Thực hiện quyết định số 2279/QĐ/BCA (ngày 27-6-2011) của Bộ trưởng Bộ Công an, Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) Đồng Nai sẽ chính thức ra mắt vào ngày mai 30-9.
Thực hiện quyết định số 2279/QĐ/BCA (ngày 27-6-2011) của Bộ trưởng Bộ Công an, Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) Đồng Nai sẽ chính thức ra mắt vào ngày mai 30-9. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai xung quanh sự kiện này, đại tá VÕ VĂN SÁNG, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC tỉnh, cho biết:
Đại tá Võ Văn Sáng.
- Sự ra đời của Sở Cảnh sát PCCC Đồng Nai trong bối cảnh hiện nay là sự kiện quan trọng và có nhiều ý nghĩa. Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là địa bàn có tốc độ phát triển kinh tế khá nhanh, với hàng trăm nhà máy, xí nghiệp có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài hoạt động tại hàng chục khu công nghiệp. Đặc biệt, trong giai đoạn đất nước đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, nền kinh tế đi vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ thì Đồng Nai đã trở thành vùng trọng điểm về phát triển kinh tế, trong đó nổi lên là sự phát triển nhanh các khu công nghiệp, các trung tâm dịch vụ, thương mại, khu dân cư, các làng nghề tiểu thủ công nghiệp... Cùng với sự phát triển đó, nguy cơ về cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ sẽ rất cao. Từ những yếu tố này, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Bộ Công an chọn 7 địa phương trong cả nước (trừ TP.Hồ Chí Minh đã thành lập Sở Cảnh sát PCCC trước đó) có nhiều khu công nghiệp, trung tâm dịch vụ, thương mại để thí điểm thành lập Sở Cảnh sát PCCC, trong đó có Đồng Nai. Sự ra đời của Sở Cảnh sát PCCC Đồng Nai thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về công tác PCCC và các vụ việc khác trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.
* So với trước đây thì quy mô và tổ chức của Sở Cảnh sát PCCC Đồng Nai được bố trí ra sao thưa đại tá?
- Theo quyết định của Bộ Công an, bước đầu Sở Cảnh sát PCCC Đồng Nai có 4 phòng nghiệp vụ (gồm: Phòng tổng hợp; phòng hướng dẫn về phòng cháy; phòng hướng dẫn về phòng cháy và cứu nạn, cứu hộ; phòng hậu cần và trang bị kỹ thuật) và trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo, huấn luyện PCCC và cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh tổ chức ở cấp tỉnh, cấp huyện cũng thành lập được 5 đơn vị Cảnh sát PCCC cấp phòng gồm: Phòng Cảnh sát PCCC TP.Biên Hòa, TX.Long Khánh, huyện Trảng Bom, huyện Định Quán và huyện Nhơn Trạch. Phòng Cảnh sát PCCC ở các địa phương còn lại sẽ được thành lập khi có đủ điều kiện. Hạt nhân nòng cốt của Sở Cảnh sát PCCC gồm số cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trước đây và có bổ sung thêm một số CBCS của các phòng, ban khác thuộc lực lượng Công an tỉnh.
* Với biên chế và tổ chức như vậy, công tác PCCC ở Đồng Nai trong thời gian tới sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực hơn?
- Với quy mô, tổ chức nêu trên, chắc chắn trong tương lai lực lượng Cảnh sát PCCC của tỉnh sẽ có thêm sức mạnh để làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác quản lý nhà nước về PCCC, đồng thời thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác phòng ngừa cháy, nổ; đào tạo, huấn luyện lực lượng chữa cháy cơ sở, nghiên cứu, ứng dụng khoa học chuyên ngành và thực hiện các phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
* Để đảm bảo cho công tác PCCC đạt được nhiều kết quả như mong muốn, yêu cầu trước mắt của Sở Cảnh sát PCCC Đồng Nai là gì?
- Để hoàn thành chức năng và nhiệm vụ được giao, yêu cầu đặt ra cho CBCS Sở Cảnh sát PCCC Đồng Nai là phải tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ”. Trước mắt, Ban giám đốc Sở Cảnh sát PCCC sẽ động viên CBCS nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách; tập trung xây dựng lực lượng đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, đảm bảo đáp ứng ngày càng cao cho yêu cầu nhiệm vụ. Mục tiêu tối cao là ngăn ngừa có hiệu quả các nguy cơ phát sinh cháy nổ, các vụ cháy lớn, từng bước đưa công tác PCCC ở Đồng Nai ngày càng đi vào nề nếp.
* Xin cảm ơn đại tá về cuộc trao đổi này.
Đức Việt (thực hiện)