Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi lo ô nhiễm “chuyển vùng”

10:11, 11/11/2011

Khu vực khai thác, chế biến đá xây dựng ở TP.Biên Hòa đã ngưng hoạt động từ năm nay (2011). Thay vào đó, khu vực khai thác, chế biến đá ở huyện Vĩnh Cửu đang được mở rộng và kèm theo đó là tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT), vệ sinh môi trường đang có nguy cơ gia tăng. Do đó, vấn đề “chuyển vùng ô nhiễm, mất ATGT” từ TP.Biên Hòa đến huyện Vĩnh Cửu đang thực sự là nỗi lo của người dân và chính quyền địa phương.

Khu vực khai thác, chế biến đá xây dựng ở TP.Biên Hòa đã ngưng hoạt động từ năm nay (2011). Thay vào đó, khu vực khai thác, chế biến đá ở huyện Vĩnh Cửu đang được mở rộng và kèm theo đó là tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT), vệ sinh môi trường đang có nguy cơ gia tăng. Do đó, vấn đề “chuyển vùng ô nhiễm, mất ATGT” từ TP.Biên Hòa đến huyện Vĩnh Cửu đang thực sự là nỗi lo của người dân và chính quyền địa phương.

Các BTNĐ mới ở huyện Vĩnh Cửu được đầu tư bạc tỷ, rất khang trang nhưng cũng cần quan tâm đến ATGT, vệ sinh môi trường ảnh hưởng bên ngoài khi đi vào hoạt động.    Ảnh: T.Toàn
Các BTNĐ mới ở huyện Vĩnh Cửu được đầu tư bạc tỷ, rất khang trang nhưng cũng cần quan tâm đến ATGT, vệ sinh môi trường ảnh hưởng bên ngoài khi đi vào hoạt động. Ảnh: T.Toàn
Ô NHIỄM, MẤT ATGT
Ông Thái Văn Ri, Phó bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Cửu cho biết, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đều nêu bức xúc về tình trạng xe tải ben ra vào các bến thủy nội địa (BTNĐ) làm hư hại đường công cộng. Con đường Tân Hiền (ấp Ông Hường, xã Thiện Tân) chạy dọc bờ sông trước đây được huyện đầu tư khang trang, thuận lợi cho người dân đi lại nhưng nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân là do các BTNĐ mới mở ở đây thu hút xe tải ben vận chuyển đá, đất, cát từ các mỏ (bến) ra vào làm đường sá hư hại nhanh chóng. Con đường này lại nối với đường tỉnh 768 nên các xe tải ben ở các BTNĐ này đã góp phần làm hư đường tỉnh vốn đã chịu áp lực cao từ những xe tải ben hoạt động ở các mỏ đất, đá nằm ven đường. Nhiều người cho rằng, nếu không có biện pháp hữu hiệu, có thể đường tỉnh 768 và đường Tân Hiền sẽ trở thành “con đường đau khổ” như đường tỉnh 760 (tỉnh lộ 16, đường Bùi Hữu Nghĩa, TP.Biên Hòa) trước đây. Tức là đường sá bị xe tải ben hoành hành, gây mất ATGT, mất vệ sinh môi trường khi các BTNĐ, các mỏ nguyên liệu xây dựng đi vào hoạt động.
Ông Lê Hữu Lục, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Vĩnh Cửu cho biết, hoạt động của các BTNĐ còn gây quan ngại về ô nhiễm môi trường trên sông. Chẳng hạn, rác sinh hoạt của hàng chục con người làm việc, sinh sống ở mỗi BTNĐ, chất thải của các loại máy móc ở các bến này… thải ra sông mỗi ngày mà không qua bước xử lý nào. Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Cửu, trên địa bàn huyện có 2 cụm cảng sông, BTNĐ đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch. Hiện nay có 31 BTNĐ hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng, trong đó có 25 bến đang hoạt động, 5 bến chưa hoạt  động và một bến tạm ngưng. Các cụm bến gồm: Cụm I dọc theo đường Tân Hiền, lấy từ vị trí bến Công ty BBCC làm trung tâm mở rộng ra hai hướng Đông và Tây, điểm đầu là doanh nghiệp Thiện Khiêm đến điểm cuối là Công ty cổ phần Hóa An; Cụm 2 gồm các bến dọc theo đường tỉnh 768 thuộc hai ấp 6 - 7, xã Thiện Tân lấy bên Xuân Mai và bến cát Trị An làm giới hạn hai đầu. Ngoài ra, trên địa bàn xã Bình Lợi bổ sung hai bến của Công ty BMCC và Công ty TNHH Đại Khang. Các BTNĐ này sẽ đi vào hoạt động ổn định khi các bến ở đường 760 (TP.Biên Hòa) chấm dứt hoạt động.

CHỦ MỎ, CHỦ XE PHẢI CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI ĐỊA PHƯƠNG
Ông Nguyễn Văn Vý, Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải cho biết, sông Đồng Nai tuy nằm trên địa bàn tỉnh nhưng do Đoạn Quản lý đường sông số 10 (Cục Đường thủy nội địa) quản lý, còn việc cấp phép hoạt động cho các BTNĐ thuộc quyền của Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực III. Về mặt nào đó, vai trò của cấp tỉnh, huyện chỉ có thể quản lý bên ngoài bến. Tuy vậy, địa phương cũng có thể phối hợp với đơn vị cấp phép yêu cầu thêm tiêu chí bảo đảm vệ sinh môi trường đối với doanh nghiệp xin mở bến. Cụ thể là chủ bến phải làm đường bê tông đấu nối với đường công cộng để xe vận chuyển không vấy sình đất ra khỏi bến; các bến phải tổ chức rửa xe ben thật sạch trước khi rời bến. Khi xe vận chuyển chạy vào đường công cộng phải chấp hành quy định về tải trọng...
Ông Nguyễn Hữu Lý, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết, phải đặt ra trách nhiệm xã hội của các chủ mỏ (hiện có 6 mỏ đá đang hoạt động trên địa bàn huyện), chủ bến, chủ xe hoạt động khai thác, kinh doanh vận chuyển vật liệu xây dựng. Các doanh nghiệp này kiếm lợi nhuận hàng chục năm trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu nên họ phải có trách nhiệm góp phần cùng Nhà nước đầu tư bảo đảm ATGT, vệ sinh môi trường nơi họ đứng chân. Cụ thể là các mỏ đá ở gần bờ sông chỉ nên làm băng chuyền để chuyển thẳng nguyên liệu xuống bến, tránh đưa xe vận chuyển gây hư hỏng đường sá công cộng. Các chủ mỏ, chủ bến khi bốc hàng cho xe chở đi không bốc dư tải trọng xe. Các chủ doanh nghiệp phải có trách nhiệm đóng góp làm đường chuyên dùng bằng bê tông cho xe tải ben hoạt động trong khu vực từ mỏ đến bến; ở các giao lộ đường chuyên dùng với đường công cộng, các chủ doanh nghiệp cũng phải đầu tư bảo đảm ATGT, kỹ thuật mặt đường. Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu đề nghị phải xem đây là trách nhiệm xã hội mà các chủ doanh nghiệp phải thực hiện, chứ không phải vận động “tùy hảo tâm” như hiện nay.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị hai lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông phải tích cực hơn nữa trong việc tuần tra kiểm soát, kiểm tra ngay tại gốc để ngăn chặn tình trạng vi phạm của xe tải ben trong khu vực BTNĐ cũng như trên đường tỉnh 768.

Thanh Toàn





Tin xem nhiều