Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng xã, phường không có ma túy, mại dâm

10:04, 28/04/2011

Tập trung đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội, nhất là các vấn nạn ma túy và mại dâm, trong những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã kéo giảm được tệ nạn, góp phần xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư...

Tập trung đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội, nhất là các vấn nạn ma túy và mại dâm, trong những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã kéo giảm được tệ nạn, góp phần xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư...

 

* Ngày càng nhiều địa bàn được công nhận

 

Năm 2011 là năm thứ 11 triển khai phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", là giai đoạn tiếp theo của cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư" được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động từ năm 1995. Trên địa bàn Đồng Nai, để phong trào được thực hiện có hiệu quả, Ban chỉ đạo của tỉnh đã chia thành 7 chương trình do các ban, ngành liên quan trực tiếp làm chủ nhiệm. Trong đó, chương trình 2 với nội dung "Xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma túy" do Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TBXH) chủ trì.

 

Người dân phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) theo dõi thông tin về tình hình an ninh trật tự tại Công an phường.Ảnh: C.NGHĨA

Qua hơn 11 năm thực hiện, chương trình đã góp phần kéo giảm tệ nạn xã hội, từ đó nâng cao hiệu quả xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương. Nếu trong năm 2001, năm đầu tiên triển khai chương trình, toàn tỉnh chỉ có 19/163 xã, phường được công nhận làm tốt công tác phòng chống tệ nạn ma túy và mại dâm (đạt tỷ lệ chưa đến 12%) thì đến năm 2010, toàn tỉnh đã có 128/171 xã, phường, thị trấn được công nhận không có các tệ nạn này, đạt tỷ lệ 75%. Trong số đó, có những xã, phường nhiều năm liền được công nhận không có mại dâm, ma túy. Điển hình như các xã: Xuân Thanh, Xuân Đường (TX. Long Khánh), Đồi 61 (huyện Trảng Bom)... 8 năm liền được công nhận không có tệ nạn mại dâm, ma túy... Những kết quả trên cho thấy, từ việc thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", và cụ thể là xây dựng xã, phường không có ma túy, mại dâm đã làm cho đời sống ở địa bàn dân cư có chuyển biến rõ nét. Nói về điều này, ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH, Chủ nhiệm chương trình 2, cho biết, vì mục tiêu của chương trình là nhằm ngăn ngừa, kéo giảm tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn dân cư, nên ngay từ đầu triển khai, Ban chủ nhiệm chương trình đã xác định tập trung lấy địa bàn dân cư làm trọng điểm để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, để vận động quần chúng tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.         

  

* Hiệu quả từ công tác tuyên truyền, vận động quần chúng...

 

Xác định tuyên truyền, giáo dục pháp luật và vận động quần chúng là công tác có ý nghĩa chiến lược để phát huy hiệu quả phong trào, thời gian qua, Ban chủ nhiệm chương trình 2 đã phối hợp các cơ quan, ban, ngành và chính quyền địa phương tổ chức hàng ngàn buổi tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội, cấp phát 50.000 tờ rơi, áp phích và 1.100 cuốn tài liệu pháp luật về phòng chống tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, Ban chủ nhiệm chương trình còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng chống mại dâm, ma túy cũng như phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác phòng chống ma túy, mại dâm. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Ban chủ nhiệm chương trình và các cơ quan chuyên môn đã mang đến cho người dân thông tin về thực trạng, nguy cơ, hiểm họa và tác hại của tệ nạn ma túy, mại dâm trong đời sống cộng đồng. Qua đó, đã giúp cho người dân nâng cao nhận thức, phát huy vai trò giám sát cộng đồng đối với việc thực hiện công tác này của chính quyền địa phương, cơ sở.

 

Từ công tác vận động quần chúng và vận động những người lầm lỗi sửa chữa sai lầm, nhiều địa phương đã giúp cho nhiều đối tượng từng vi phạm pháp luật trở thành công dân tốt, lấy lại niềm tin đối với gia đình và cộng đồng. Trong 10 năm, Ban vận động ấp,  khu phố hòa giải thành công gần 9.417 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, cảm hóa được 5.626 đối tượng hư hỏng trở thành người có ích cho xã hội. Và, cũng trong 10 năm, nhân dân đã cung cấp cho cơ quan chức năng nhiều nguồn tin có giá trị, vận động 825 người vi phạm pháp luật ra đầu thú, giúp cơ quan công an bắt 685 đối tượng có lệnh truy nã. Tại nhiều ấp, khu phố đã làm tốt công tác ngăn ngừa, không để xảy ra tội phạm trọng án trên địa bàn. 

 

* Đến tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm

 

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, các cơ quan chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về mại dâm và ma túy. Từ năm 2000 đến nay, đội kiểm tra liên ngành các cấp trong tỉnh đã tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trên 9.306 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ, như: karaoke, quán cà phê, bia..., qua đó phát hiện 4.716 vụ vi phạm quy định của Nhà nước đối với các loại hình kinh doanh có tính nhạy cảm này. Từ những vụ việc trên, các cơ quan chức năng đã ban hành quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt hơn 4 tỷ đồng, đình chỉ kinh doanh và giải tỏa 221 cơ sở kinh doanh trái phép, đồng thời rút giấy phép 95 cơ sở kinh doanh vi phạm.

 

Riêng lực lượng Công an Đồng Nai, từ năm 2000 đến 2010 đã triệt phá 282 vụ hoạt động mại dâm, bắt giữ 295 đối tượng là chủ chứa, môi giới mại dâm để xử lý theo pháp luật, lập hồ sơ đưa 528 gái mại dâm tập trung giáo dục trị bệnh tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội tỉnh. Nhờ đẩy mạnh truy quét tệ nạn ma túy và mại dâm, lực lượng Công an tỉnh xóa trắng nhiều tụ điểm, địa bàn có hoạt động mại dâm; triệt phá hàng trăm vụ hoạt động buôn bán, tiêm chích ma túy, bắt giữ nhiều đối tượng liên quan tội phạm ma túy. Nhiều đối tượng buôn bán ma túy, tổ chức mại dâm đã bị đưa ra xét xử trước pháp luật.

 

Bên cạnh việc truy quét các tụ điểm ma túy, mại dâm, các cơ quan chức năng cũng tổ chức cai nghiện ma túy và tổ chức dạy nghề cho học viên cai nghiện ma túy và gái mại dâm để cho họ có công ăn việc làm khi được tái hòa nhập cộng đồng. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã có 2.432 đối tượng học viên tại các trường giáo dục, dạy nghề cho đối tượng mại dâm và ma túy được học nghề. Ngoài ra, còn có 482 người sau khi trở về từ các trường giáo dục và dạy nghề được vay vốn tái hòa nhập cộng đồng với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng để làm ăn sinh sống. Theo thống kê của Ban chủ nhiệm chương trình 2, tính đến nay đã có gần 200 chị em phụ nữ từng vi phạm pháp luật về mại dâm đã hoàn lương và có cuộc sống ổn định. Với những chị em có hoàn cảnh khó khăn, chính quyền, đoàn thể ở địa phương đã vận động nhân dân xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ vốn và tạo điều kiện cho chị em buôn bán để sinh sống.

 

Nói về những kết quả mà toàn tỉnh đạt được trong thời gian qua đối với công tác phòng chống ma túy và mại dâm, chủ nhiệm chương trình 2, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Lâm Duy Tín cho rằng, đó là nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, nhưng thắng lợi chính là nhờ sự đồng tình hưởng ứng và tham gia tích cực của nhân dân.

Phạm Hoàng Thái

 

 

 

Tin xem nhiều