Từ ngày 1-7-2011. Luật Thi hành án hình sự (THAHS) có hiệu lực thi hành. Điểm mới đáng chú ý trong Luật THAHS là sẽ áp dụng hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc thay cho xử bắn như hiện nay.
Từ ngày 1-7-2011. Luật Thi hành án hình sự (THAHS) có hiệu lực thi hành. Điểm mới đáng chú ý trong Luật THAHS là sẽ áp dụng hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc thay cho xử bắn như hiện nay.
Theo đó, quy trình thực hiện việc tiêm thuốc độc do Chính phủ quy định. Trước khi thi hành án, Hội đồng thi hành án phải kiểm tra hồ sơ lý lịch của người chấp hành án; trường hợp người chấp hành án là nữ thì hội đồng phải kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện không thi hành án tử hình theo quy định của Bộ luật Hình sự. Trước khi bị đưa ra thi hành án tử hình, người chấp hành án được ăn, uống, viết thư, ghi âm lời nói gửi lại thân nhân.
Khẳng định cơ sở pháp lý cho việc áp dụng các chế độ ăn, ở, lao động và chăm sóc y tế... đối với phạm nhân
Điều 42 của Luật THAHS quy định, phạm nhân được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau xanh, thịt, cá, đường, muối, nước mắm, bột ngọt, chất đốt. Đối với phạm nhân lao động nặng nhọc, độc hại lượng ăn được tăng thêm. Ngày lễ, Tết, phạm nhân được ăn thêm nhưng mức ăn không quá năm lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.
Căn cứ yêu cầu bảo đảm sức khỏe của phạm nhân trong quá trình giam giữ, lao động, học tập tại nơi chấp hành án, Chính phủ quy định cụ thể định mức ăn phù hợp với điều kiện kinh tế, ngân sách và biến động giá cả thị trường. Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện có thể quyết định hoán đổi định lượng ăn cho phù hợp với thực tế để bảo đảm cho phạm nhân ăn hết tiêu chuẩn. Ngoài tiêu chuẩn ăn quy định, phạm nhân được sử dụng quà, tiền của mình để ăn thêm nhưng không được quá 3 lần định lượng trong một tháng cho mỗi phạm nhân...
Ngoài ra, phạm nhân được hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện của nơi chấp hành án. Mỗi phân trại của trại giam được thành lập thư viện, khu vui chơi, sân thể thao, được trang bị một hệ thống truyền thanh, mỗi buồng giam tập thể được trang bị một máy vô tuyến truyền hình màu... (Điều 44).
Nhà nước sẽ tiếp nhận nuôi dưỡng con của phạm nhân không có thân nhân nuôi trong thời gian chấp hành án tù
Điều 45 Luật THAHS quy định, phạm nhân nữ có thai nếu không được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì được bố trí nơi ở hợp lý, được khám thai định kỳ hoặc đột xuất, được chăm sóc y tế trong trường hợp cần thiết; được giảm thời gian lao động, được hưởng chế độ ăn, uống bảo đảm sức khỏe. Phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con theo quy định của Bộ luật Lao động. Trong thời gian nghỉ sinh con, phạm nhân được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sĩ hoặc bác sĩ, được cấp phát thực phẩm, đồ dùng cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Phạm nhân nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi được bố trí thời gian phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng con.
Điều 45 cũng quy định, phạm nhân nữ có con từ 36 tháng tuổi trở lên phải gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng. Trường hợp con của phạm nhân không có thân nhân nhận nuôi dưỡng thì trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan THAHS công an cấp tỉnh phải đề nghị Sở Lao động - thương binh và xã hội nơi phạm nhân chấp hành án chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Người chấp hành xong án phạt tù được nhận lại con đang được cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng. Về điều này, bà Phạm Thị Lệ Thủy, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo trợ xã hội - Bảo vệ chăm sóc trẻ em tỉnh cho biết, trước khi Luật THAHS ra đời, các cơ sở bảo trợ xã hội do ngành lao động - thương binh xã hội quản lý (như “nhà tình thương” ở Long Thành trước đây và Trung tâm bảo trợ và huấn nghệ cô nhi Biên Hòa hiện nay) cũng đã tiếp nhận và nuôi dưỡng con của phạm nhân không có người nuôi. Tuy nhiên, việc ra đời của Luật THAHS đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp nhận và nuôi dưỡng con của phạm nhân không có người nuôi. Ông Võ Ngọc Ẩn, Giám đốc Trung tâm bảo trợ và huấn nghệ cô nhi Biên Hòa, cho biết: “Hiện trung tâm đang nuôi dưỡng 45 trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, trong đó có 3 cháu là con của phạm nhân và người bị áp dụng biện pháp tư pháp đưa vào trung tâm giáo dục, chữa bệnh và dạy nghề Xuân Phú”.
Tăng cường trách nhiệm của ubnd cấp xã trong việc quản lý, giáo dục người vi phạm pháp luật
Luật THAHS cũng quy định, UBND cấp xã được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, như: Tiếp nhận hồ sơ, tổ chức giám sát, giáo dục người được hưởng án treo; phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục người được hưởng án treo; Có biện pháp giáo dục, phòng ngừa khi người đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật; giải quyết cho người được hưởng án treo được vắng mặt ở nơi cư trú theo quy định của pháp luật về cư trú; Phối hợp với gia đình và cơ quan, tổ chức nơi người được hưởng án treo làm việc, học tập trong việc giám sát, giáo dục người đó; lập hồ sơ đề nghị xem xét việc rút ngắn thời gian thử thách gởi cơ quan có thẩm quyền; nhận xét bằng văn bản và lưu vào sổ theo dõi về quá trình chấp hành án của người được hưởng án treo khi người đó chuyển đi nơi khác; thực hiện thống kê, báo cáo cơ quan THAHS có thẩm quyền về kết quả thi hành án; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án treo theo quy định của luật này...
Bên cạnh việc giám sát, quản lý đối với người được hưởng án treo, người bị quản chế, giáo dục tại địa phương, UBND cấp xã còn có trách nhiệm giám sát đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định (trong thời gian chấp hành theo bản án có hiệu lực) tại địa phương.
Phạm Hoàng Thái