Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh báo về tình trạng học sinh phạm pháp

09:10, 10/10/2011

Tình trạng học sinh phạm pháp, đối xử với nhau bằng bạo lực đã xuất hiện không ít tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Đây thực sự là lời cảnh báo đối với các bậc phụ huynh và các cơ quan chức năng trong việc quản lý học sinh và thanh thiếu niên hiện nay.

Tình trạng học sinh phạm pháp, đối xử với nhau bằng bạo lực đã xuất hiện không ít tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Đây thực sự là lời cảnh báo đối với các bậc phụ huynh và các cơ quan chức năng trong việc quản lý học sinh và thanh thiếu niên hiện nay.

* Khi học sinh là kẻ phạm tội

Chiều 20-9, Lã Ngọc Ánh (SN 1996, học sinh lớp 8) cùng nhóm bạn đang ngồi chơi trước cổng Trường THCS Long Bình (TP.Biên Hòa) thì thấy Cao Văn Tiến (SN 1997, học sinh lớp 9, Trường THCS Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) đi xe đạp điện đến. Do hỏi mượn xe để chạy thử nhưng Tiến không cho nên Ánh đã đánh Tiến. Trong lúc giằng co, Tiến đã lấy dao giấu sẵn trong người ra đâm Ánh 3 nhát vào bụng, khiến Ánh tử vong khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Đang là những học sinh nhưng Nguyễn Hoàng Nam và Cao Văn Tiến đành phải gác lại chuyện học hành để vào tù chịu tội.
Đang là những học sinh nhưng Nguyễn Hoàng Nam và Cao Văn Tiến đành phải gác lại chuyện học hành để vào tù chịu tội.

Cùng ngày, trước cổng Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) huyện Tân Phú, nhiều người dân lẫn học sinh ở đây đã một phen hoảng hốt khi chứng kiến vụ hai học sinh đâm chết một bạn học. Được biết, xuất phát từ những xích mích nhỏ nhặt trước đó với Trần Hoài Nam (SN 1994, học sinh của Trung tâm GDTX), Nguyễn Cao Cường (SN 1995) và Bùi Thanh Sang (SN 1993), đều là học sinh của Trung tâm GDTX huyện Tân Phú, đã về nhà lấy dao giấu vào người rồi đến trước cổng trung tâm đợi Nam. Tan trường, Nam vừa bước ra đến cổng trung tâm đã bị Cường và Sang xông đến dùng dao đâm chết tại chỗ.

Trước đó chưa lâu, tối 31-8, người dân TP.Biên Hòa vô cùng phẫn nộ khi nghe tin anh Hồ Đắc Đoàn (SN 1979, nhân viên trực gác chắn cầu Ghềnh) bị một đối tượng đâm chết chỉ vì anh này giằng lại chiếc mũ bảo hiểm bị cướp. Năm ngày sau đó (ngày 5-9), mọi người càng bàng hoàng hơn khi biết hung thủ đâm chết anh Đoàn là Nguyễn Hoàng Nam, học sinh lớp 10 của Trung tâm GDTX tỉnh.

Trên đây chỉ là một vài trong khá nhiều vụ học sinh phạm pháp xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

* Làm gì để ngăn chặn?

Từng thụ lý điều tra nhiều vụ án do đối tượng thanh thiếu niên, học sinh gây ra, một cán bộ thuộc Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP.Biên Hòa) cho biết: “Các đối tượng thiếu niên phạm tội, đặc biệt là tội nghiêm trọng, thường có hoàn cảnh xuất thân khá đặc biệt, gia đình thiếu sự quan tâm, quản lý để con cái sa vào các trò chơi mà quên đi việc học hành. Những gia đình này thường không biết con mình đi đâu, làm gì và chơi với bạn bè nào… Sự thiếu quản lý của gia đình khiến các em dễ phạm tội. Điều đáng lo là nhiều em bị bắt khi phạm tội thường không nhận thức được mức độ nguy hiểm về hành vi mình đã gây ra”. Do đó, theo vị cán bộ này, để làm giảm tình trạng thanh thiếu niên phạm pháp, điều trước hết là mỗi gia đình phải quản lý con cái một cách chặt chẽ. Ngoài ra, các tổ chức xã hội (đặc biệt là tổ chức Đoàn thanh niên) tại các địa phương phải phát huy hết vai trò trong việc tổ chức các hoạt động đoàn thể để các em có điều kiện tiếp xúc với môi trường lành mạnh. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành cũng cần phải quan tâm, tạo điều kiện để các em học sinh có những sân chơi bổ ích ngoài những giờ học ở trường. Vị cán bộ điều tra này nhấn mạnh: “Chúng ta không thể mong chờ tình hình tội phạm ngày càng giảm đi trong khi ngoài xã hội ngày càng ít các điểm vui chơi lành mạnh, như: các câu lạc bộ văn hóa, thể thao, thư viện… mà lại xuất hiện nhiều vũ trường, quán bar, điểm chơi game…”.

Theo thống kê của Công an TP.Biên Hòa, trong những tháng đầu năm 2011, Công an TP.Biên Hòa đã lập hồ sơ đưa đi trường giáo dưỡng 24 trường hợp thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn lập hồ sơ truy tố 47 trường hợp tuổi dưới 18 phạm pháp hình sự.

Trao đổi về vấn đề này, bà Huỳnh Lệ Giang, Phó giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo, nói: “Để ngăn chặn tình trạng bạo lực ở học sinh, ngành giáo dục đã có những hoạt động nhằm giáo dục, giúp đỡ các em có thêm những kỹ năng sống để tránh xa những hành vi không tốt. Về công tác quản lý, đầu năm học các trường đều viết bản cảm kết không để học sinh của trường vi phạm pháp luật”. Tuy nhiên, theo bà Giang, việc học sinh phạm pháp ngành giáo dục không thể kiểm soát hết. Bởi, ngoài thời gian học ở trường, các em còn tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Trong khi nhận thức của các em chưa đầy đủ thì những thói hư, tật xấu từ xã hội rất dễ tiêm nhiễm vào đầu óc còn non nớt của các em. Với trách nhiệm của ngành giáo dục, để giảm thiểu tình trạng học sinh phạm pháp, thì: “Ngoài các biện pháp quản lý tại trường học, Sở Giáo dục - đào tạo đã thành lập Phòng Công tác học sinh - sinh viên để giúp các em có điều kiện rèn luyện kỹ năng sống tốt hơn. Trước mắt, Sở sẽ phối hợp với một số đơn vị tổ chức các buổi tư vấn kỹ năng cho các em. Ngành giáo dục cũng khuyến khích các trường có điều kiện thành lập các phòng tư vấn kỹ năng sống cho học sinh. Có như vậy mới giúp các em sớm nhận thức và nhận thức đầy đủ hơn về hành vi của mình trong cuộc sống” - bà Huỳnh Lệ Giang cho biết.

Trần Danh

 

 

 

 

Tin xem nhiều