Báo Đồng Nai điện tử
En

Giao thông đường thủy: Vẫn còn lo ngại

08:04, 26/04/2011

Mặc dù trong năm 2010 và quý I-2011, trên địa bàn tỉnh không có người chết do tai nạn giao thông đường thủy nhưng vẫn còn đó những nguy cơ tiềm ẩn...

Đoàn kiểm tra của UBND tỉnh đến xem xét thực tế một cầu phao ở xã Đắc Lua, huyện Tân Phú.

Mặc dù trong năm 2010 và quý I-2011, trên địa bàn tỉnh không có người chết do tai nạn giao thông đường thủy nhưng vẫn còn đó những nguy cơ tiềm ẩn...

 

* Người đi đò, phà ít mặc áo phao

 

Điều dễ thấy nhất đối với vấn đề an toàn giao thông đường thủy là tình trạng người đi đò, phà thường không mặc áo phao theo quy định. Thời gian qua, các cơ quan chức năng, báo chí thường xuyên tuyên truyền, vận động hành khách sang sông thực hiện quy định này, nhưng thực tế có rất ít người chấp hành. Chỉ khi có lực lượng kiểm tra thì chủ phương tiện (hoặc người lái đò phà) mới nhắc nhở hành khách khoác vội chiếc áo phao vào. Đáng ngại nhất là những người dân đi trên các phương tiện thủy gia dụng, vốn mỏng manh, nhỏ bé, nhưng hầu như không bao giờ mặc áo phao. Một số người còn không trang bị những vật nổi như: bình nhựa, miếng xốp để phòng khi xảy ra sự cố, tai nạn. Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy (GTĐT) và Thanh tra GTĐT cho biết, do không có quy định xử phạt người đi trên phương tiện thủy không mặc áo phao nên khó có thể thực hiện nghiêm quy định này.

 

Ông Dương Danh Quý, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh cho biết, hiện có loại phao cầm tay rất thuận tiện cho hành khách. Các chủ phương tiện thủy đưa khách sang sông, khách du lịch nên trang bị loại phao này để hỗ trợ thêm biện pháp ATGT cho phương tiện. Ở một tỉnh phía Bắc, các chủ phương tiện cũng đã có sáng kiến trang bị vật liệu nổi, như: ghế ngồi, mái che, vách ngăn... làm bằng những khối xốp, miếng xốp... để nếu chẳng may xảy ra tai nạn thì các vật dụng này sẽ trở thành phao cứu sinh cho người đi trên phương tiện thủy.

 

* Lo với phương tiện thủy chở quá tải

 

Một nguy cơ khác đáng quan tâm hiện nay là tình trạng phương tiện thủy vi phạm trật tự ATGT đường thủy khá cao.

Trong năm 2010 và quý I-2011, cảnh sát GTĐT đã lập biên bản gần 5.000 trường hợp vi phạm, trong đó chủ yếu là vi phạm chở quá vạch dấu mớn nước an toàn. Đa số các phương tiện chở quá vạch dấu an toàn này đều là các loại sà lan, ghe chở vật liệu xây dựng như: đất, đá, cát. Nếu gặp dòng chảy mạnh (hoặc thời tiết mưa to, gió lớn), các phương tiện này rất dễ bị đắm hoặc va trôi vào cầu gây nguy hiểm cho người và phương tiện. Lực lượng chức năng cho biết, do mức phạt không cao nên chủ các phương tiện thủy chấp nhận nộp phạt để chở hàng quá tải, thu tiền cước nhiều hơn tiền phạt. Bên cạnh đó, do không có bến bãi để neo đậu hoặc bốc hàng hóa giảm tải nên các phương tiện vi phạm chỉ phải nộp phạt rồi được tiếp tục lưu thông. Lợi dụng sơ hở này, chủ các phương tiện cố tình chở hàng quá tải và việc vi phạm vẫn cứ tái diễn hết năm này qua năm khác.

 

Một điều đáng lo ngại đối với vấn đề an toàn giao thông đường thủy hiện nay là tình trạng nhiều bến bãi, phương tiện đưa khách sang sông thiếu an toàn. Trong các đợt cao điểm kiểm tra ở 2 huyện Tân Phú và Định Quán, cảnh sát GTĐT đã lập biên bản đình chỉ hoạt động, giao chính quyền địa phương quản lý 6 bến và 16 phương tiện không đủ các điều kiện hoạt động theo quy định. Thế nhưng, sau đó các bến bãi, phương tiện này vẫn hoạt động vì nhu cầu đi lại của người dân, cũng như thu nhập ổn định của nghề đưa đò làm người ta bất chấp quy định của pháp luật.

 

Trong chuyến đi khảo sát một số bến bãi, phương tiện thủy mới đây ở 2 huyện Tân Phú và Định Quán, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đã chỉ đạo chính quyền 2 huyện vận động chủ bến, chủ phương tiện chung tay đầu tư bảo đảm ATGT. Nhà nước địa phương và Ban ATGT tỉnh sẽ hỗ trợ một phần chi phí cho các chủ bến bãi. Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu địa phương kiên quyết đình chỉ các bến bãi, phương tiện không bảo đảm an toàn, các bến bãi nằm ngoài quy hoạch của tỉnh, huyện.

 

Thanh Toàn

 

 

Tin xem nhiều