Nằm ở vùng giáp ranh giữa TP.Biên Hòa và huyện Long Thành, đặc biệt là ở khu vực có đông công nhân lao động thuê trọ nên tình hình an ninh trật tự và tệ nạn xã hội ở khu gia đình Trường đại học Nguyễn Huệ (trước đây là Trường sĩ quan lục quân 2, hơn 1.000 hộ gia đình ở xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) khá phức tạp.
Nằm ở vùng giáp ranh giữa TP.Biên Hòa và huyện Long Thành, đặc biệt là ở khu vực có đông công nhân lao động thuê trọ nên tình hình an ninh trật tự và tệ nạn xã hội ở khu gia đình Trường đại học Nguyễn Huệ (trước đây là Trường sĩ quan lục quân 2, hơn 1.000 hộ gia đình ở xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) khá phức tạp.
Theo thống kê chưa đầy đủ của các hộ dân thuộc khu gia đình Trường đại học Nguyễn Huệ, trong năm 2011, trong khu đã xảy ra cả trăm vụ mất trộm tài sản, gây mất trật tự công cộng. Đối tượng gây ra các vụ mất an ninh trật tự địa bàn chủ yếu là dân tạm trú, nghiện ngập…
* Nhức nhối nạn trộm cắp ở một khu dân cư
Đặc điểm của khu gia đình Trường đại học Nguyễn Huệ hầu hết là bộ đội làm việc trong giờ hành chính, thường xuyên phải vắng nhà nên kẻ gian đã lợi dụng thời cơ phá cửa đột nhập vào lấy trộm tài sản. Thậm chí, có trường hợp kẻ gian còn ngang nhiên sử dụng xe cơ giới vào tận nhà cán bộ trong khu để vận chuyển các tài sản trộm cắp. Trường hợp những gia đình có người già ở nhà, kẻ gian lại giả danh người đại diện cho các cơ quan nhà nước để lừa đảo. Như trường hợp gia đình anh Phạm Thế Dũng (khu Bắc 97, Khu gia đình Trường đại học Nguyễn Huệ), lợi dụng khi vợ chồng anh Dũng đi làm, chỉ có cụ già ở nhà trông cháu, kẻ gian giả danh là đại diện của cơ quan môi trường thành phố vào kiểm tra vệ sinh rồi thừa cơ lấy trộm 1 máy tính xách tay và nhiều tài sản có giá trị khác.
Sự vắng vẻ của khu gia đình. |
Anh Nguyễn Văn Dương (tổ 1, khu 2007), người từng bị kẻ trộm “viếng” nhà hai lần, bức xúc cho biết: “Các đối tượng trộm cắp hoạt động rất tinh vi. Chúng nắm rất chắc quy luật hoạt động của gia đình chúng tôi, lợi dụng lúc không có người ở nhà là chúng đột nhập ngay. Như ở gia đình tôi, lợi dụng khi cả nhà đang đi làm, bọn trộm đột nhập vào lấy trộm chiếc ti vi và một số tài sản. Sau đó một tháng, chúng lại phá khóa để đột nhập vào cửa tiệm tạp hóa của tôi lấy cắp hàng hóa. Quả thật, nếu tình hình này kéo dài thì chúng tôi không biết phải làm sao”.
* Những giải pháp hữu hiệu
Trước tình hình trộm cắp hoành hành trong khu gia đình Trường đại học Nguyễn Huệ, Đảng ủy và Ban giám hiệu nhà trường đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn. Theo đó, nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương để làm tốt công tác giữ gìn trật tự an ninh trên địa bàn, thường xuyên tổ chức các tổ, đội kiểm soát quân sự, tuần tra canh gác... Tuy nhiên, nạn mất trộm tài sản trong khu bước đầu chưa thể chấm dứt, bởi đối tượng hoạt động rất tinh vi, trong khi lực lượng của nhà trường mỏng và hoạt động theo chức năng kiêm nhiệm. Mặt khác, địa bàn nằm gần khu công nghiệp, tình hình cư trú phức tạp nên rất khó cho việc khoanh vùng đối tượng để theo dõi, xử lý.
Với quyết tâm xây dựng khu dân cư văn hóa và an toàn, Trường đại học Nguyễn Huệ đã triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn để chấm dứt tình trạng này. Trong các nghị quyết lãnh đạo thường kỳ, công tác xây dựng địa bàn an toàn luôn được Đảng ủy nhà trường quan tâm, đồng thời khuyến khích mọi người “hiến kế” về giữ gìn an ninh trật tự, biểu dương khen thưởng bằng vật chất và quyền lợi chính trị cho những đồng chí có thành tích xuất sắc trong phòng chống tội phạm. Đặc biệt, nhà trường còn tổ chức diễn tập phòng chống trộm cắp xảy ra với các tình huống giả định sát với thực tế địa bàn. Nội dung cuộc diễn tập giúp cho các hộ gia đình nắm chắc các phương án phòng chống tội phạm để ngăn chặn và tự vệ khi có tình huống xấu xảy ra. Bên cạnh đó, mỗi tổ dân phố đều tổ chức đội an ninh làm nhiệm vụ tuần tra vào những thời gian “nhạy cảm”, lắp kẻng báo động toàn dân cư nếu như hộ gia đình nào xảy ra trộm cắp, trang bị cho mỗi hộ gia đình các phương tiện để chống trả khi có trộm cướp xảy ra.
Đại úy Phạm Văn Điền, tổ trưởng tổ 1 khu 2007, khu gia đình Trường đại học Nguyễn Huệ, cho biết: “Được sự quan tâm chỉ đạo của nhà trường, chúng tôi đã phần nào an tâm làm việc ở cơ quan, không còn lo ngại kẻ gian thừa cơ mình đi làm vắng nhà để trộm cắp tài sản. Cuộc diễn tập chống trộm cắp và trật tự xã hội đã xây dựng cho mỗi hộ gia đình phương án xử lý tốt nhất để bảo đảm an toàn, hơn hết là những biện pháp đó đã kêu gọi được sự đoàn kết của các hộ dân trong việc giữ gìn an ninh trật tự địa bàn”.
Với những cách làm trên, chắc rằng khu gia đình Trường đại học Nguyễn Huệ sẽ là điểm sáng trong giữ gìn an ninh trật tự.
Nguyễn Tiến Ninh