Theo thống kê của UBND tỉnh, từ năm 2005 đến nay, đã có gần 5 ngàn người dân Đồng Nai kết hôn với người nước ngoài. Sau TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai có số lượng người kết hôn với người nước ngoài đứng thứ hai cả nước.
Theo thống kê của UBND tỉnh, từ năm 2005 đến nay, đã có gần 5 ngàn người dân Đồng Nai kết hôn với người nước ngoài. Sau TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai có số lượng người kết hôn với người nước ngoài đứng thứ hai cả nước.
* Thực trạng nhiều khó khăn
Báo cáo của UBND tỉnh tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03/2005 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài cho biết, việc kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài hiện vẫn còn nhiều tồn tại. Trong đó, những vấn đề như: kết hôn không qua tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, phong tục tập quán, điều kiện sinh hoạt… khá phổ biến. Nhiều trường hợp đi đến hôn nhân không đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ mà xuất phát từ mục đích khác, như: môi giới hôn nhân bất hợp pháp để trục lợi dẫn đến vi phạm thuần phong mỹ tục của dân tộc, gây mất trật tự xã hội. Bên cạnh đó, phần lớn phụ nữ Việt Nam theo chồng ra nước ngoài sinh sống khi chưa được trang bị đầy đủ những hiểu biết về pháp luật, ngôn ngữ, phong tục, tập quán… của nước sở tại, nên phần lớn họ gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng và ổn định cuộc sống.
Đăng ký kết hôn tại Sở Tư pháp.
Đại diện Tòa án nhân dân tỉnh cho biết, trong 5 năm qua, tòa đã thụ lý và giải quyết 350 vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài. Trong đó, số vụ ly hôn với người có quốc tịch Hoa Kỳ chiếm tỷ lệ cao (năm 2009 65,6%, năm 2010 52,3%), đứng sau đó là lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Theo đại diện ngành tòa án, về mặt pháp lý, việc giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài và không có yếu tố nước ngoài đều giống nhau, nhưng nguyên nhân dẫn đến ly hôn thì khác nhau. Nếu ly hôn không có yếu tố nước ngoài thường do mâu thuẫn tình cảm, thì ly hôn có yếu tố nước ngoài chỉ vì không đáp ứng nhu cầu tài chính.
Về vấn đề này, đại diện Công an tỉnh cho rằng, kết hôn với người nước ngoài là xu thế khách quan trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh việc tạo nên sự đa dạng về văn hóa thì hôn nhân có yếu tố nước ngoài cũng gây không ít phức tạp trong công tác quản lý. Qua nắm tình hình, có khá nhiều trường hợp phụ nữ Việt Nam kết hôn thông qua môi giới bất hợp pháp. Chính những hoạt động đó đã tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lợi dụng để buôn bán phụ nữ, trẻ em. Hậu quả là nhiều phụ nữ khi sang nước ngoài sống với gia đình chồng hay bị ngược đãi, đánh đập… Theo thống kê, từ năm 2005 đến nay, Công an tỉnh đã phát hiện và xử lý hàng chục vụ vi phạm về kết hôn, như: làm hồ sơ giả, làm thủ tục kết hôn giả để trốn đi nước ngoài…
* Thừa, thiếu các văn bản ban hành
Về những tồn tại trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 03/2005 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh xác định các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý của nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài hiện còn chồng chéo, nội dung bất cập so với thực tế. Cùng một quan hệ pháp luật về đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài nhưng lại được quy định tại 2 nghị định: Nghị định số 68/2002 (được bổ sung sửa đổi ở Nghị định 69/2006) và Nghị định số 158/2005.
Nội dung của Nghị định 69/2006 quy định giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân của mỗi bên do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia (người xin kết hôn) cấp không quá 6 tháng. Trong trường hợp pháp luật của nước nào đó không quy định cấp giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân thì có thể thay thế bằng giấy tuyên thệ của đương sự về tình trạng độc thân của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do nước ngoài cấp không thể hiện những yêu cầu như nội dung của Nghị định 69 quy định. Một số trường hợp không phải là giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, mà là giấy xác nhận cư trú, giấy khai sinh… Những vấn đề này đã gây khó khăn cho cán bộ hộ tịch khi xử lý hồ sơ. Ngoài ra, trường hợp hồ sơ của các đương sự xin đăng ký kết hôn với người nước ngoài có sự chênh lệnh nhau về độ tuổi, kết hôn với người không đủ điều kiện sức khỏe…, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ một văn bản nào quy định cụ thể những trường hợp có thể từ chối thực hiện việc đăng ký kết hôn.
Để giải quyết những vấn đề trên, UBND tỉnh đã kiến nghị các cơ quan Trung ương, Chính phủ nghiên cứu sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành mang tính thống nhất về đăng ký, quản lý hộ tịch có yếu tố nước ngoài; hướng dẫn cụ thể việc cấp giấy chứng nhận kết hôn và giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã tiến hành ở nước ngoài có còn phụ thuộc nhau hay không; cần quy định cụ thể trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài như thế nào là không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc để địa phương có cơ sở pháp lý từ chối đăng ký kết hôn theo quy định. Đại diện Tòa án nhân dân tỉnh cũng đề nghị thành lập Trung tâm tư vấn về hôn nhân để cung cấp thông tin cần thiết cho các trường hợp muốn kết hôn với người nước ngoài.
Trần Danh