Trên quốc lộ 1A, đoạn qua ấp Ngũ Phúc, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) có một đoạn đường bị ngập nước triền miên. Khi dự án nâng cấp quốc lộ 1A ngang qua đoạn này được thực hiện (2009-2010), mặt đường được thảm nhựa mới, nhưng tình trạng ngập nước hiện vẫn chưa được khắc phục. Đây là một nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông nguy hiểm trên đường.
Trên quốc lộ 1A, đoạn qua ấp Ngũ Phúc, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) có một đoạn đường bị ngập nước triền miên. Khi dự án nâng cấp quốc lộ 1A ngang qua đoạn này được thực hiện (2009-2010), mặt đường được thảm nhựa mới, nhưng tình trạng ngập nước hiện vẫn chưa được khắc phục. Đây là một nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông nguy hiểm trên đường.
* Đoạn đường “tử thần”
Theo văn bản của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh gửi Ban quản lý dự án 7, chủ đầu tư dự án nâng cấp quốc lộ 1A, đoạn đường “tử thần” được tính từ Km1850 đến Km1858+800 hướng Trảng Bom về Biên Hòa, thuộc địa bàn xã Hố Nai 3. Chỉ trong 18 tháng (từ tháng 2-2009 đến tháng 9-2010), đoạn đường này đã xảy ra 37 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 35 người. Trong đó có khúc đường chỉ dài khoảng 500m ở cuối đoạn (thuộc địa bàn ấp Ngũ Phúc) xảy ra đến 5 vụ TNGT, làm chết 9 người. Nguyên nhân là do khúc đường này thường xuyên đọng nước từ lề phải ra 1/4 mặt đường. Khi trời mưa thì nước ngập ra quá tim đường. Do bị ngập nước thường xuyên nên mặt đường đã bị hư hỏng nghiêm trọng. Khi lưu thông qua đây, người lái xe máy tránh đoạn ngập nước, hư hỏng phải lấn ra tim đường (hoặc bị trượt ngã), nên dễ bị xe ô tô đi cùng chiều phía sau đụng vào gây tai nạn.
Quốc lộ 1A, đoạn qua ấp Ngũ Phúc, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom vẫn còn ngập nước cả tuần lễ sau khi dứt mưa.
Sau khi đoạn đường này được nâng cấp thảm nhựa mới, tình hình TNGT ở đây có giảm, nhưng tình trạng ngập nước vẫn chưa được khắc phục. Nhiều người dân ở đây cho biết, sau khi trời dứt mưa, khúc đường này vẫn còn bị ngập nước đến cả tuần lễ. Anh Phạm Ngọc Khương (nhà ở gần khúc đường ngập nước) cho hay: “Khi chưa nâng cấp, mặt đường vừa ngập nước, lại có rất nhiều ổ gà. Người điều khiển xe máy phải tránh vùng ngập sâu nên chạy lấn ra làn đường dành cho xe ô tô. Có trường hợp do mặt đường đầy nước, không thấy được ổ gà nên người đi xe máy bị sa vào ổ gà và mất thăng bằng, rất dễ bị xe ô tô từ sau đâm tới”. Theo anh Khương, từ khi mặt đường được thảm nhựa mới (cuối năm 2010) đến nay, TNGT ở đây có giảm, do xe máy không bị lọt ổ gà. Thế nhưng, tình trạng ngập nước triền miên ở đây vẫn chưa được khắc phục nên mặt đường nhựa đang có dấu hiệu bong tróc thành ổ gà. Nếu khúc đường này còn ngập nước triền miên thì ổ gà lại xuất hiện và sẽ tái diễn tình trạng gia tăng TNGT như trước đây.
* Khắc phục ra sao?
Quan sát thực tế của phóng viên cho thấy, khúc đường này cong nghiêng về bên phải và có một hố ga thoát nước. Thế nhưng, hố ga này không có đường thoát vì phía sau đã bị bít, do các hộ dân xây nhà, nâng nền cao hơn mặt đường. Một người dân sống lâu năm tại đây cho biết, trước đây bên lề đường là đất nông nghiệp nên hố ga có đường thoát nước ra vùng trũng cách mặt đường trên trăm mét. Nhưng do đơn vị quản lý đường không làm riêng đường thoát nước ngay từ đầu nên không thể hiện trên bản đồ địa chính (giống như đường đi công cộng). Do vậy, khi được cấp quyền sử dụng đất, người dân không thấy có công trình gì nên vô tư cất nhà. Nếu bây giờ làm đường cống thoát nước ra vùng trũng thì sẽ phải đâm qua nhiều nhà dân.
Nền nhà dân cao hơn hố ga thoát nước ở khúc đường ngập nước này. Ảnh: T.Toàn
Ông Nguyễn Sơn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom cho biết, không thể thu hồi đất của nhiều hộ dân ở khu vực này chỉ để làm một đường cống. Còn ông Dương Danh Quý, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh cho rằng, con đường này do Trung ương quản lý nên địa phương không thể tự tiện khắc phục “điểm đen” ngập nước này. Ban ATGT tỉnh đã có nhiều văn bản kiến nghị Công ty 76, Cục Đường bộ (Bộ Giao thông - vận tải) có biện pháp hữu hiệu để chống ngập, bảo đảm ATGT qua đoạn đường này. Nếu công ty tích cực phối hợp với địa phương thì “điểm đen” sẽ được giải quyết nhanh.
Theo ông Phạm Đức Nguyên, Phó tổng giám đốc Công ty 76, công ty đã nhiều lần phát văn bản đề nghị chính quyền địa phương (cả xã và huyện) hỗ trợ giải quyết đường thoát nước cho đoạn đường này, nhưng không được hỗ trợ giải pháp hữu hiệu. Ông Nguyên đưa ra một hướng giải quyết khác là, làm rãnh thoát nước dọc bên lề phải một đoạn khoảng 50-60 mét. Sau đó, cho rãnh này băng ngang quốc lộ 1A, thoát nước theo rãnh bên đường công cộng nối vào đường thoát nước của đường sắt, để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng của khúc đường này.
Rất mong đơn vị quản lý cầu đường sớm phối hợp với địa phương xử lý khúc đường “chết người” để bảo đảm cho người đi xe máy qua đây được an toàn.
Thanh Toàn