Ngày 13-12-2005, khi ông C. đang bán vé số dạo tại khu vực Văn miếu Trấn Biên (phường Bửu Long), thì bị N.T.T. cùng với một người tên V. chặn đường, khống chế cướp 500 tờ vé số của ông.
Ngày 13-12-2005, khi ông C. đang bán vé số dạo tại khu vực Văn miếu Trấn Biên (phường Bửu Long), thì bị N.T.T. cùng với một người tên V. chặn đường, khống chế cướp 500 tờ vé số của ông. Sau khi chiếm đoạt của ông C. số vé số trên, T. đã đến đại lý cấp 1 trả vé (dạng trả vé số ế) thu được số tiền trên 800 ngàn đồng. Với hành vi này, T. và V. đã bị bắt và bị tòa sơ thẩm Tòa án nhân dân (TAND) TP.Biên Hòa xử 18 tháng tù giam.
Tại tòa, bị cáo T. trình bày, lý do cùng V. ra tay “trấn lột” 500 tờ vé số của ông C. vì ông này còn nợ của T. hơn 400 ngàn đồng. T. nói: “Bị cáo đã nhiều lần yêu cầu ông C. thanh toán dứt điểm số tiền còn thiếu (ông C. được đại lý vé số của gia đình T. phân phối để bán dạo kiếm lời), nhưng ông C. vẫn chây ỳ, không chịu trả. Đồng thời, ông C. còn bỏ đại lý của T., chuyển sang đại lý khác nhận vé nhằm lánh mặt”.
Tại phiên xét xử phúc thẩm TAND tỉnh vào cuối tháng 6 vừa qua, luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo T. bào chữa rằng, do bị cáo không nhận thức được đầy đủ hành vi “cưỡng đoạt” vé số của ông C. nhằm mục đích trừ nợ là vi phạm pháp luật, phạm tội “cướp tài sản”. Đồng thời, hành vi nợ tiền của ông C. có dấu hiệu phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, bởi ông này không chỉ nợ tiền của T., mà còn nợ của nhiều đại lý khác với hình thức tương tự rồi lánh mặt hoặc chây ỳ khi bị đòi nợ. “Đây chính là tình tiết giảm nhẹ cần được xem xét cho hành vi phạm tội của bị cáo T.”- luật sư khẳng định.
Trong khi đó, vị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa thì cho rằng, với trình độ học vấn lớp 6/12, sinh sống ở khu vực đô thị thì không thể nói bị cáo T. nhận thức pháp luật còn hạn chế. Đồng thời, việc nợ tiền của ông C. đối với bị cáo T. chỉ đơn thuần là giao dịch dân sự nên không có cơ sở xem xét tình tiết giảm nhẹ “phạm tội trong trường hợp bị kích động do hành vi trái pháp luật của bị hại gây ra”. Chính vì vậy, vị đại diện Viện Kiểm sát vẫn đồng quan điểm với tòa sơ thẩm TAND TP.Biên Hòa khi tuyên phạt bị cáo T. với mức án 18 tháng tù giam về tội “cướp tài sản”.
Mặc dù giữa luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo T. và vị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tranh luận khá sôi nổi về các tình tiết giảm nhẹ cần được xem xét (quan điểm luật sư) và không chấp nhận vì không có cơ sở (quan điểm đại diện Viện Kiểm sát), nhưng Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm vẫn khép lại phiên xét xử với phán quyết: “giữ nguyên mức hình phạt 18 tháng tù về tội “cướp tài sản” đối với bị cáo T. như bản án sơ thẩm mà TAND TP.Biên Hòa đã tuyên vào ngày 13-2-2011”.
Sau hai lần phải ra trước vành móng ngựa, chắc hẳn bị cáo T. đã thấu hiểu được hành vi đòi nợ bằng cách chặn đường người khác cướp vé số của bị cáo là vi phạm pháp luật. Vì vậy, với bị cáo T. và nhiều người khác nữa, đó cũng là bài học cần được rút kinh nghiệm. Đừng vì vài trăm ngàn đồng mà hành xử “kiểu” xã hội đen để dẫn tới tù tội.
Thành Nhân