Trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) của tỉnh đã mở đợt tổng kiểm tra an toàn PCCC tại các cơ sở, doanh nghiệp, trung tâm thương mại… trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong thực hiện các quy định về an toàn PCCC, phục vụ nhân dân đón Tết an toàn.
Đại tá Võ Văn Sáng. |
Trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) của tỉnh đã mở đợt tổng kiểm tra an toàn PCCC tại các cơ sở, doanh nghiệp, trung tâm thương mại… trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong thực hiện các quy định về an toàn PCCC, phục vụ nhân dân đón Tết an toàn. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, Đại tá Võ Văn Sáng, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC cho biết:
- Từ những tháng cuối năm 2011, Sở Cảnh sát PCCC đã xây dựng kế hoạch, tập trung lực lượng đồng loạt kiểm tra việc thực hiện các quy định an toàn PCCC trên 1.000 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, làng nghề, trung tâm thương mại, chợ, trường học, chung cư cao tầng và các cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao. Nội dung kiểm tra xoay quanh công tác quản lý PCCC, các phương án chữa cháy, phương tiện chữa cháy, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC, việc thực hiện các chế độ thông tin, báo cáo về PCCC của cơ sở theo quy định...
Thông qua đợt tổng kiểm tra, nhìn chung các cơ sở đều chấp hành tốt việc thực hiện các quy định về an toàn PCCC, công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Luật PCCC cũng được phổ biến đến tận cán bộ, công nhân trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề và người dân. Từ đó, giúp các đơn vị, cơ sở chủ động hơn trong việc xây dựng, thực tập các phương án PCCC tại đơn vị, cơ sở mình, tự kiểm tra, khắc phục những thiếu sót trong công tác đảm bảo an toàn về PCCC.
Qua đợt kiểm tra này, lực lượng kiểm tra cũng đã lập biên bản vi phạm hành chính gần 100 trường hợp sai sót, đồng thời hướng dẫn các cơ sở kịp thời khắc phục những thiếu sót, điều chỉnh, bổ sung các phương án PCCC đúng theo quy định. Nhờ vậy, trong cao điểm này, toàn tỉnh đã kiềm chế được số vụ cháy và thiệt hại do cháy.
* PV: Trong dịp Tết, mọi hoạt động, sinh hoạt trong xã hội đều gia tăng, khiến các mối nguy cơ cháy, nổ xảy ra cao. Đại tá có thể chỉ ra những mối nguy cơ cụ thể để người dân phòng tránh?
- Trong dịp Tết, các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp, làng nghề, trung tâm thương mại, chợ đều gia tăng so với những ngày thường, lượng hàng hóa, vật tư đưa vào phục vụ sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết rất lớn. Các khu dân cư, hộ gia đình cũng tăng cường hoạt động nấu nướng, thắp hương, đốt vàng mã trong hoạt động ăn uống, thờ cúng, nên rất dễ dẫn đến các mối nguy cơ xảy ra hỏa hoạn. Như tại các doanh nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất…, do phải chạy đua với việc hoàn thành kế hoạch nên đã tăng cường các loại vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất mà không sắp xếp hàng hóa đúng khoảng cách an toàn theo quy định. Có nơi kê, đặt hàng hóa tràn ra cả lối đi, lối thoát nạn hoặc gần nơi phát sinh nguồn nhiệt, các đường dây dẫn điện. Ở các chợ, nhất là các chợ cũ, xuống cấp thì tình trạng bà con tiểu thương dùng lửa để nấu ăn trong lòng chợ, đốt hương, vàng mã trong thờ cúng, câu móc điện lung tung để thắp sáng rất dễ gây ra các vụ hỏa hoạn do chập điện.
Ngoài các nguy cơ nêu trên, còn có những mối nguy cơ hết sức nguy hiểm dẫn đến cháy nổ như: các hoạt động sang chiết gas lậu, kinh doanh xăng dầu tự phát tại các khu dân cư, hộ gia đình…
* Để phòng ngừa cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, mọi người cần phải làm gì, thưa đại tá?
- Cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ là hiểm họa thực sự đối với xã hội và của từng gia đình, đây cũng là điều không ai muốn xảy ra. Do vậy, việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về PCCC là điều bắt buộc đối với các đơn vị, doanh nghiệp và tất cả mọi người. Tuy nhiên, việc phòng tránh các vụ cháy và thiệt hại do cháy cũng không khó nếu mọi người biết chấp hành tốt các quy định của pháp luật về công tác PCCC.
Trước hết, người đứng đầu các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, thương mại… cần phải tăng cường trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCCC tại cơ quan, đơn vị mình; phải tự kiểm tra các phương án chữa cháy, bổ sung các phương tiện chữa cháy tại chỗ; thường xuyên tổ chức phân công lực lượng ứng trực trong những ngày nghỉ, ngày Tết, kể cả ứng trực ban đêm theo quy định.
Ở các chợ, trung tâm thương mại, các ban quản lý phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện những mối nguy cơ phát sinh cháy, đặc biệt là hệ thống điện phải đảm bảo an toàn, không được sắp xếp hàng hóa gần nguồn điện, nơi phát sinh nguồn nhiệt và các cửa ra vào lối thoát nạn, nghiêm cấm việc sử dụng lửa nấu ăn hoặc các hành vi thắp hương đốt vàng mã trong các chợ. Các hộ gia đình cần thận trọng trong việc dùng lửa, củi trong đun nấu, thờ cúng những ngày Tết. Riêng lực lượng Cảnh sát PCCC sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thực hiện các quy định an toàn về PCCC.
Nhân dịp đón Xuân sang, mừng năm mới, thay mặt cho cán bộ, chiến sĩ Sở Cảnh sát PCCC tôi mong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức và người dân hãy giúp đỡ và tạo điều kiện để lực lượng cảnh sát PCCC làm tròn nhiệm vụ phòng ngừa các mối nguy cơ về cháy, nổ để bà con trong tỉnh được hưởng một cái Tết an khang, thịnh vượng, tốt lành.
Đức Việt