành được quyền nuôi con với người thân: “Tôi sẽ theo đuổi vụ kiện đến cùng, cho đến khi nào con P. chịu giao con mới thôi”.

Thành Nhân

 

 

 

Tin xem nhiều