Với chủ đề “Phòng chống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện…”, tháng An toàn giao thông (ATGT) năm nay (9-2011), lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh đã xử lý hơn trăm trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn. Con số này so với vi phạm thực tế còn chênh lệch quá xa.
Với chủ đề “Phòng chống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện…”, tháng An toàn giao thông (ATGT) năm nay (9-2011), lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh đã xử lý hơn trăm trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn. Con số này so với vi phạm thực tế còn chênh lệch quá xa.
* Chưa thể xử lý tại gốc
Số liệu của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an tỉnh cho thấy, trong tháng 9-2011, lực lượng CSGT tỉnh đã lập biên bản vi phạm 137 trường hợp người lái xe vi phạm nồng độ cồn. Trong đó phần lớn là người lái mô tô, xe máy. Tại các huyện, tuy chưa thống kê đầy đủ nhưng theo nguồn tin chúng tôi nắm được thì, CSGT các huyện chỉ xử lý vài chục vụ vi phạm nồng độ cồn.
Xe cộ đầy kín trước các quán nhậu trên đường Võ Thị Sáu nối dài trong đêm 1-10. |
Trên thực tế, với đà phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, nhà hàng, quán nhậu mọc lên mỗi ngày một nhiều hơn, người dân có điều kiện tổ chức tiệc tùng, nên số lượng người có nồng độ cồn lái xe trên đường vì thế cũng tăng đáng kể. Đối với các vi phạm giao thông khác, như: xe chở quá tải, học sinh đi xe phân khối lớn…, Nhiều người đề xuất “xử lý tại gốc” để tăng hiệu quả. Nghĩa là, phát hiện và xử lý ngay tại bến xe đang chất hàng hoặc rước khách, hoặc xử lý ngay tại cổng trường khi học sinh lái xe ra về. Thế nhưng, với việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng CSGT không thể thực hiện ngay trước các nhà hàng, quán nhậu, tiệc cưới… vì làm như vậy rất cực đoan, dễ bị phản ứng của dư luận. Ông Dương Danh Quý, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh, cũng bày tỏ sự chưa đồng tình với việc “xử lý tại gốc” những người lái xe vi phạm nồng độ cồn.
Liên quan đến việc kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế điều khiển các phương tiện tham gia lưu thông trên đường, trung tá Đỗ Huy Hòa, Phó đội trưởng Đội CSGT Công an TP.Biên Hòa, cho biết: “Đối với người lái ô tô, rất khó phát hiện dáng vẻ bên ngoài để kiểm tra nồng độ cồn (người lái ngồi trong ca-bin) như người lái xe hai bánh. Do vậy, muốn kiểm tra các đối tượng này, CSGT phải ghi nhớ biển số xe ô tô đậu lâu trước các quán nhậu để kiểm tra sau đó ở các tuyến đường gần quán. Với cách làm này thì tốc độ xử lý không cao, CSGT cũng không thể dừng ô tô liên tục trên đường chỉ để kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế”. Còn với người điều khiển xe máy, trung tá Trần Văn Diệp, Đội trưởng Đội Tham mưu - tổng hợp thuộc PC67 cho biết: “Với lưu lượng xe hai bánh trên các tuyến quốc lộ rất cao, CSGT không thể dừng hết xe hai bánh để kiểm tra. Do đó, chỉ khi phát hiện người điều khiển xe máy có biểu hiện bên ngoài của người say rượu, bia, hoặc qua kiểm tra các vi phạm khác mà phát hiện người lái xe có mùi rượu, bia thì CSGT mới sử dụng thiết bị để kiểm tra nồng độ cồn”.
Với phương thức kiểm tra như vậy nên kết quả không phát hiện được nhiều người vi phạm so với thực tế”.
* Thực tế ra sao ?
Tối 1-10, chúng tôi rảo qua hai con đường có nhiều quán nhậu nhất TP.Biên Hòa hiện nay là đường 4 và đường Võ Thị Sáu nối dài. Do đêm cuối tuần nên hầu như quán nào nằm trên hai tuyến đường này cũng đông khách, xe gắn máy để kín sân, xe ô tô đậu thành hàng dài trước cửa quán.
21 giờ 15 cùng ngày, tại khoa cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bác sĩ trực cấp cứu Nguyễn Văn Tuấn cho biết, người bị tai nạn giao thông (TNGT) nhập viện vào các ngày cuối tuần thường tăng cao, trong đó có khoảng 40% nạn nhân có nồng độ cồn. Tại khoa ngoại thần kinh, các điều dưỡng viên cho biết, hiện có 15 ca TNGT đang điều trị ở đây, trong đó cho một người có nồng độ cồn. Tuy nhiên, các nhân viên y tế trực tại đây cho biết, các nạn nhân có nồng độ cồn gặp TNGT thường bị thương tích nặng hơn người khác. Họ đều nhớ như in trường hợp một cô gái trẻ vào đây cấp cứu với nồng nặc mùi rượu vào tháng 1-2011. Cô này bị thương khá nặng và chết sau đó vài ngày. Thế nhưng, không thấy ai đến thăm và nhận xác, bạn nhậu của cô thì “lặn mất tăm”.
Trong các buổi tiệc tùng, chúng tôi thường tranh thủ hỏi những người ngồi chung bàn về việc “vi phạm nồng độ cồn”. Hầu hết những người được hỏi đều biết quy định về việc xử lý người lái xe vi phạm nồng độ cồn, nhưng khi “vui với nhau” người ta lại quên mất những khẩu hiệu vận động của tháng ATGT được giăng đầy đường. Có người còn thú thật : “…Hôm qua vui quá, uống nhiều đến mức lái xe về ra sao không nhớ, chỉ thấy mình nằm ở nhà là an tâm…”. Và hôm sau, khi có dịp ngồi với bạn, sau vài ly dè chừng thì người này lại “uống tới bến” cho vui với bạn bè.
Có thể nói, hiện có rất nhiều người biết rõ tác hại của việc say rượu, bia nhưng vẫn cố tình vi phạm khi lái xe mà trong người có nồng độ cồn. Được biết, mức phạt hiện nay đối với người lái xe vi phạm nồng độ cồn khá cao: phạt đến mức 800 ngàn đồng đối với người lái xe hai bánh, người lái ô tô bị phạt đến mức 6 triệu đồng. Thế nhưng, việc CSGT xử lý còn “mềm dẻo” đối với người lái xe vi phạm nồng độ cồn như hiện nay khiến nhiều người say rượu chưa e dè khi lái xe ra đường.
Thanh Toàn