Báo Đồng Nai điện tử
En

Vai trò của luật sư đã thực sự được phát huy?

09:10, 09/10/2011

Tại hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Luật sư ở Đồng Nai được tổ chức vào đầu tháng 10-2011, nhiều ý kiến của giới luật sư (thuộc Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, trong quá trình hành nghề, các luật sư vẫn còn gặp nhiều khó khăn, các cơ quan tố tụng chưa thực sự tạo điều kiện để các luật sư phát huy hết vai trò của mình trong việc sử dụng những quy định của pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự.

Tại hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Luật sư ở Đồng Nai được tổ chức vào đầu tháng 10-2011, nhiều ý kiến của giới luật sư (thuộc Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, trong quá trình hành nghề, các luật sư vẫn còn gặp nhiều khó khăn, các cơ quan tố tụng chưa thực sự tạo điều kiện để các luật sư phát huy hết vai trò của mình trong việc sử dụng những quy định của pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự.

* Vướng mắc trong các thủ tục hành chính

Theo luật sư Lê Quang Y, một trong những hoạt động nghề nghiệp quan trọng của luật sư là tham gia tố tụng hình sự. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của đội ngũ luật sư để đạt được những hiệu quả nhất định trong quá trình phát triển nghề nghiệp, thì vẫn còn những vướng mắc trong việc thực thi các thủ tục hành chính gây khó khăn cho giới luật sư khi tham gia quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự. Bộ luật Tố tụng hình sự đã có những quy định về việc luật sư tham gia tố tụng nhưng lại không có những quy định cụ thể về thủ tục hành chính. Chính vì vậy, hoạt động tham gia tố tụng của luật sư trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn, như: việc liên hệ với các cơ quan tố tụng; thủ tục nộp các giấy tờ liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận bào chữa; nộp tài liệu chứng cứ; sao chép tài liệu...

Luật sư (2 người ngồi bên phải) tham gia bào chữa tại một phiên tòa xét xử hình sự.           Ảnh: T.Danh
Luật sư (2 người ngồi bên phải) tham gia bào chữa tại một phiên tòa xét xử hình sự. Ảnh: T.Danh

Về vấn đề thông tin của vụ án, theo luật sư Lê Quang Y, do Bộ luật Tố tụng hình sự cũng như các văn bản hướng dẫn không có quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc cung cấp thông tin, chịu trách nhiệm về tính xác thực của thông tin nên luật sư phải tự tìm hiểu từ phía đương sự. Còn với việc cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư, các cơ quan tố tụng chưa thực sự tuân thủ các quy định của pháp luật về thời gian dẫn đến kéo dài, gây không ít khó khăn cho hoạt động của luật sư và việc bảo vệ quyền lợi cho đương sự theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, ở mỗi địa phương, ở mỗi giai đoạn điều tra khác nhau, các cơ quan tố tụng lại có một cách yêu cầu về các loại giấy tờ khác nhau đối với luật sư, gây không ít khó khăn cho hoạt động của giới luật sư…

Chính những nhiêu khê đó mà hoạt động hành nghề của luật sư trong quá trình tố tụng bị hạn chế rất nhiều.

* Hạn chế vai trò trong quá trình tố tụng

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, luật sư được tham gia một vụ án từ khi cơ quan điều tra khởi tố bị can, trong một số trường hợp luật sư được tham gia vụ án từ khi có quyết định tạm giữ đối tượng. Tuy nhiên, tỷ lệ các vụ án luật sư được tham gia từ giai đoạn điều tra trên thực tế còn quá thấp so với tổng số vụ án hình sự được khởi tố, trong đó có cả những vụ án theo quy định phải có luật sư. Một số luật sư cho biết, ngoài những nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân do các cơ quan tố tụng chưa tạo điều kiện để luật sư thực hiện chức năng của mình. Pháp luật đã quy định luật sư khi tham gia tố tụng được quyền tham gia quá trình lấy lời khai của người bị tạm giữ, hỏi cung bị can, gặp bị can, bị cáo, thu thập và xuất trình tài liệu…, nhưng trên thực tế, việc luật sư tham gia hoạt động hỏi cung gặp không ít khó khăn. Theo luật sư Lê Quang Y, thường thì cơ quan điều tra không thông báo về thời gian hỏi cung, hoặc đã hẹn ngày nhưng lại hoãn, có khi hoãn nhiều lần. Nếu được tham gia hỏi cung thì điều tra viên ít khi dành thời gian cho luật sư được hỏi bị can. Ngoài ra, việc luật sư xin được gặp bị can cũng gặp nhiều khó khăn, phải xuất trình nhiều loại giấy tờ mới thực hiện được nhiệm vụ này. Những khó khăn đó đã làm giảm vai trò của các luật sư trong quá trình tham gia tố tụng, dẫn đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự không được đáp ứng đầy đủ.

Bên cạnh đó, vai trò và quyền hạn của luật sư tại các phiên tòa cũng chưa thực sự được coi trọng, từ việc nghiên cứu hồ sơ vụ án đến việc thẩm vấn công khai, tham gia tranh luận tại phiên tòa để làm rõ tình tiết của vụ án. Nhiều luật sư còn cho rằng, việc bố trí ghế ngồi của luật sư trong phiên tòa hiện nay (ngồi thấp hơn hội đồng xét xử và đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa) cũng chưa cho thấy việc đề cao vai trò của luật sư. “Dù luật sư là người đại diện cho đương sự, được sử dụng các quy định của pháp luật, đưa ra những chứng cứ để tranh luận với đại diện Viện Kiểm sát nhưng lúc nào luật sư cũng là người phải đứng từ phía dưới nói lên” - một luật sư bức xúc cho biết.

Không chỉ chỗ ngồi, ý kiến của nhiều luật sư cho rằng nội dung các phần tranh luận tại một số phiên tòa hình sự còn mang tính hình thức; những nội dung luật sư đưa ra để tranh luận không được đại diện Viện Kiểm sát tranh luận lại (hoặc tranh luận không đầy đủ), nhưng vẫn giữ nguyên quan điểm luận tội. Trong những trường hợp đó, vai trò của luật sư gần như không có ý nghĩa, sự có mặt của luật sư chỉ mang tính hình thức để đảm bảo rằng, nguyên tắc tranh luận đã được thực hiện đúng.

Để tránh đi những oan sai và bỏ lọt tội phạm, nhiều luật sư đề nghị các cơ quan tố tụng cần tạo điều kiện để luật sư thực hiện quyền của mình một cách đầy đủ, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và công bằng xã hội.

Trần Danh


 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích